3 chủ đề chính trong chuyến công du Á-Phi của ông Biden

Chia sẻ Facebook
12/11/2022 11:40:29

Ông Biden đã khởi hành cho chuyến công du kéo dài 1 tuần đến các nước châu Á và châu Phi để

tham gia Hội nghị khí hậu COP27, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh G20, gặp gỡ các đồng minh và đối thủ, bao gồm lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)


Chuyến đi của ông Biden sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính: biến đổi khí hậu, kiềm chế ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, và ứng phó những thiệt hại do chiến tranh Nga-Ukraine gây ra.

Vấn đề biến đổi khí hậu


Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden là ở Sharm el-Sheikh – Ai Cập cho Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27). Ông Biden đã gặp Tổng thống Ai Cập vào thứ Sáu (11/11) và phát biểu tại COP27. Ông cam kết rằng Mỹ đang làm mọi thứ trong khả năng để ứng phó nguy cơ khí hậu.


Ông Biden cũng nói rằng “việc thế giới đang đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng, hơn bao giờ hết chúng tôi đang tăng cường gấp bội đối với cam kết về khí hậu, cuộc chiến của Nga [xâm lược Ukraine] chỉ làm tăng mức độ cấp bách của thế giới trong việc cai nghiện nhiên liệu hóa thạch”.


Ông cam kết sẽ đạt được các mục tiêu phát thải của Mỹ vào năm 2030.


Nhiệm vụ của Tổng thống Biden là khôi phục tin cậy của Mỹ về hành động khí hậu để đối phó với việc Trung Quốc sử dụng vấn đề này trong liên kết các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.


Trang tin chính trị Politico của Mỹ đưa tin, ông Biden có lợi thế hơn tại hội nghị khí hậu là vì ông Tập Cận Bình sẽ không tham dự. Điều đó sẽ giúp ông Biden dễ dàng đạt được điểm cao về ngoại giao và ông sẽ ưu tiên hành động vì khí hậu bất chấp những căng thẳng trong mối quan hệ song phương Mỹ-Trung. Ông có thể chỉ ra với các nguyên thủ quốc gia khác rằng ông đã đầu tư hàng trăm tỷ USD vào năng lượng sạch trong “Đạo luật Giảm lạm phát” (the Inflation Reduction Act, IRA) mà ông đã ký hồi tháng 9, xem đó như một minh chứng cho quyết tâm giải quyết vấn đề khí hậu.


Nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực sử dụng các vấn đề khí hậu như một phần quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao. Năm 2015, ông Tập Cận Bình đã công bố một quỹ trị giá 3,1 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Vào tháng 4, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã khai trương một cơ sở ở Trung Quốc nhằm mục đích cải thiện khả năng thích ứng với mực nước biển dâng của các quốc đảo Thái Bình Dương.


Nhưng hiện đang có vấn đề về độ tin cậy trong hành động khí hậu của ông Tập, sau khi ông tuyên bố vào tháng trước rằng Trung Quốc sẽ tăng sản xuất nhiên liệu hóa thạch, cho thấy khả năng Trung Quốc không tuân theo các cam kết về khí hậu trước đó.


Ông Tập Cận Bình từng cam kết vào năm 2020 sẽ đạt mức tối đa lượng khí thải carbon của Trung Quốc vào năm 2030, và đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, nhưng ông không đưa ra được lộ trình và thời gian chi tiết về cách thức Trung Quốc đạt được những mục tiêu đó.

Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc


Điểm dừng chân thứ hai của Tổng thống Mỹ Biden sẽ là thủ đô Phnom Penh của Campuchia cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN.


Chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Tập có tác động lớn nhất đến sân sau chiến lược của Trung Quốc là Đông Nam Á, khiến Đông Nam Á trở thành chiến trường địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.


Nhà Trắng thông báo Tổng thống Biden sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ 10 vào ngày 12/11. Dự kiến các bên tham gia ​​sẽ thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Mỹ-ASEAN để thúc đẩy các mối quan hệ đa phương.


