3 giờ đối thoại của người dân Thủ Thiêm với Thanh tra Chính phủ

Chia sẻ Facebook
19/06/2022 00:29:52

Căn cứ xác định 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch, việc mất bản đồ quy hoạch là vấn đề được nhiều người dân Thủ Thiêm mong muốn các cơ quan làm rõ trong buổi đối thoại.

3 giờ đối thoại của người dân Thủ Thiêm với Thanh tra Chính phủ

Chiều 17/6, Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi tiếp công dân, đối thoại với đại diện của 5 khu phố thuộc 3 phường (Bình An, Bình Khánh, An Khánh) của TP Thủ Đức, liên quan đến quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự buổi đối thoại có khoảng 20 đại diện cho hơn 100 người dân đang khiếu nại ranh quy hoạch.

Trong đó, hai vấn đề người dân Thủ Thiêm chất vấn, muốn làm rõ xoay quanh địa giới ranh 5 khu phố ở 3 phường và mất bản đồ quy hoạch.

Băn khoăn về ranh quy hoạch

Ông Hoàng Thanh Long, phường An Khánh cũ (nay là phường Thủ Thiêm), bày tỏ sự băn khoăn trước việc bản đồ quy hoạch 1/5.000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm bị mất. Bên cạnh đó, nếu tấm bản đồ này bị mất, các cơ quan chức năng căn cứ vào đâu để xác định 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch.


Ông Cao Thanh Ca, người dân thuộc phường Bình Khánh cũ (nay là phường An Khánh, TP Thủ Đức), đề nghị các lãnh đạo có mặt trả lời vì sao sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm tồn tại thời gian dài mới bị phát hiện. Một số cử tri khác cũng mong muốn TP.HCM và các đơn vị liên quan làm rõ vấn đề bồi thường, hoán đổi đất cho người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Một số người dân cho rằng những buổi đối thoại tương tự cần có những chuyên gia về pháp lý, quy hoạch để làm rõ nhiều vấn đề còn bất đồng ý kiến giữa các bên.

Ông Lê Sỹ Bảy, Phó tổng thanh tra Chính phủ, cho biết 2 thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ số 1483 và 1169 đến nay vẫn có hiệu lực pháp lý. Các bộ, ngành đã kiểm tra, xác minh, trước khi kết luận, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng và được Thủ tướng đồng ý.

“Nếu bà con vẫn chưa đồng thuận sẽ có cơ quan có thẩm quyền xem xét, cơ quan, bộ, ngành nào phản ánh không đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Lê Sỹ Bảy nói.

Đại lộ vòng cung tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Quỳnh Danh.


Về nội dung phản ánh của người dân về chính sách hỗ trợ đền bù chưa thỏa đáng, ông Bảy đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến thẳng thắn, với mục đích lo cho dân chỗ ăn ở ổn định, đảm bảo cuộc sống, giảm khiếu nại và những bức xúc trong thời gian qua.

"Đòi hỏi của bà con là chính đáng"


Ông Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM , cho biết liên quan các nội dung chính sách, đền bù hỗ trợ, thành phố đã có nhiều cuộc họp tìm ra phương án đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bà con Thủ Thiêm trong bối cảnh thời gian khiếu nại kéo dài, giá đất đai thay đổi.


Ông Châu cho biết UBND TP.HCM đã đưa ra 3 nội dung nghiên cứu về quyền lợi của người dân gắn với thời điểm; chế độ hỗ trợ đền bù và những bất cập trong nội dung văn bản; đồng thời bổ sung các ý kiến của bộ, ngành, Trung ương.


Lắng nghe bức xúc của người dân, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, nhìn nhận việc việc bà con sẵn sàng ủng hộ chính sách phát triển đô thị Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nếu lợi ích được đảm bảo là đòi hỏi chính đáng và sâu sắc. Bà con vẫn còn nguyên niềm tin mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết khách quan, trung thực nhất.

Người dân Thủ Thiêm tại buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành chiều 17/6. Ảnh: Thu Hằng.

“Đây cũng là tâm tư của nhiều người làm cán bộ, công chức Nhà nước và đại biểu Quốc hội”, ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết các cơ quan, bộ, ngành đã ghi nhận đầy đủ. Các cơ quan sẽ xây dựng báo cáo Ủy ban Thường vụ quốc hội, đề nghị Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét. Trong báo cáo này có đề xuất nội dung căn cứ cuộc làm việc hôm nay và ý kiến của các cơ quan.

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi, giám sát vụ việc này đến khi được giải quyết triệt để”, ông Nhưỡng nói.

Tổng mặt bằng khu đô thị mới Thủ Thiêm năm 1996. Ảnh: Lê Quân.

Trước đó, thông báo kết luận 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ khẳng định chỉ có diện tích 4,3 ha nằm ngoài ranh, còn vị trí ranh giới, số thửa đất các hộ dân đang khiếu nại thuộc 5 khu phố ở 3 phường nằm trong ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, qua quá trình thông báo và đối thoại, người dân thuộc 5 khu phố ở 3 phường không đồng ý với nội dung tại thông báo tại kết luận 1483 và tiếp tục đưa ra một số tài liệu, chứng cứ chứng minh diện tích đất khiếu nại nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.

Năm 2021, Thanh tra Chính phủ ban hành thông báo số 1169, tái kết luận 5 khu phố 3 phường nằm trong ranh, chỉ có 4,3 ha (thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2 cũ, nay là khu phố 1, phường An Khánh, TP Thủ Đức) nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đúng như thông báo kết luận 1483 năm 2018.

Thư Trần

Chia sẻ Facebook