3 nỗi khổ tận cùng của cung nữ triều Thanh

Chia sẻ Facebook
18/05/2024 03:20:52

Báo Thể thao & Văn hóa ngày 17/01/2023 đưa thông tin với tiêu đề: "3 nỗi khổ tận cùng của cung nữ triều Thanh" cùng nội dung như sau:

Cung nữ đã vào Tử Cấm Thành thường không có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường, thậm chí không được rời cung nửa bước. Nếu làm trái với quy định, họ sẽ khó thoát tội chém đầu hoặc đầy ra biên ải.


Cấp bậc của cung nữ

Trong chốn hậu cung tường hồng, ngói vàng, các cung nữ, phi tần là muôn màu muôn sắc nhất. Theo ghi chép trong "Hà Thanh Tân Lệnh", cuốn sách lịch sử Trung Quốc từ thời Bắc Tề (thế kỷ 6) trở đi, thì số lượng, quy cách, cấp bậc của cung nữ chốn hậu cung mỗi triều đại đều có sự khác nhau, nhưng nhìn chung được phân thành "ngũ đẳng", gồm Chiêu nghi, Phu nhân, Phi, Thế phụ và Ngự nữ.

Qulishi, một trang web của những người nghiên cứu lịch sử của Trung Quốc, cho hay cung nữ có phẩm cấp cao thường rất ít. Trong lịch sử Trung Quốc, cung nữ có vị trí cao nhất là Lục Đại Cơ nhà Bắc Tề, người từng làm tới chức Thị trung quyền thế hiển hách. Sau này khi gặp Hoàng Hoa, một cung nữ khác được hoàng đế sủng ái, Đại Cơ nhận Hoàng Hoa làm con nuôi và tiến cử làm Hoằng Đức Phu nhân. Không lâu sau, Hoàng Hoa sinh được một người con trai khiến cho vị hoàng đế hiếm muộn bấy lâu có hoàng tử nối dõi.


Ảnh chụp các cung nữ cuối thời nhà Thanh - Ảnh: Sohu

Lục Đại Cơ vì muốn bảo toàn con đường quan lộc và gia tăng quyền thế của mình đã mưu mô tiến hành một canh bạc chính trị, dùng thuật pháp ép Hoàng hậu Hồ Thị truất ngôi, sau đó sắp xếp cho mẹ con Hoàng Hoa lên làm Hoàng hậu và Thái tử.

Còn lại, đa phần cung nữ đều là những người thân phận thấp hèn, không có quyền lực hay ảnh hưởng gì. Họ làm công việc tay chân vô cùng vất vả, rất ít có cơ hội tiếp xúc với những phi tần, hoàng hậu, thậm chí đến khi chết cũng không có duyên gặp được hoàng đế, ông chủ của cung cấm mà họ phục vụ cả đời.

Có thể nói, mặc dù cung nữ được phân làm nhiều bậc cấp khác nhau nhưng thực chất đó chỉ là hình thức, tất cả họ đều chỉ làm một công việc là hầu hạ và phục vụ, làm vật trang trí và thỏa mãn những vui thú của bậc quân vương.


Triều đình nhà Thanh tuyển chọn cung như thế nào?

Tại các quốc gia, triều đại của Đông Á, cung nữ là những người làm tạp dịch, hầu cận các quân chủ cùng phi tần trong hậu cung, đồng thời lãnh vai trò ca hát phục vụ giải trí khi có yến tiệc. Nếu cung nữ có xuất thân, hoặc có học hạnh hay có kinh nghiệm phục vụ lâu năm, thì sẽ trở thành Nữ quan, quản lý các cơ quan phục vụ quân chủ và các cung nữ khác.

Ở chính thể quân chủ chuyên chế, cung nữ mặc nhiên bị coi là một dạng tần phi của quân chủ. Khi cung nữ được quân chủ lâm hạnh, tắc sẽ có hai hướng: được thụ phong danh vị tần phi chính thức, hoặc tiếp tục thân phận cung tỳ hầu cận với đãi ngộ có thể được cao hơn một chút so với khi trước. Một bộ phận cung nữ được lâm hạnh, sau đó vẫn tiếp tục làm sai dịch, chỉ có thể cải thiện nếu sinh hạ hoàng tử hoặc hoàng nữ.


