3 chiếc chìa khóa vàng của bà mẹ Do Thái giáo dục nên các tỷ phú

Chia sẻ Facebook
13/09/2023 04:39:31

Có một câu nói trong tác phẩm kinh điển quan trọng của người Do Thái “Talmud”: “Học tập là điều tốt nhất.” Bậc cha mẹ nào cũng hy vọng con cái sẽ học giỏi, được nhận vào những ngôi trường danh giá và có tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt ở trong các gia đình Do Thái chính là trẻ em ban đầu được người mẹ giáo dục về đạo đức cơ bản và khả năng sinh tồn.

Sarah Imes mô tả triết lý giáo dục của người Do Thái giống như những chiếc chìa khóa vàng. (Ảnh: Sergey Nivens/ Shutterstock)

3 chiếc chìa khóa vàng bà mẹ Do Thái tặng con


Cả người Do Thái và Trung Quốc đều rất coi trọng việc giáo dục nuôi dạy con cái. Nhưng có sự khác biệt rất lớn trong triết lý giữa hai nền giáo dục. Câu chuyện về một người mẹ Do Thái minh họa rõ điều này.


Sarah Imes là một người Do Thái sinh ra ở Thượng Hải. Sau này, cô trở thành bà mẹ đơn thân và quay về Israel cùng 3 đứa con vào năm 1992. Trong quá trình nuôi dạy con cái trong xã hội Israel, đối với người mẹ Do Thái lớn lên ở Trung Quốc này mà nói, hoàn cảnh đó đã ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm giáo dục của cô. Sau bao vất vả, cô đã nuôi dạy 2 con trai trở thành tỷ phú. Kinh nghiệm nuôi dạy con của cô đã được xuất bản trong cuốn sách: “3 chìa khóa vàng bà mẹ Do Thái trao cho con cái của họ ”.


Khi Sarah mới trở về Israel, cô áp dụng các phương pháp giáo dục kiểu Trung Quốc, là một người mẹ, bạn phải mạnh mẽ, dù khó khăn đến đâu cũng không thể để đứa trẻ chịu khổ, do đó, mọi việc trong nhà đều do Sarah lo liệu và chăm sóc. Cô cắn răng chịu đựng tất cả những khó khăn của cuộc sống. Cô quyết tâm tự mình kiếm tiền, chỉ mong con cái học giỏi và đỗ vào một trường đại học tốt, như vậy thì cô đã hoàn thành trách nhiệm của mình. Không ngờ người hàng xóm nhìn thấy liền giận dữ mắng cô: “Cô đừng tưởng sinh con xong thì đã là mẹ rồi, định biến bọn trẻ thành rác rưởi sao?”


Sarah đột nhiên bừng tỉnh, đứa trẻ dù còn nhỏ nhưng vẫn phải gánh vác trách nhiệm trong cuộc sống, không thể bỏ mặc mẹ bận rộn mà không làm gì, đây không phải là tình thương. Từ đó, Sarah không còn gánh vác mọi việc nữa, cô buông tay, để các con đối mặt với thử thách và để chúng học cách chịu đựng gian khổ. Cô đã để các con giúp bán nem rán để phụ giúp gia đình.


Thế là, con trai cả của Sarah đã tổ chức một buổi thuyết trình về văn hóa Trung Quốc, cậu bé đã dũng cảm thuyết trình về những gì cậu từng học được về Trung Quốc. Những người đến nghe giảng có thể nếm thử nem ngon sau khi mua vé vào cửa. Người con trai thứ bán sỉ nem cho căn tin của trường. Người con gái chọn bán lẻ trong trường, cũng có thể kiếm được một khoản lợi nhuận nho nhỏ.


Trong triết lý giáo dục của người Do Thái, việc tự kiếm sống là điều đương nhiên, người ta không thể cứ “há miệng chờ sung” được. Quả nhiên cuộc sống của 3 người con này phát triển rất tốt đẹp, sau khi tốt nghiệp đại học, 2 người con trai đi phục vụ quân sự, làm việc, mấy năm sau đều trở thành tỷ phú, cô con gái cũng vào đại học.


Sarah đã tóm tắt 3 khái niệm giáo dục quý giá được học ở Israel: Khả năng sinh tồn, ý chí và khả năng giải quyết vấn đề. Cô cũng đem những kinh nghiệm này chia sẻ với độc giả. Cô mô tả 3 khái niệm giáo dục này như 3 chiếc chìa khóa vàng.

Đầu tiên: Sinh tồn đòi hỏi phải phù hợp quy tắc “trả phí”


Các gia đình Do Thái thực hiện cơ chế trả lương, cha mẹ lập danh sách việc nhà cho con cái, mỗi việc nhà có một số tiền nhất định, con cái có thể được trả tiền khi làm việc nhà. Cơ chế này rèn luyện cho trẻ những khả năng quan trọng như quản lý tài chính, tự chăm sóc bản thân, hợp tác và sinh tồn.


