3 dự án đường cao tốc: Khẳng định hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế?
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phản ánh: Lúc nào cũng nói hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý đầy đủ nhưng 3 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu đều thấy xin cơ chế.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) chia sẻ thống nhất cao với chủ trương, sự cần thiết để đầu tư các dự án cao tốc này, song vẫn còn một số điều phân vân, đặc biệt là nguồn lực của địa phương.
Ông Hạ dẫn ví dụ Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh còn rất nghèo, thu ngân sách 4.000 tỉ đồng/năm, liệu mỗi một năm có thể cân đối bỏ ra 300 tỉ đồng để đối ứng dự án như dự kiến ? Ông cho rằng phải tính để chia sẻ với các tỉnh khó khăn, bởi theo phân tích, có thể tới đây chỉ dựa chủ yếu vào nguồn thu từ đất sau khi đường hoàn thành.
"Thế nhưng có đường mới có đất và giải quyết có đất rồi mới làm đường. Đ ối ứng của địa phương là quan trọng nhưng cũng rất khó trong giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng... Vì thế phải có phương án sẵn trong tình huống đối ứng của địa phương khó khăn", ông Hạ chỉ rõ.
Bên cạnh đó, về hình thức đầu tư, đại biểu đoàn Quảng Nam bày tỏ băn khoăn khi hiện nay có Luật đầu tư công, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đấu thầu... nhưng các dự án này đều thấy cần phải xin cơ chế.
"Không biết tại sao lại như vậy? Chúng ta vẫn nói là tăng cường nguồn lực của xã hội là một chủ trương đúng nhưng tại sao vẫn phải dùng đầu tư công để thực hiện", ông Hạ đặt vấn đề.
Ông bày tỏ nhất trí với bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải khi trả lời chất vấn vào ngày 9-6 cho rằng thay vì đi xin cơ chế chỉ định thầu đúng, cơ chế đầu tư công thì sửa luật để thu hút được nguồn lực xã hội, trong đó 70 của đầu tư công và 30 của bên ngoài. Việc này sẽ vẫn có lợi.
"Tôi chưa hiểu cơ sở pháp lý nào để Nhà nước bỏ ngân sách ra đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng rồi thu phí, hoàn lại tiền của đầu tư công. Tiền thuế của nhân dân phục vụ cho nhân dân nhưng cuối cùng lại thu để đưa vào ngân sách thì không hiểu cơ chế nào", ông Hạ nêu và đề nghị làm rõ.
Về việc chỉ định thầu, ông Hạ nói chúng ta xin cơ chế và có thể Quốc hội đồng ý nhưng đây không phải là "vấn đề phấn khởi đâu", lúc nào cũng khẳng định hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế?
Đồng thời, đề nghị rút kinh nghiệm khi vừa qua chỉ định thầu đã tạo ra những kẽ hở, tạo ra cơ chế xin cho, gây hệ lụy rất lớn, ví dụ vừa qua trong lĩnh vực y tế do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu.
"Nếu chúng ta làm không cẩn thận sẽ có hệ lụy mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng chất lượng công trình...", đại biểu Tạ Văn Hạ cảnh báo.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng đề nghị trong nghị quyết quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.
Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) thì đề nghị có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Đồng thời đề nghị Chính phủ kiểm tra, rà soát, báo cáo Quốc hội cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi mức tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nếu có cơ chế tốt, việc xây dựng 2 tuyến đường vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội sẽ không tiêu tốn vốn đầu tư từ ngân sách mà có thể còn tạo thêm nguồn lực mới cho ngân sách.