30 tuổi gap year, đủ tiền sống 1 năm nhưng khó hẹn hò vì “không có sự nghiệp”
Khi nhắc đến chuyện gap year (được hiểu là khoảng 1 năm "nghỉ giữa hiệp" giữa khoảng thời gian đi học và đi làm để đi du học lịch, nghỉ ngơi, nâng cao kiến thức) chúng ta thường nghĩ ngay đến các bạn sinh viên, nhưng hiện nay có rất nhiều người dành cho mình khoảng thời gian nghỉ ngơi dù là ở độ tuổi nào. Song, điều này không dễ dàng để thực hiện khi mà việc không kiếm tiền hay thu nhập ít hơn trong khoảng thời gian này có thể khiến nhiều người gặp phải áp lực tài chính .
Cùng gặp Hà Mạnh, người đã rời công việc sáng tạo cho một công agency và startup công nghệ để có 1 năm gap year, làm điều mình thích ở tuổi 30. Dưới đây, anh sẽ chia sẻ rắc rối tiền bạc, những điều cần chuẩn bị và các định kiến 1 người nghỉ việc ở độ tuổi tưởng chừng như phải ổn định này thường gặp phải dựa trên kinh nghiệm cá nhân.
Xin chào Hà Mạnh,
Tại sao bạn lại quyết định gap year ở tuổi 30 chứ không phải là khoảng thời gian khác?
Có lẽ mình hơi khác biệt một chút vào năm 30 tuổi mới đi đến quyết định này, khi thấy bản thân không còn trẻ nữa nhưng lại chưa làm được gì cho chính mình. Đó là lý do mình quyết định viết mail xin nghỉ việc và dành 1 năm thực hiện một dự án cá nhân về sản xuất phim tài liệu.
Mặt khác, thu nhập của mình ở thời điểm trước khi gap year vào lúc siêng năng cày cuốc là khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Tích lũy dần dần trong quá trình đi làm, mình đã có khoản tiền tiết kiệm đủ để có thể không đi làm trong 1 năm mà vẫn sống được. Bên cạnh đó, dù nói là gap year, mình vẫn có những công việc tự do mỗi tháng. May mắn là ngay trong thời điểm căng thẳng vì dịch bệnh, mình vẫn có 1 khoản thu nhập kha khá nhờ vào các mối quan hệ đồng nghiệp, đối tác có được trong hành trình 10 năm làm truyền thông.
Trong khoảng thời gian gap year, bạn có gặp phải vấn đề gì trong câu chuyện tài chính không?
Mình gặp một trục trặc rất lớn trong khoảng thời gian gap year. Dự định của mình là một năm không đi làm sẽ đi khắp Việt Nam để thực hiện một loạt phim tài liệu về ẩm thực và du lịch. Rất tiếc, dịch bệnh bùng nổ khiến mình không thể đi ngay, và chôn chân ở nhà nhiều tháng trời. Đối với mình lúc đó, sức khoẻ vẫn là điều quan trọng nhất, thế nên mình sử dụng nhiều tiền trong khoảng thời gian không đi làm này để chăm sóc bản thân. Mọi thứ bị đẩy lùi so với dự định 1 năm.
Ngay khi dịch bệnh qua đi, mình đã bắt tay vào thực hiện dự án phim của tuổi 30 này. Trong dự định ban đầu, mình chỉ gap year 1 năm, nhưng thực tế mình đang ở năm thứ hai không đi làm.
Bạn nghĩ rằng cần phải chuẩn bị những gì để có thể tận hưởng thời gian gap year?
Tiền bạc là một chuyện, làm gì để thời gian không trôi qua vô ích là chuyện lớn hơn, và làm gì để không cô độc là chuyện lớn nhất. Vì khi bạn đi làm toàn thời gian cố định, có tiền, có lịch trình làm việc dày đặc do người khác vẽ ra, và có các mối quan hệ công sở.
Theo mình, điều quan trọng cần chuẩn bị bên cạnh tài chính là kỹ năng tự sắp xếp kế hoạch công việc cho bản thân và yếu tố tâm lý. Hãy hình dung bạn có một năm để làm điều bạn yêu thích, nhưng điều đó không có nghĩa chỉ ở nhà nằm yên, ngủ hoặc xem tivi. Bạn cần biết mình nghỉ một năm để làm gì? Chính bạn là "ông chủ" của cuộc đời bạn, một ngày diễn ra như thế nào là do bạn. Một kế hoạch công việc chi tiết cho từng ngày là điều đặc biệt quan trọng.
Tiếp theo là yếu tố tâm lý. Không còn gắn kết với công sở, bạn hãy tự tạo cho mình môi trường tương tác để không cảm thấy bị bỏ rơi. Hãy giữ liên lạc thường xuyên với các cộng sự, những người đồng nghiệp thân thiết có thể giới thiệu việc làm ngắn hạn cho bạn. Bên cạnh đó, mình đến phòng tập mỗi ngày và tập cardio, đó là nơi bạn có con người xung quanh, có tinh thần luyện tập và không có một chút gì "toxic" như bạn từng sợ hãi khi đi làm.
Hà Mạnh có nghĩ rằng, phần quan trọng nhất của chuyện gap year là có 1 khoản tiền đủ sống không, chẳng hạn như bạn là 1 năm?
Nghỉ việc khi chưa có sự chuẩn bị về tài chính thì đó là mạo hiểm, song mình nghĩ tình huống này vẫn thường xuyên xảy ra. Thực tế, có nhiều người vì quá áp lực hoặc chán nản công việc nên giải pháp duy nhất là từ bỏ và kiếm một công việc khác. Tình huống này cũng thường có cái kết là bạn sẽ nghỉ ngơi một thời gian, chịu áp lực từ những hóa đơn phải trả cho đến khi tìm được công việc mới thay thế. Đây là tình huống bất đắc dĩ, chứ không nên là ý tưởng ngẫu hứng chợt lóe lên khi ra chưa biết mình sẽ ra sao sau đó.
Bạn có gặp phải định kiến nào khi gap year ở tuổi 30 không?
Mặc dù không nói ra nhưng mình biết có những người tỏ ý "dè dặt" khi biết mình không đi làm. Có một vài lần, mình gặp một ai đó theo kiểu hẹn hò và rồi tạm biệt nhau luôn vì họ không thích những người không có sự nghiệp. Đó là cảm nhận trong mình thôi, nhưng nó rất rõ ràng. Hơn một năm qua mình uống cà phê tự pha, ăn cơm ở nhà và không thay điện thoại.
Mặt khác, chuyện hết tiền tiết kiệm thì luôn có thể xảy ra, kể cả với những người đang đi làm. Suy cho cùng, tiền bạc kiếm được cũng chỉ là để phục vụ cho các nhu cầu của cuộc sống, mà nhu cầu thì vô cùng. Bạn mua xong một căn hộ cũng có thể rơi vào trạng thái cạn tiền túi. Mình làm xong dự án phim cũng cạn tiền luôn. Như thế không có nghĩa là chúng ta "chết đói" được, sẽ có cách khác. Đi làm, làm nhiều công việc cùng lúc, mọi thứ sẽ qua. Duy chỉ có tâm lý "sợ hết tiền" là điều mình nghĩ luôn tồn tại dù bạn có bao nhiêu chăng nữa.
Ở tuổi 30 thường khi nói đến tiêu chuẩn của sự thành công, người ta sẽ hay nghĩ về chuyện mua nhà mua xe hay thu nhập cao, Hà Mạnh nghĩ gì về chuyện này?
Sở hữu bất động sản, xe cộ hay tiền bạc là thước đo thông thường về sự thành công, đặc biệt là ở tuổi 30 khi nhìn quanh thấy ai ai cũng sắm sửa được rất nhiều của cải. Tuy nhiên với mình có một loại tài sản quý giá hơn đó là sự trải nghiệm, khi tiền được quy đổi sang những chuyến đi và thời gian lưu vào kho tàng ký ức vô giá.
Trước tuổi 30, mình cho phép bản thân thoả sức dịch chuyển trong khả năng. Sau 30, mình tập trung vào đầu tư và tích luỹ, nên cho dù có là những chuyến đi, mình cũng muốn lưu lại thành phim và có giá trị cho đời sống. Mình cũng đã có căn nhà đầu đời ở tuổi 30 và đang đặt mục tiêu cho một chiếc xe để có thể tự di chuyển trong hành trình làm phim dài ngày.
Với 1 bạn trẻ đang chuẩn bị gap year, bạn có lời khuyên nào đặc biệt về câu chuyện tài chính không?
Hãy để dành một khoản tiền đủ để bạn không đi làm trong 6 tháng tới 1 năm mà vẫn sống được. Trong thời gian gap year, nếu có gì khó khăn, bạn vẫn có thể đi làm trở lại, hoặc nhận những công việc freelance như cách mình làm. Gap year không hẳn là rời xa công việc, mà theo mình đó là tận hưởng những việc bạn làm mỗi ngày.
Xin cảm ơn Hà Mạnh vì những chia sẻ!
Theo Như Anh
Trí Thức Trẻ