Lúc Sarah bán nem, bọn trẻ lúc đầu còn ngượng ngùng, nhưng để sinh tồn phải tuân theo quy tắc trả phí, sao có thể ăn mà không làm việc? Bọn trẻ cuối cùng đã học được cách sử dụng bộ não của mình để bán nem. Không chỉ kiếm tiền mà còn phát triển các kỹ năng xã hội, thu thập thông tin và nghiên cứu các quy luật thị trường.

Để sinh tồn, con cái phải tuân thủ quy tắc làm việc để có lương và không được ăn khi không làm việc. (Ảnh: Finist4/ Shutterstock)

Thứ 2:  Trì hoãn sự hài lòng


Không lâu sau khi Sarah trở về Israel, cô đã từ bỏ thói quen nuôi dạy con cái mà cô đã hình thành ở Trung Quốc là “xin gì được nấy”. Cô nhận ra rằng việc nhanh chóng làm hài lòng trẻ sẽ khiến chúng ít cảm thấy đói, được nuông chiều và quen với sự thỏa mãn vô điều kiện.


Việc trì hoãn việc đáp ứng nhu cầu của trẻ có thể rèn luyện tinh thần chịu khổ và khả năng tự chủ, khiến trẻ mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Thứ 3: Giáo dục chậm


Cha mẹ Do Thái rất sẵn lòng buông tay, còn Sarah thì quyết tâm nghiêm khắc với con khi trở lại Israel. Cô chia sẻ, khi con đi cắm trại lần đầu tiên, ban đầu cô muốn giúp con đóng gói hành lý, nhưng sau đó cô đã đổi ý và để con tự chuẩn bị, thậm chí nếu quên mang đồ và gặp rắc rối cũng không sao. Đó cũng là một bài học và bọn trẻ cần phải tự mình đối mặt với nó.


Câu nói “lùi một bước để biển rộng trời cao” của người xưa còn có một hàm ý khác, đó là: Cha mẹ lùi một bước để con cái có thể thử thách bản thân một cách độc lập, trải qua khó khăn thì con cái mới có cơ hội bay cao trên bầu trời.


Trong việc quản giáo con cái, các bà mẹ Do Thái sẵn sàng không làm cha mẹ hoàn hảo mà cố tình không quản và để con tự mình giải quyết vấn đề. Đây là nguyên tắc “giáo dục chậm”.


Cô nói: Nuôi con cũng giống như trồng hoa, phải kiên nhẫn chờ đợi hoa nở. Kiểu nuôi dạy chậm này không có nghĩa là chậm về mặt thời gian mà có nghĩa là cha mẹ phải kiên nhẫn về mặt tâm lý. “Đừng lấy danh nghĩa tình thương của cha mẹ để kiểm soát, kỷ luật con cái mà không chừa một kẽ hở nào”.

Ba khái niệm chính của giáo dục Israel: khả năng sinh tồn, ý chí và khả năng giải quyết vấn đề


Trong lịch sử lâu dài của những thảm họa dân tộc, người Do Thái đã rời bỏ quê hương và lang thang khắp thế giới, họ ngoan cường giữ gìn nền văn hóa dân tộc của riêng mình. Giáo dục gia đình Do Thái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì văn hóa dân tộc.


Trên toàn thế giới có những người Do Thái giàu có như Rothschild và Moses Haim Montefiore, cũng như những nhà khoa học và triết gia vĩ đại như Einstein và Freud. Ngày nay, 20% tỷ phú ở Mỹ là người Do Thái, nền giáo dục của người Do Thái đã giúp họ trở nên thông minh và giàu có. Thậm chí có người còn cho rằng 5 người Do Thái cùng nhau có thể kiểm soát thị trường vàng của Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra, có 20% các nhà kinh tế đoạt giải Nobel Kinh tế là người Do Thái, 20% các nhà khoa học đoạt giải Nobel Khoa học là người Do Thái.


Ba chiếc chìa khóa vàng mà người mẹ Do Thái trao cho con cái được Sarah tiết lộ đã phản ánh 3 quan điểm chính của nền giáo dục Israel: Bồi dưỡng khả năng sinh tồn, ý chí và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ.


Cũng có thể thấy từ kinh nghiệm thành công của Sarah rằng, dân tộc Do Thái với nền giáo dục hoàn toàn bởi gia đình và triết lý giáo dục của họ rất đáng học hỏi.


Ngữ Yên, Vision Times

Để lại ngàn vàng không bằng dạy con sống hết mình Tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại cho con là dạy con cái cách để sống trọn vẹn và ý nghĩa trong cuộc đời.

Chia sẻ Facebook