3 chữ "Không" của người sống có nguyên tắc và đạo đức
Kẻ mạnh, không kể khổ, mà nghĩ cách; kẻ yếu, chỉ biết khổ, nước mắt hai hàng.
Khi được hỏi "Bạn ghét nhất kiểu người nào?", có người trả lời:
"Ghét nhất người hay kể khổ, gặp chuyện gì cũng kể lể khổ sai".
"Ghét người đánh tráo khái niệm, lạm dụng đạo đức để đứng trên cao phán xét người khác, như thể họ tốt nhất trên đời".
"Ghét người thích xen vào chuyện không phải của mình".
Trên thực tế, những kiểu người này có một điểm chung, đó là: không kiểm soát được cái miệng của mình.
Ernest Miller Hemingway, tiểu thuyết gia người Mỹ từng nói: "Học nói ba năm, học im cả đời".
Đối với một người, sự tự giác đỉnh cao nhất chính là có thể kiểm soát được lời ăn tiếng nói.
1. Không kể khổ
Thế giới này không có sự đồng cảm tuyệt đối, mỗi người đều là sự tồn tại duy nhất và độc nhất.
Những đau khổ đã trải qua, cho dù bạn kể cho người khác nghe thì họ cũng không thể nào thấu hiểu trọn vẹn. Vì vậy, thay vì trút bầu tâm sự vô tội vạ, chi bằng tìm cách sống tốt cho cuộc đời của mình.
Cuốn sách "Nhân gian đáng giá" tập hợp hơn 36 câu chuyện cảm động của bác sĩ Tsuneko Nakamura - người đã dùng cả đời để lắng nghe và thấu hiểu.
Bà Tsuneko là cốt cán của bệnh viện, mỗi ngày tiếp nhận hơn 60 bệnh nhân. Bà cũng là trụ cột trong nhà, ngày nào tan ca cũng xách túi lớn túi nhỏ về nấu cơm, còn phải chăm sóc hai con. Chồng bà hầu như không giúp làm công việc nhà, lại có thói quen nhậu nhẹt, tính tình thất thường, hay nổi cáu với gia đình.
Cuộc sống như thế kéo dài nhiều năm nhưng những người xung quanh bà Tsuneko hầu như không hề hay biết.
Trong mắt đồng nghiệp và bạn bè, bà Tsuneko là một "người chiến thắng cuộc sống", chu toàn kinh tế, gia đình và công việc. Mọi người có thể nhìn thấy khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, nhưng nỗi đau khổ thật sự thường không được biết đến. Bà Tsuneko chưa từng mở miệng kêu ca kể khổ, càng không bao giờ xem người khác là nơi để than thở và trút bỏ sự tiêu cực.
Bà luôn tin rằng: "Chỉ cần còn sống, cuộc đời luôn có cách".
Với niềm tin này, bà Tsuneko đã cố gắng hết sức để cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, đồng thời làm những gì có thể. Bà đã nuôi dạy hai người con thành tài, một người là bác sĩ tai mũi họng và người còn lại là dược sĩ. Còn chồng của bà, khi đã có tuổi, tính tình cũng trở nên ôn hòa hơn, thói quen uống rượu cũng được cải thiện, cuộc sống ngày càng chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp.
Nhiều khi, lý do tại sao chúng ta sẵn sàng nói với người khác về khó khăn của mình là vì chúng ta muốn được người khác an ủi, nhưng thật ra không ai có thể hiểu được trọn vẹn. Cuộc đời là con đường dài, sau tất cả, chỉ mỗi mình ta tiến về phía trước.
Ai cũng có nỗi đau riêng khóc thầm trong đêm tối. Nhưng sự khác biệt là một số người nói ra khó khăn của họ, mong muốn cả thế giới biết về nó. Một số người lại chôn vùi tất cả vào trong tim và sử dụng hành động để thay đổi hiện tại.
2. Không "làm thầy"
Người xưa thường nói: Con người có một căn bệnh, đó là thích làm thầy của người khác.
Nhiều người luôn lấy kinh nghiệm của mình để đo lường người khác, lấy tiêu chuẩn của bản thân áp đặt lên người xung quanh. Nếu người khác không làm theo ý mình, họ sẽ dùng đạo đức để đánh tráo khái niệm.
Đừng dễ dàng thuyết phục người khác phải tử tế, khoan dung và hào hiệp khi chưa trải qua cuộc sống của họ. Bạn không phải là tôi, bạn có "sự hiểu biết chính nghĩa" của bạn và tôi có "cá tính" của tôi.
“Không biết nỗi khổ của người khác mà luôn khuyên họ sống tử tế khuôn mẫu” là sự áp đặt một cách phiến diện và ích kỷ đầy ép buộc.
3. Không bình luận
Người ta có câu: Không biết tường tận, không bình luận.
Nhà nghiên cứu văn học Cổ điển Trung Quốc - Đới Kiến Nghiệp (62 tuổi) là "bậc thầy" trong giảng dạy kiến thức thơ ca.
Ông mở một lớp học làm thơ trên mạng xã hội và trở nên nổi tiếng bởi khả năng truyền tải những kiến thức uyên thâm theo lối hài hước, ai cũng sẵn lòng lắng nghe.
Tuy nhiên, một số người đặt câu hỏi rằng với tư cách là giáo sư đại học, thường xuyên giảng bài, quay phim chụp hình để kiếm tiền như vậy làm mất tư cách của người có học thức. Nhiều người không biết lý do đã báo cáo tài khoản và kêu gọi tẩy chay.
Mãi sau này sự thật mới được hé lộ: Trong thời gian đó, vợ của giáo sư Đới Kiến Nghiệp đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Chi phí điều trị và thuốc men vô cùng đắt đỏ.
Giáo sư Đới Kiến Nghiệp kể: Một lần, vợ làm rơi viên thuốc, nằm dưới đất tìm mãi không thấy nên đã bật khóc. Nhìn thấy tình cảnh này, lòng ông vô cùng đau đớn.
“Mất vợ thì tôi cần kiến thức uyên thâm để làm gì?”. Thật khó tưởng tượng tâm trạng của vị giáo sư khi quyết định nói ra điều này.
Bạn không phải là tôi, làm sao bạn biết tôi sống như thế nào? Làm sao đủ tư cách để quyết định cuộc đời của tôi? Những người luôn đánh giá người khác một chiều thường không đủ tầm nhìn xa trông rộng và hay nói suông dựa trên kinh nghiệm bản thân. Cho rằng bản thân vượt trội hơn những người khác thật sự là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết.
Bạn làm tổn thương người khác và cũng làm tổn thương chính mình. Thế gian là vô thường, cẩn trọng mới có thể thanh thản.