Cung nữ đều có xuất thân rất thấp nên khi vào cung phải làm công việc nặng nhọc

Triều đại nhà Thanh, cung nữ được lâm hạnh có thể trở thành Đáp ứng hoặc Thường tại, không nữa thì trở thành Quan nữ tử. Tuy Quan nữ tử cũng chỉ là cung nữ, nhưng lại có đãi ngộ tốt hơn và đặc biệt là có các cung nữ khác được phái đến hầu hạ.

Căn cứ Thanh cung trung dĩ Cung nữ vi Chủ đích nữ phó giai tằng, tuyển chọn cung nữ thời Thanh đã sớm ở năm Thuận Trị thứ 8 (1661), ghi lại: "Phàm nữ tử từ Nội phủ Tá lĩnh (tức Bao y Tá lĩnh), Nội phủ Quản lĩnh (tức Tân Giả khố), khi được 13 tuổi, thì Tá lĩnh cùng Quản lĩnh tạo danh sách để kê trình, giao Tổng quản Thái giám thỉnh chỉ duyệt xem".

Nói cách khác, khi tuyển chọn cung nữ, các nàng cần phải đủ tuổi và có kỳ tịch thuộc Nội vụ phủ Tá lĩnh và Quản lĩnh của Thượng Tam kỳ Bao y, gồm Tương Hoàng kỳ, Chính Hoàng kỳ và Chính Bạch kỳ (trước là Chính Lam kỳ). Tất cả đều phỏng vấn ở Ngự Hoa viên trong Tử Cấm Thành, mỗi lượt chọn 5-6 người, sau đó trở thành cung nữ, phân phối đến các cung điện phục vụ, ai không được chọn thì có thể về nhà kết hôn.

Quá trình kiểm tra gắt gao, đầu tiên là dung mạo ưa nhìn, thông minh linh lợi, sau đó là đến cách thêu thùa, quét tước cùng luyện chữ và đọc sách, thì mới tùy trình độ mà phân phó vào các cung làm việc, ai ưu tú thì được đãi ngộ tốt nhất là hầu hạ phi tần, thấp thì phải vào các cơ quan làm việc nặng. Dưới thời Ung Chính, cung nữ hầu hạ cho Quý nhân trở lên, tắc phải được tuyển từ con nhà thế gia trong tầng lớp Bao y, còn những phi tần tước vị Thường tại và Đáp ứng thì mới tuyển cung tì xuất thân thấp hơn để hầu hạ.

Có thể thấy, nữ tử từ Nội vụ phủ Bao y đều như nhau trải qua tuyển chọn gay gắt, đến lúc này thì không còn dựa vào gia thế nữa, mà cơ bản là bản thân của người đó phải có biểu hiện tốt, thì mới được phân vào các công việc tốt nhất như hầu cận chủ tử tần phi. Vào thời Thanh, Hoàng đế không có cung nữ hầu mà chỉ có Thái giám, như bản thân Thanh Thánh Tổ trong Đình huấn cách ngôn có nói: "Vào thời Minh triều, trong cung cung nữ có mấy nghìn người, tiền son phấn phải đến trăm vạn. Nay Trẫm định trong cung Sử nữ có 300 người. Những người chưa hầu cận Trẫm, tuổi khi 30, ra cung về với nhà mẹ, lệnh hôn phối". Sách Cung nữ đàm vãn lục cũng ghi lại, Thanh triều cung chế nghiêm ngặt, cung nữ không được tùy tiện rời khỏi cung điện mà mình phục vụ, khi rời khỏi thì nhất thiết phải có ít nhất 2 người cùng đi.


Chỉ cần chủ nhân bắt quỳ thì cung nữ phải lập tức nghe theo

Phân phối cung nữ:

- Hoàng thái hậu: 12 người;

- Hoàng hậu: 10 người;

- Hoàng quý phi: 8 người;

- Quý phi: 8 người;

- Phi: 6 người;

- Tần: 6 người;

- Quý nhân: 4 người;

- Thường tại: 3 người;

- Đáp ứng: 2 người.

Nỗi khổ của cung nữ triều Thanh

Trong các bộ phim cung đấu Trung Quốc, hình ảnh các cung nữ thường xuyên nằm ngủ nghiêng trong trạng thái thấp thỏm lo âu hẳn rất đỗi quen thuộc với chúng ta.

