3 điều đại kỵ cần tránh phạm phải trong cuộc đời

Chia sẻ Facebook
29/07/2023 08:50:27

Bất luận là nói chuyện, làm việc hay làm người đều không thể tùy thích, đều cần phải tuân theo những phép tắc nhất định. Dưới đây là những lời dạy của cổ nhân, là kết tinh trí tuệ lưu lại cho hậu thế, cũng là những đại kỵ trong việc nói chuyện, làm việc và làm người. 

(Ảnh minh họa: Nattawut Jaroenchai, Shutterstock)

Nói chuyện không thể tùy miệng


Trong sách “ Thái căn đàm “ viết: “Miệng là cổng chính của tâm, nếu giữ miệng không nghiêm thì tất cả những bí mật trong tâm đều bị lộ ra ngoài hết. Ý là chân của tâm, nếu phòng ý mà không nghiêm thì sẽ dễ đi vào đường tà.” Miệng của chúng ta chính là người phát ngôn của nội tâm chúng ta. Nói như thế nào, không nên nói gì kỳ thực không phải do miệng quyết định mà do nội tâm của một người quyết định. Có những việc không nói ra sẽ có kết quả tốt đẹp hơn rất nhiều lần nếu do thuận miệng mà để lộ ra ngoài.

Trong cuộc sống có một số người nhanh mồm nhanh miệng, thường nói mà không suy nghĩ kỹ. Kỳ thực, thói quen ấy nên cải sửa, nó không chỉ làm tổn hại bản thân mà hại cả người khác.

Đối với việc của bản thân, không thể tùy tiện giãi bày. Đối với việc riêng của người khác, càng không thể tùy tiện tiết lộ. Bởi vì người khác thổ lộ bí mật với chúng ta là xuất phát từ sự tin tưởng, tín nhiệm chúng ta. Khi chúng ta bán đứng tín nhiệm của người khác thì tương lai ai sẽ là người tin chúng ta?

Khi tức giận, nếu hai người có thể lẳng lặng rời xa nhau, thì khi hết giận họ có thể trao đổi để hiểu thấu lòng nhau. Nhưng nếu vẫn hai người ấy, chỉ vì bực tức mà dùng từ ngữ tùy tiện không kiểm soát, gây nên phẫn nộ, thì mối quan hệ này rất dễ dàng đi đến kết thúc, thậm chí mâu thuẫn sẽ đi đến đỉnh điểm.

Con người chỉ mất hai năm học nói, nhưng mất cả đời để học cách im lặng. Cho dù là ai thì cũng không nên nói quá nhiều, khi tâm rối loạn thì hãy đợi bình tâm rồi từ từ nói, nếu thực sự không có gì để nói thì giữ im lặng là cách tốt hơn cả.

Làm việc không thể tùy tâm

Trên thế gian này, sự việc gì cũng đều là có giá cả tương xứng. Nếu một người muốn thu được kết quả gì thì cần phải bỏ ra công sức tương xứng. Nếu bạn muốn vào trường danh tiếng thì phải nỗ lực đủ nhiều. Nếu bạn muốn tìm được công việc như ý thì phải có năng lực đủ lớn.

Một người không thể muốn làm việc gì liền làm việc đó. Mỗi người chúng ta đều có thân phận khác nhau. Cha mẹ là trụ cột trong gia đình, phải gánh vác trách nhiệm với gia đình. Thầy cô là người dạy dỗ đào tạo học sinh, phải có trách nhiệm đối với học sinh. Mỗi người đều có vị trí, có nhiệm vụ riêng của mình, trách nhiệm đó là lớn hơn sở thích cá nhân.

Rất nhiều lúc chúng ta không thể hành xử tùy theo tâm tư, cũng không thể làm việc tùy theo cảm xúc hay tâm trạng bản thân mình. Lúc phẫn nộ, nếu chúng ta không kiểm soát được thì sẽ tạo thành hậu quả không thể vãn hồi. Nếu chúng ta vui vẻ hay sầu bi quá mức, bị tâm trạng dẫn động việc làm, thì những phiền toái sẽ mãi không ngừng.

Vậy nên có thể nói, tâm thái khi làm việc có ảnh hưởng rất lớn đến đời người. Người nào có thể kiểm soát được tâm thái làm việc thì sẽ kiểm soát được cuộc đời của bản thân.

Làm người không thể tùy ý

Làm người cần phải có lương tri và chuẩn mực đạo đức tối thiểu. Người xưa đề cao sự thận trọng, ngay cả khi đang ở một mình cũng cần ước thúc bản thân. Một người bất kể trong tình huống nào cũng cần phải giữ vững nội tâm, không làm, không nghĩ những việc trái với lương tri.

Con người một khi làm những việc trái với lương tri thì sẽ chịu sự trừng phạt của lương tâm. Rất nhiều người vì sai lầm nhất thời mà cả đời hối hận, tiếc nuối. Người ta khi làm việc trái đạo đức dù không bị pháp luật chế tài, thì cả đời họ cũng sẽ bị lương tâm trừng phạt. Những người ấy kỳ thực vẫn có lương tri và chuẩn mực.

Đáng sợ nhất là kiểu người không có chuẩn mực đạo đức tối thiểu. Người như thế sẽ không có ai nguyện ý kết giao, vì họ không từ thủ đoạn để đạt được mục đích, khiến mọi người e sợ mà tránh xa.

Xã hội là có quy tắc, làm người cũng có nguyên tắc. Chỉ những người thiện lương mới được người khác kính trọng và tán dương.

Thế sự biến đổi huyền ảo khôn lường, đời người trải qua mấy chục năm rồi cũng hết. Cho nên, trong mấy chục năm ngắn ngủi ấy, sống làm sao để khi chúng ta về già không phải ngày đêm hối hận vì đã cô phụ cuộc đời mình thì cuộc đời mới có ý nghĩa.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Mời xem video: Khi nào cha mẹ nên bắt đầu dạy dỗ các con tuổi teen?

Chia sẻ Facebook