3 năm chỉ mới xong 20% thủ tục
Nhiều doanh nghiệp ngao ngán vì các thủ tục thực tế khó khăn, kéo dài. Dưới đây là câu chuyện cụ thể của một doanh nghiệp.
Hiện lợi nhuận cho nhà ở xã hội khống chế ở mức 10% và 15% nếu cho thuê, nhưng một dự án kéo dài 5 năm, tức mỗi năm chỉ lãi 2%, thấp hơn cả lãi suất ngân hàng, ai mà mặn mà?
Ông Lê Hữu Nghĩa
Một khu đất rộng đến 5ha tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) theo dự kiến sẽ là dự án nhà ở xã hội, giải quyết nơi ở cho người lao động với số lượng căn hộ lên đến 4.000 căn.
Theo tính toán của chủ đầu tư, thời điểm này lẽ ra đây là một công trường nhộn nhịp nhưng hiện bãi đất này chỉ có những dãy giàn giáo xếp chồng lên nhau bị dây leo bủa vây. Từ tháng 3-2019 cho đến nay, các khâu xin giấy phép xây dựng vẫn chưa hoàn tất khiến cho tiến độ của dự án về mặt thủ tục chỉ mới đạt... 20%.
Kể về hành trình nhiêu khê đi gỡ từng nút thắt trong "rừng" thủ tục hành chính trong chặng đường 3 năm qua, ông Lê Hữu Nghĩa, tổng giám đốc Công ty Lê Thành (chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên), cho hay các thủ tục pháp lý giải quyết quá chậm, doanh nghiệp đi mãi mới thấy được "ánh sáng cuối đường hầm".
Cụ thể, khu đất này được quy hoạch xây dựng 15 tầng, mật độ xây dựng 30% nhưng hệ số sử dụng chỉ 2.0. Đây là hệ số sử dụng dành cho khu nhà thấp tầng, chưa kể nhà ở xã hội được tăng 1.5 lần hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng theo luật, buộc lòng doanh nghiệp phải xin điều chỉnh quy hoạch. "Chúng tôi mất 3 năm để xin các thủ tục, giấy tờ chỉ để dự án phù hợp với quy hoạch", ông Nghĩa nói.
Ngồi nhẩm tính số lượng các văn bản quan trọng trong 3 năm qua, ông Nghĩa kể không dưới 15 văn bản các cơ quan trực tiếp trả lời doanh nghiệp, khoảng 20 văn bản trao đổi giữa các sở ngành và khoảng 10 cuộc họp để giải quyết các vướng mắc lớn.
"Văn bản trả lời nhanh nhất là 1 tháng, còn lâu nhất thì 6 tháng chưa thấy hồi âm. Đến giờ chúng tôi sắp được điều chỉnh quy hoạch cục bộ do thành phố đã rốt ráo vào cuộc, nếu xong thủ tục này thì chúng tôi mới đi được 20%, còn chặng đường 80% ở phía trước", ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, thành phố đặt mục tiêu xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội đến năm 2025, riêng doanh nghiệp này đang xin xây dựng 4.500 căn, đáp ứng trên 10%.
Do đó, chỉ cần tạo thuận lợi cho khoảng 10 doanh nghiệp là chỉ tiêu này hoàn toàn nằm trong tầm tay khi đất của doanh nghiệp, tiền cũng của doanh nghiệp và Nhà nước chỉ đóng vai trò thúc đẩy các thủ tục hành chính.
Chính sách hay nhưng khó áp dụng
Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng trên lý thuyết Nhà nước đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, nhưng thực tế khó áp dụng, như thay vì hạ tầng kỹ thuật Nhà nước sẽ làm đến ranh dự án như quy định thì doanh nghiệp đều tự làm.
Đặc biệt, đối với vay ưu đãi, doanh nghiệp khó tiếp cận nên buộc phải vay thương mại, dẫn đến rất khó để giảm giá thành đầu ra. Thậm chí, do các luật và nghị định còn chênh nhau nên doanh nghiệp còn bị phạt tiền thuế dù trên lý thuyết lẽ ra được hưởng ưu đãi.
Dù nộp hồ sơ xin xây dựng nhà ở xã hội trên 2 khu đất thuộc sở hữu của doanh nghiệp cách đây nửa năm, nhưng đến nay Công ty TNHH thương binh nặng Hòa Bình vẫn chưa được thành phố đồng ý chủ trương đầu tư.