3 kiểu bố ĐỘC HẠI "làm phiền" cuộc đời con

Chia sẻ Facebook
13/05/2022 08:00:46

Sự xuất hiện của bố ảnh hưởng rất nhiều tới hành trình trưởng thành của con.


Có tính cách hay gắt gỏng

Sự xuất hiện của người bố trong cuộc đời con trẻ sẽ giúp con trau dồi tốt hơn nhận thức về trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự kiên trì. Những đứa trẻ có bố đồng hành trong hành trình trưởng thành sẽ phát triển EQ và tính sáng tạo hơn những đứa trẻ không nhận được sự quan tâm từ "trụ cột" của gia đình.

Tuy nhiên, nếu ông bố đó có tính khí hay gắt gỏng, nóng nảy thì không những không khí trong gia đình bị ảnh hưởng mà tinh thần, tính cách của đứa trẻ cũng bị tác động tiêu cực không kém. Người bố mất bình tĩnh, dùng sự cáu gắt của mình để giải quyết có thể khiến con cái mai sau bị "lây" tính cách này, đồng thời con trẻ mất đi sự tự tin vốn có và e dè với mọi thứ xung quanh.

Bố mẹ là tấm gương phản chiếu lên con cái, vì thế con cái có thể lưu giữ và "sao chép" mọi hành vi của bố mẹ ngay từ khi còn bé. Một người đàn ông trưởng thành nên học cách đối xử hòa nhã với mọi người xung quanh, đặc biệt với những người thân trong gia đình để gìn giữ hạnh phúc gia đình.


"Nghiện" điện thoại di động

Một cậu bé 7 tuổi từng thổ lộ trực tiếp trên sóng truyền hình ở Bắc Kinh: "Bố yêu điện thoại di động hơn con". Bởi cậu bé quan sát thấy mỗi lần rủ bố chơi cùng, bố đều ưu tiên điện thoại trước rồi mới thực hiện lời hứa với con sau.

Trên thực tế, những ông bố "nghiện" điện thoại di động hơn con là có thật. Mạng xã hội đã khiến người lớn cuốn vào những tin tức, video giải trí, thậm chí quên luôn cả cuộc sống đời thực. Một đứa trẻ nhận được sự thờ ơ, hững hờ của bố có thể sẽ cảm thấy mình bị bỏ quên, cô lập, không nhận được sự yêu thương từ bố vì lúc nào thấy bố cũng chỉ cắm cúi nhìn màn hình điện thoại.

Khi bố chăm chú vào điện thoại, bố cũng sẽ tìm một "màn hình" khác để con tự chơi vui vẻ, không ảnh hưởng đến việc bố "lướt" MXH. Đây là một thói quen vô cùng xấu, nếu cứ kéo dài thói quen này thì trẻ sẽ không chịu tham gia bất cứ hoạt động ngoài trời nào khác, vô tình khiến trẻ trở nên ù lì, chậm chạp khi tiếp xúc với thế giới xung quanh.

Dùng điện thoại không xấu nhưng để con trẻ lạm dụng điện thoại mọi lúc mọi nơi quả là một phương pháp giáo dục tệ. Thay vào đó, bố mẹ nên cùng con cái tham gia các hoạt động như đọc sách, chơi Lego, các trò chơi cha mẹ - con cái, chạy và leo núi...


Không quan tâm đến mẹ

Trong gia đình, mẹ thường là người làm nhiều việc nhà hơn bố, dành thời gian ở nhà nhiều hơn bố và cũng tiếp xúc với các con nhiều hơn bố. Còn các ông bố thường vắng nhà để đi làm, đi công tác, gặp gỡ bạn bè, đối tác, đi nhậu, tới khi trở về nhà có lẽ các con đã lên giường đi ngủ rồi. Vì vậy, thời gian tiếp xúc giữa bố và các con chẳng có nhiều.

Nhiều ông bố có thói quen ra ngoài gặp gỡ nhiều người như vậy nên thậm chí, không có thói quen giúp đỡ vợ, thích "trốn" việc gia đình. Trong khi đó, mẹ vừa phải đi làm, vừa phải dọn dẹp nhà cửa, lại thấy bố có tình trạng như vậy, cảm xúc dễ tiêu cực. Khi tâm trạng mẹ không tốt, tâm trạng của con cái cũng bị ảnh hưởng theo.

Nếu bố là một người tinh tế, biết chăm sóc, quan tâm, giúp đỡ mẹ thì mẹ sẽ trở nên vui vẻ, hạnh phúc, con cái nhìn thấy cũng cảm thấy tự hào trong lòng. Mẹ được quan tâm cũng sẽ "truyền" năng lượng tích cực cho con cái. Tình cảm vợ chồng hòa thuận chính là lí do để cả gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan.


Tiên Yên

Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook