3 đặc điểm điển hình của kẻ "biến thái" cần chú ý
Những kẻ biến thái về mặt nhân cách không chỉ được tạo ra từ tuổi thơ đau thương hay hoàn cảnh gia đình tồi tệ như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Trong một cuộc hội thảo từ Science and Entertainment Exchange - tổ chức kết nối ngành công nghiệp giải trí với các chuyên gia khoa học, Abigail Marsh - giáo sư tâm lý học và nhà thần kinh học tại Đại học Georgetown cho biết gốc rễ của tình trạng “biến thái” về mặt nhân cách thường là sự phát triển lệch lạc của não bộ.
Marsh cho biết chứng biến thái nhân cách tồn tại ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng, có thể biểu hiện qua tình trạng thao túng và chiếm hữu lớn, bạo lực và đe dọa nhiều hơn bình thường… Tuy nhiên, vị giáo sư này cho biết những người mắc phải tình trạng này thường có chung bốn đặc điểm: tàn nhẫn, không hối hận, không có khả năng yêu thương và vô cảm trước những nỗi đau cả về tinh thần cũng như thể xác.
Không có sự thương cảm với người khác
Marsh cho rằng những người mắc chứng biến thái nhân cách thường rất khó để cảm thấy thương hại, cảm thông với ai đó khác vì chính bản thân họ không có những cảm xúc tương tự. Cô đưa ra ví dụ về một cậu bé ở độ tuổi tiểu học mà cô nghiên cứu đã quay video cảnh các giáo viên và bạn học của mình la hét, khóc lóc, sợ hãi vì có một cuộc khủng bố ở trường học của họ.
Tương tự như vậy, những người mắc chứng biến thái nhân cách hầu như không cảm thấy hối hận khi làm hại người khác về mặt tinh thần, cảm xúc hay thể chất. Trong nghiên cứu của mình, Marsh gặp trường hợp một cậu bé bị giáo viên đuổi học và đình chỉ thường xuyên đến nỗi mẹ cậu mất việc vì bà cần phải chăm sóc cậu ấy, sau đó được đưa vào một cơ sở điều trị tâm thần vì quá căng thẳng. Khi Marsh hỏi cậu bé cảm thấy thế nào, cậu nói điều đó không ảnh hưởng gì đến cậu, cậu không hề hối hận và đồng thời đổ lỗi cho mẹ vì tất cả những điều tồi tệ đã diễn ra.
Không hiểu tình yêu người khác dành cho mình
Marsh cho biết những người mắc chứng biến thái nhân cách cũng gặp khó khăn trong việc cảm nhận và thấu hiểu tình yêu. Cô nói: “Họ không trải qua những mối quan hệ thân thiết, yêu thương người khác giống như cách mà chúng ta vẫn làm. Có nhiều hơn một đứa trẻ mà tôi đã phỏng vấn nói rằng chúng không yêu ai cả, bao gồm cả gia đình, bạn bè của chúng”.
Thay vào đó, những người mắc chứng thái nhân cách thường coi người thân như những "cộng sự" - những người có thể giúp đỡ họ nhưng ở dưới quyền và yếu thế hơn họ.
Không sợ tổn thương về thể chất và tinh thần
Những người mắc chứng biến thái nhân cách khó hiểu được cảm xúc sợ hãi. Những mối đe dọa như bị thương, vào tù hoặc bị khước từ sẽ không thể ngăn được một người mắc chứng biến thái nhân cách làm những gì họ muốn.