Đài VOA Mỹ đưa tin, đồng điều phối viên Joanne Lin Weiling của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Isa ở Singapore, nói rằng liên minh chiến lược của Tổng thống Biden với khu vực này chủ yếu nhằm kiềm chế Trung Quốc, động thái có thể khiến một số nước thành viên ASEAN như Lào, Myanmar và Campuchia cảm thấy khó xử vì họ “có quan hệ rất chặt chẽ với Trung Quốc”. Bà cho biết thêm “ASEAN không loại trừ Trung Quốc trong chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.


Tổng thống Biden đang cố gắng tăng cường liên minh chiến lược với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Vài tháng trước, Nhà Trắng đã tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt cùng các nhà lãnh đạo ASEAN để nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với khu vực. Tại Hội nghị thượng đỉnh đó, Mỹ đã cam kết chi 150 triệu USD để tăng cường hợp tác với các nước ASEAN trong các lĩnh vực như kinh tế và an ninh hàng hải, bao gồm cả việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Chiến tranh Nga xâm lược Ukraine


Điểm dừng chân thứ ba của Tổng thống Mỹ Biden sẽ là Indonesia. Tại đây, ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi cả hai cùng tham dự hội nghị G20.


Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước (G20) ở Bali – Indonesia, ông Biden sẽ có cơ hội gặp tân Thủ tướng Anh Sunak và tân Thủ tướng Ý Meloni.


Phó giám đốc Melinda Haring của Trung tâm Á-Âu tại Hội đồng Đại Tây Dương nói rằng ngay cả khi ông Tổng thống Nga Putin không tham gia thì Nga sẽ vẫn là một trong những vấn đề được chú trọng. Bà nói: “Chúng tôi biết các vấn đề mà G20 đang đối mặt: chủ đề chính của cuộc họp này là an ninh năng lượng và an ninh lương thực”. Hiển nhiên cả hai chủ đề đó đều liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.


Nhưng phần lớn sự tập trung ở Bali sẽ là cuộc gặp của ông Biden với ông Tập vào thứ Hai tuần sau (14/11). Nhà Trắng và Bắc Kinh đã xác nhận cuộc gặp.


Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết hôm thứ Năm rằng ông Biden muốn trong cuộc gặp ông Tập vào tuần tới sẽ truyền tải phương châm dẫn dắt trong cạnh tranh với Trung Quốc, đặt nền tảng để ngăn chặn xu thế căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung. Nhưng ông cũng sẽ thẳng thắn về các mối quan tâm của Mỹ, bao gồm cả những vấn đề về Đài Loan và nhân quyền của Trung Quốc.

Ông Biden nói sẽ thảo luận về “từng lằn ranh đỏ” với ông Tập tại hội nghị G20


Ông Biden nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng ông sẽ không nhượng bộ gì để xoa dịu Trung Quốc, nhưng cho biết ông muốn đặt ra một số giới hạn.


Nhà Trắng không mong đợi bất kỳ đột phá chính sách cụ thể nào từ cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập Cận Bình. Quan chức này cho biết cuộc gặp không phải để tìm kiếm thành quả gì, sẽ không đưa ra một tuyên bố chung nào.


Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, các hoạt động vũ khí hạt nhân gần đây của Triều Tiên, nỗ lực kiềm chế biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực khác mà hai nước có thể hợp tác cùng nhau, quan chức này cho biết.


Tổng thống Mỹ Biden cho biết ông sẽ không nhượng bộ cơ bản nào khi gặp ông Tập, và ông hy vọng sẽ vạch ra “lằn ranh đỏ” cho ông Tập và cùng quản lý “lằn ranh đỏ” để giải quyết các xung đột, trong đó có Đài Loan.


Mặc dù ông Tổng thống Nga Putin có thể không tham gia G20, nhưng Nga sẽ là một trong những chủ đề chính của G20. Ông Biden cho biết ông không nghĩ ông Putin sẽ tham dự G20. Một quan chức cấp cao nói rằng ông Biden sẽ sử dụng diễn đàn này để nêu bật những tác động tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga đối với nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc tăng chi phí lương thực và giá năng lượng.


Theo Trương Đình, Epoch Times

Ông Biden nói sẽ thảo luận về "từng lằn ranh đỏ" với ông Tập tại hội nghị G20

Mỹ và Trung Quốc vẫn đang làm việc để sắp xếp một cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20.

Chia sẻ Facebook