3 kịch bản tăng trưởng kinh tế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 3 kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023, bao gồm các kịch bản cao, trung bình, thấp.
Tại dự thảo Đề án Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 3 kịch bản dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Ở cả 3 kịch bản, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 đạt mục tiêu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 (6,5 - 7%).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Đề án Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn. Dự thảo đã được lấy ý kiến và sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 7.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo được xây dựng trong bối cảnh rủi ro, thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô làm gia tăng áp lực, rủi ro đối với phục hồi kinh tế nước ta trong 6 tháng cuối năm 2022, và cả các năm tiếp theo.
So với cuối năm 2021, chỉ số CPI tháng 6/2022 đã tăng 3,18%, gấp hơn 2 lần so với mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,41%). Tính chung 6 tháng, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước; giá nhiều hàng hóa đầu vào nhập khẩu cũng tăng cao.
Giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, cộng hưởng với đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; làm suy giảm sản xuất, chậm lại đà phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.
Trên cơ sở dự báo tình hình trong nước, quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 3 kịch bản dự báo cho 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Với kịch bản cao, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế khoảng 4%, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 đạt mục tiêu bình quân 6,5 - 7%.
Tại kịch bản trung bình, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cao hơn 4%, nhưng vẫn được kiểm soát, một số cân đối lớn không bảo đảm cân bằng, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 ở mức 6,5 - 7%.
Với kịch bản thấp, kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, nhiều cân đối lớn không bảo đảm cân bằng, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt mục tiêu đề ra, năm 2023 thấp hơn mục tiêu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 (6,5 - 7%).
Mỗi kịch bản đi kèm dự báo, xác định xu hướng một số nhóm chỉ tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô: an toàn nợ công, tài chính công quốc gia; ổn định tiền tệ và hoạt động của hệ thống ngân hàng; lạm phát, giá cả hàng hóa; cân đối sản xuất - tiêu thụ, xuất nhập khẩu một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quan trọng của nền kinh tế; cân đối thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa; lao động, việc làm.
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.