Vì đâu mà cung nữ luôn nằm nghiêng như thế? Quy tắc gì khiến họ phải vừa ngủ vừa đề phòng như vậy?

Trên thực tế, tư thế ngủ kỳ lạ này không do Hoàng đế đặt ra, nhưng vẫn có liên quan trực tiếp đến Hoàng đế và cả vị thế đặc biệt của cung nữ trong chốn hậu cung ba nghìn giai lệ.

Theo đó, để có thể thoát khỏi số kiếp khốn khổ, không ít cung nữ chọn con đường quyến rũ Hoàng đế. Trong khi đó, các phi tần trong cung cũng hiểu rõ điều này nên họ luôn đề cao cảnh giác những người hầu không biết an phận. Vậy nên, các chủ vị trong lục cung đã bày ra quy tắc cho cung nữ nằm ngủ nghiêng một bên, đồng thời phải khép chặt hai chân và hai tay, tạo thành một tư thế "kín cổng cao tường", đề phòng Hoàng đế bỗng nảy sinh hứng thú với các cung nữ.

Rõ ràng so với dáng nằm thông thường, việc nằm nghiêng một bên, tay chân kín kẽ trong chăn mền khiến việc quyến rũ Hoàng đế trở nên khó khăn hơn rất nhiều.


Cung nữ buộc phải nằm nghiêng

Ngoài ra, tư thế nằm nghiêng của cung nữ cũng phản ánh tư tưởng mê tín dị đoan của người Trung Quốc xưa. Như chúng ta đều biết, Hoàng đế được xem là "chân mệnh thiên tử", là đấng chí tôn khác biệt với người thường. Nếu lúc nào đó Hoàng đế ngẫu nhiên đi lại trong cung và thấy cung nữ nằm ngửa mặt trong tư thế quá thoải mái, thậm chí còn... vừa ngủ vừa ngáy thì hành vi ấy có thể khép vào tội bất kính với thiên tử. Do đó, các cung nữ đều ngủ nghiêng một bên để tay chân hạn chế hoạt động, tránh sinh ra những cử chỉ vô phép vô tắc trong lúc ngủ mê man.

Lý do cuối cùng cũng đồng thời là lí do thuyết phục nhất, đó là ngủ nghiêng sẽ tăng hiệu suất phục vụ của cung nữ hơn. Phận làm "con ở" trong chốn cung đình, từng giây từng phút của cung nữ đều dành để phục vụ các vị chủ nhân. Nhỡ mà chậm trễ giây phút nào, nhẹ thì bị phạt bổng lộc, nặng thì ăn đòn roi, vậy nên họ buộc phải hình thành thói quen dễ ngủ dễ tỉnh.

Ràng buộc về tư thế nằm ngủ như trên đã khổ, ràng buộc về mặt ăn uống tắm gội của các cung nữ cũng khổ không kém. Họ không được tắm rửa thường xuyên mỗi ngày như phi tần, càng không được ăn đầy đủ và ăn các món cay, mặn cho thỏa vị giác như người khác. Nguyên do cũng lại vì để không phật lòng các vị chủ nhân trong cung. Chuyện nghe cứ như đùa, nhưng thực tế lại có thật.

Thậm chí có cung nữ từng bị thái giám hạ lệnh đánh chết vì... xì hơi ngay bên cạnh Từ Hi do ăn quá no. Có thể thấy, cung nữ luôn phải chật vật tìm cách sinh tồn giữa trăm ngàn quy củ do tầng lớp thống trị đặt ra. Khổ cực là thế, nhưng họ không thể phản kháng mà chỉ đành chấp nhận số mệnh.


Xuất cung không dám lấy chồng

Trong cuốn tự truyện Nửa đời trước của tôi kể lại quãng đời làm vua do chính Phổ Nghi viết, ông đã đề cập rằng hầu hết các cung nữ sau khi bị đuổi khỏi cung đều không ai dám kết hôn. Họ chủ yếu đều sống phần đời còn lại của mình trong bi đát, nghèo túng chứ hiếm khi có trường hợp quay trở về làm thường dân hòa nhập được với xã hội.


Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc - Phổ Nghi về thăm Cố Cung lúc cuối đời - Ảnh: Sohu

Trong khi các thái giám, thị vệ vẫn có thể đi làm các công việc lao động vì có sức mạnh thể chất, các cung nữ thì lại không dễ dàng như vậy. Chỉ một bộ phận rất nhỏ cung nữ còn trẻ trung, xinh đẹp, tháo vát và thông minh mới có thể đi làm các công việc bình thường, lấy chồng sinh con như bao phụ nữ khác.

Đã có nhiều người trở thành người lang thang phải sống bụi đời hoặc tiếp tục đi làm nô lệ cho nhà giàu. Dù ở trong cung hay ngoài cung, họ vẫn mãi là người ở địa vị đáy cùng xã hội.

Có 2 nguyên nhân khiến cung nữ sau khi xuất cung thường không dám xuất giá. Thứ nhất là đa số những người này đều đã ở tuổi "quá lứa lỡ thì" để gả chồng. Dù có muốn thì họ cũng khó tìm được người đàn ông muốn gắn bó với mình. Nhưng dù sao đây vẫn là lý do "nhẹ nhàng" hơn nhiều.

Thứ hai, không ít cung nữ bị vô sinh hoặc khó sinh con do cơ thể đã suy nhược sau nhiều năm làm người hầu. Cung nữ khi ấy có một số "căn bệnh nghề nghiệp" chung rất phổ biến như bị khí trệ, ứ huyết, mạch nặng, đau giữa ngực và dưới sườn.

Cơ thể bị suy nhược, bệnh tật nhưng không được điều trị, cứ mãi tiếp tục lao động nặng nhọc tiếp nên sức khỏe họ càng bị ảnh hưởng, thành bệnh mãn tính. Đặc biệt là với chứng ứ huyết, phụ nữ rất khó sinh con. Mà trong quan niệm xã hội thời bấy giờ, phụ nữ không sinh con là tội lớn, hiếm có gia đình nào chấp nhận. Đây chính là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng tới việc xuất giá của họ.


Ảnh chụp một cung nữ đầu thế kỷ 20 - Ảnh: Sohu

Sống trong cung với quá nhiều phép tắc hà khắc lâu ngày, nhiều người còn sinh bệnh tâm lý, sức khỏe tinh thần không ổn định. Bước ra ngoài Tử Cấm Thành tường cao cổng kín là một thế giới hoàn toàn mới với nhiều người phụ nữ vốn đã quen chôn chặt chân trong cung từ ngày còn nhỏ. Việc cựu cung nữ bị người bên ngoài coi thường, khinh rẻ cũng không phải là hiếm nên để có thể thành công tái hòa nhập cộng đồng là rất khó.

Các cung nữ cuối cùng của Thanh triều chính là những nạn nhân của dòng chảy lịch sử. Sống dưới thể chế phong kiến, các cung nữ không thể hưởng một cuộc sống của người bình thường. Nhưng ngay cả khi xuất hiện chế độ xã hội mới, họ cũng rất khó để hòa nhập.

Vốn đã quen với việc bị người khác điều khiển, không biết lựa chọn, không thể tự quyết định vận mệnh của mình, những người phụ nữ làm cung nữ ấy chỉ có thể bị ruồng rẫy trên con tàu lớn của lịch sử, bị bỏ lại phía sau mãi mãi.

Trước đó, báo Dân Việt ngày 25/02/2021 cũng có bài đăng với thông tin: "Ngụy Anh Lạc của "Diên Hi công lược" là ai trong lịch sử triều Thanh?". Nội dung được báo đưa như sau:

Năm 1998, bộ phim Hoàn Châu cách cách từng khắc họa thành công nhân vật Lệnh Phi. Bà được miêu tả là người nhân hậu, thông minh, luôn giúp đỡ Tử Vy cùng Tiểu Yến Tử. Gần đây, Diên Hi công lược ra mắt, nhân vật Lệnh Phi lại chiếm được tình cảm của khán giả nhờ tài trí hơn người.

Sau những lần được tái hiện trên màn ảnh, trong mắt khán giả Lệnh Quý Phi là phi tần được nhiều sủng ái từ hoàng đế. Những năm cuối đời, bà là người được lòng Càn Lòng nhất.


Lệnh Phi chưa được phong hậu khi còn sống.

Thế nhưng một câu hỏi đến giờ vẫn khiến nhiều chuyên gia sử trăn trở: “Vì sao Càn Lòng không lập Lệnh Phi thành hoàng hậu sau khi hai hoàng hậu tiền nhiệm không còn?”.


Bí ẩn giai đoạn là cung nữ

Trong Thanh sử, Lệnh Quý Phi là Hiếu Nghi Thuần hoàng hậu. Nhưng thời gian còn sống, bà chưa bao giờ được phong hậu. Bà được lập hậu sau khi con trai là Vĩnh Diêm đăng cơ lấy hiệu Gia Khánh.

Lệnh Phi (Ngụy Giai Thị, tức nhân vật Ngụy Anh Lạc trong Diên Hi công lược) sinh năm 1727, năm Ung Chính thứ năm. Xét về tuổi tác, bà kém Càn Long 16 tuổi. Cha bà là Ngụy Thanh Thái, nội quản lĩnh. Gia đình bà chỉ thuộc tầng lớp nô bộc phục vụ hoàng thất.

Theo một số ghi chép sử sách, Ngụy Giai Thị thuộc về nội vụ phủ nên vào cung theo diện cung nữ. Theo quy định thời Càn Long, cung nữ nhập cung phải có độ tuổi từ 13 đến 17. Nhiều nhà sử học cho rằng đây cũng là giai đoạn Ngụy Giai Thị tiến cung.


Ngụy Anh Lạc từng là cung nữ 4 năm.

Các nhà sử học cũng cho rằng bà từng hầu cận ở cung của hoàng hậu lúc bấy giờ là Hiếu Hiền Thuần hoàng hậu.

“Hiện nay, không có nhiều ghi chép để lại về việc Lệnh Phi từng làm cung nữ. Nhưng trong ngự bút để lại của Càn Long trên lăng mộ Hiếu Hiền Hoàng hậu có viết Ngụy Giai Thị là bạn của Hoàng hậu. Đây có lẽ là lý giải cho giai đoạn cung nữ của Lệnh Phi”, Baidu cho hay.


Sủng phi 10 năm sinh 6 người con

Ngụy Giai Thị được miêu tả có dung nhan tú mỹ, tấm lòng thiện lương nên sớm được Càn Long yêu mến.

Năm Càn Long thứ 10 (1745), Ngụy Giai Thị chính thức trở thành phi tử hoàng đế. Bà được phong là Quý Nhân và sau đó là được lập “Tần”. Năm đó, chỉ có ba người được Càn Long phong tần.

Năm Càn Long thứ 13 (1748), bà được tấn phong là Lệnh Phi. Thời gian bà được sắc phong từ “tần” đến “phi” vẻn vẹn có ba năm.

Chữ Lệnh được lấy theo nghĩa “kinh thi phong nhã” với hàm ý khen Nguy Giai Thị đẹp người đẹp nết.

Năm Càn Long thứ 25, bà trở thành Quý Phi. 5 năm sau, Lệnh Phi chính thức trở thành hoàng quý phi. Lúc này, Hiếu Hiền hoàng hậu đã qua đời từ lâu. Kế hoàng hậu bị thất sủng, đày vào lãnh cung. Càn Long không lập hậu nên mọi việc trong cung đều do Hoàng quý phi quyết định. Bà trở thành người cai quản lục cung trong 10 năm cho đến khi qua đời.


Càn Long yêu nhất là hoàng hậu Phú Sát (Hiếu Hiền hoàng hậu).

Lệnh Phi là phi tần có nhiều con nhất với hoàng đế trong lịch sử Thanh triều. 10 năm bên Càn Long, bà sinh 6 người con, 4 hoàng tử và hai công chúa.

Lệnh Phi qua đời ở tuổi 48. Ngay sau đó, bà được thụy xưng là Lệnh Ý hoàng quý phi. Bà được an táng tại Dụ lăng cung, ngay cạnh lăng mộ của Càn Long.

Di thể của bà sau khi mất còn để lại nhiều nghi hoặc. Năm 1928, nhóm kẻ trộm mộ xâm nhập Dụ lăng đã phát hiện một quan tài ở phía tây được cho là Lệnh Ý Hoàng quý phi. Di thể mặc áo vàng, cơ thể không hư thối, răng chưa rụng hết sau nhiều năm an táng.

Được sủng nhưng tình yêu của đế vương còn là dấu hỏi

Lệnh Phi được hợp táng cùng Càn Long ở địa cung. Bà còn được bồi táng thêm 76 kiện, chỉ kém một kiện so với nghi thức hoàng hậu.

Sau khi bà mất, con trai bà là Vĩnh Diễm được truyền ngôi và trở thành hoàng đế Gia Khánh. Lệnh Ý Hoàng quý phi được truy phong hoàng hậu. Nhưng đến giờ, nhiều ý kiến cho rằng sự sủng ái của Càn Long với Lệnh Phi chỉ là nghĩa khó là tình.

“Càn Long cả đời yêu sâu đậm hoàng hậu đầu tiên, Hiếu Hiền hoàng hậu. Nếu như Càn Long thực tâm yêu Lệnh phi đã không để bà 10 năm sinh 6 người con, càng không bỏ qua tước hiệu hậu. Dù hoàng quý phi là vai vế lớn nhưng vẫn không phải hoàng hậu”, cây viết Sử Hoa nghi hoặc.

Thanh sử biên triều cũng nhận định: “Người Càn Long yêu nhất là hoàng hậu đời thứ nhất, Hiếu Hiền hoàng hậu. Người ông tin cậy nhất là Lệnh Phi”.


Những lý giải vì sao Lệnh Phi chưa bao giờ được phong hậu còn là dấu hỏi lớn với lịch sử Thanh triều.

Nhiều ý kiến giải thích về việc Càn Long không phong hậu cho Ngụy Giai Thị. Đầu tiên là gốc gác của bà. Tổ tiên bà vốn thuộc Hán quân tương hoàng kỳ. Sau đó được cất nhắc gia nhập Tương Hoàng Kỳ Mãn Châu (nhà Thanh). Với xuất thân là người Hán cộng thêm gia thế hạng nô bộc, Lệnh Ý hoàng quý phi khó có thể trở thành hậu tại Thanh triều.

Lịch sử nhà Thanh cho thấy Hiếu Ý Nhân hoàng hậu với xuất thân nhà Hán cũng không được phong hậu khi được sủng ái. Bà là hoàng hậu thứ ba của Khang Hi, được truy phong một ngày trước khi qua đời. Trước đó, nhiều năm bà chỉ là Hoàng quý phi.

Cũng có luồng ý kiến cho rằng Càn Long ở thế bảo vệ cho hoàng đế tương lai nên không sắc phong Ngụy Giai Thị. Càn Long có nhiều con trai và các cuộc tranh đấu ngôi vị giữa các hoàng tử là rất lớn. Việc để Lệnh Phi thành hoàng hậu có thể khiến Vĩnh Diễm rơi vào thế nguy hiểm.

“Càn Long cho rằng lập Thái tử quá sớm đối với quốc gia mà nói hại nhiều hơn lợi. Nếu lập Lệnh Phi làm hoàng hậu cũng ngầm ý nói Vĩnh Diễm tương lai thành Thái tử. Càn Long không muốn bại lộ chuyện này khiến hai mẹ con rơi vào đấu tranh quyền lực”, một nhà nghiên cứu lịch sử nói trên Sohu.

Một nguyên nhân thứ ba thường được nhắc đến là sự sĩ diện của Càn Long. Sau Hiếu Hiền hoàng hậu, ông từng lập Nhàn Phi thành Kế hoàng hậu. Cuối cùng, Kế hoàng hậu lại bị thất sủng, giam ở lãnh cung. Dân gian đồn thổi vì Kế hoàng hậu tàn phai hương sắc nên bị vua xa lánh.

Lúc đó, Càn Long tức giận nói: “Hoàng hậu lập thế nào là theo luật, không phải thấy đẹp là sắc phong. Trẫm là người quang minh chính đại, trên có thể thấu trời, dưới đối với nhân dân, thiên hạ hậu thế tuyệt không xấu hổ”.

Vì vậy, Càn Long dù sủng Lệnh phi cũng khó có thể lập một phi tần trẻ làm hậu.

Chia sẻ Facebook