"25 tuổi, tôi nghỉ hưu rồi"
"Tôi mới 25 tuổi, nhưng đã sống cuộc sống của người khác khi họ nghỉ hưu", Thang Thang, cô gái sinh năm 1996 tại Trung Quốc chia sẻ.
Mệt mỏi với sự hối hả và tấp nập của thành phố, với tình yêu thiên nhiên và nông nghiệp, Thang Thang đã lên núi sống hai năm sau khi cô nghỉ học vào năm thứ ba, xới đất, bón phân, tưới nước đã trở thành công việc hàng ngày của cô.
Cuối năm ngoái, Thang Thang thuê một căn nhà tại ngôi làng ở Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang với giá mỗi năm là 3.600 nhân dân tệ (khoảng 12 triệu đồng) trong 20 năm. Kể từ đó, cô có ngôi nhà của riêng mình trên núi. Đối với cô, bằng cấp hay mức lương cao dường như không quan trọng, quan trọng là "có được sống là chính mình hay không". Ở trên núi, cô được chạm tay vào bốn mùa, dù cuộc sống ở nơi thiên nhiên cũng không hề thiếu những thử thách.
Gần đây, cụm từ "tiêu hao tinh thần" rất thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội, nó dường như phản ánh một cách sống theo chu kỳ của người dân thành thị và vòng luẩn quẩn mà họ không thể thoát ra. Ngày càng có nhiều người mong muốn thoát khỏi xiềng xích và thoát ra khỏi cuộc sống vội vã nơi thành thị tấp nập. Như Thang Thang nói, cô ấy đã làm điều mà nhiều người muốn làm nhưng không dám làm.
"Có lẽ tôi thích hợp làm một người nông dân"
Cuối năm ngoái, tôi thuê một ngôi nhà trên núi và đã sống như vậy gần một năm.
Hai năm trước, tôi vẫn ở thành phố, sống theo quỹ đạo của đồng hồ xã hội, và lúc đó tôi không hạnh phúc.
Năm 2017, tôi đến Thượng Hải học đại học chuyên ngành truyền thông kỹ thuật số, chuyên ngành thiên về kỹ thuật này khiến tôi cảm thấy nhàm chán. Tôi không muốn phải ngồi trước máy tính làm hậu kỳ video mỗi ngày, tôi muốn thử học một cái gì đó khác, vì vậy tôi đã tìm một công việc thực tập trong kỳ nghỉ hè đầu tiên.
Lương thực tập rất thấp, tôi chỉ có thể sống ở trường dù nó cách khá xa công ty, mỗi ngày đi và về mất hơn 5 tiếng. Mỗi ngày, tôi lên tàu điện ngầm đông đúc vào lúc bình minh, và khi tan sở thì trời đã tối. Ngày trôi qua một cách máy móc, ngay cả ánh nắng cũng là một thứ xa xỉ, cuộc sống đó khiến tôi khó thở.
Nhưng vùng nông thôn lại đem lại cho tôi một cảm giác hoàn toàn khác. Tôi thích sông núi, khi rảnh rỗi sẽ đến các làng quê ở Giang Tô, Chiết Giang, thỉnh thoảng sẽ về nhà ông bà ngoại ở quê. Tôi thường xuyên chuyển đổi cuộc sống giữa thành thị và nông thôn, và tôi có thể cảm nhận rõ ràng sự khác biệt về thể chất và tinh thần của mình.
Ở quê, tôi ngửi thấy mùi gió, dậy sớm tắm nắng, nghe tiếng chim hót, khác hẳn với sự lo toan, đông đúc, máy móc của thành phố, có lẽ khát khao sống trên núi trong tôi đã nhen nhóm từ đó.
Khát khao đó trở nên vững chắc hơn năm tôi học năm 3 đại học.
Trong một thời gian dài, những thay đổi trong gia đình và việc ông nội qua đời đã khiến tôi rơi vào trạng thái chán nản, điều này được giấu kín trong lòng và nó bất ngờ bùng phát vào năm 3 đại học. Tình trạng thể chất và tinh thần của tôi bắt đầu có vấn đề, huyết áp cao, nhịp tim không đều... Và vô cớ, tôi cũng sợ đám đông, có những lúc tôi có cảm giác như mình sắp ngất đi. Vào thời điểm đó, tôi thậm chí không thể đi tàu điện ngầm, và tôi phải chạy ra ngoài mỗi khi đi được nửa đường.
Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình phải tìm cách "tự cứu mình".
Ngoài việc "tự cứu lấy mình", tôi cũng muốn dừng lại và tự hỏi mình thực sự muốn gì. Trong một thời gian dài, tôi giống như một con chuột hamster nhỏ trong lồng, bị cuộc đời xô đẩy về phía trước, không thể dừng lại. Theo quỹ đạo sẵn có, tôi sẽ tiếp tục thực tập, tốt nghiệp và đi làm, nhưng tôi muốn dừng lại, tìm kiếm câu trả lời và cho mình một "gap year", cứ như vậy, tôi nghỉ học.
Sau khi nghỉ học, tôi đến Hàng Châu làm thực tập sinh hơn một năm, tìm kiếm những ngôi làng để sinh sống trong thời gian thực tập.
Tháng 6 năm 2021, thông qua sự giới thiệu của một người bạn, tôi đến một ngôi làng ở huyện Tùng Dương, Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang, tường vàng ngói xám, những ngôi nhà cổ đẹp như tranh vẽ. Có 75 làng truyền thống cấp quốc gia ở huyện Tùng Dương, dân làng nói rằng ngôi làng tôi đang sống đã có lịch sử 800 năm, yên tĩnh, giản dị và cổ kính, nó đáp ứng mọi trí tưởng tượng của tôi về vùng nông thôn.
Ở Tùng Dương, tôi đã gặp một cặp vợ chồng làm chủ một trang trại gia đình và việc họ thực hành nông nghiệp sinh thái bền vững đã thu hút sự quan tâm của tôi. Tôi đề nghị tìm một mảnh đất để làm trang trại. Nhưng trong mắt họ, một cô gái cao chưa đầy 1m6, nặng 45kg chỉ là một cô gái "bánh bèo", "ước mơ làm nông"? Quá xa vời! Phải mất rất lâu năn nỉ họ mới hứa cho tôi đến trang trại trải nghiệm trước.
Tôi bắt đầu cuộc sống tình nguyện ở nông trại, sáng nào tôi cũng thức dậy lúc 4 giờ để đọc sách, sách giải trí, văn học và kỹ thuật nông nghiệp, và đi làm lúc 6 giờ. Trong khi làm việc, tôi có thể nhẩm lại những kiến thức trong sách trong đầu, điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng sảng khoái về thể chất và tinh thần.
Những ngày ấy, tôi sống hết mình, ngày ngày làm ruộng, dần dần biết cách cấy mạ, gặt lúa, làm cỏ, cấy và ươm mạ, học cách sử dụng những nông cụ máy móc nặng và sắc, học cách sống chung với đất...
Tôi thậm chí còn không nghĩ rằng mình có thể làm công việc đồng áng. Tôi nghĩ có người thích hợp làm họa sĩ, có người thích hợp làm ca sĩ, còn tôi có thể thích hợp làm nông dân.
Thực ra, trước khi thuê nhà và chính thức trở thành "nông dân", tôi cũng đã từng lung lay.
"Mình mới 25 tuổi, liệu có nên quay trở lại và tốt nghiệp cho đàng hoàng rồi tìm việc làm không?" . Sau khi làm tình nguyện viên một thời gian, tôi nảy ra ý định quay lại trường học.
Vào tháng 9 năm 2021, tôi trở lại Thượng Hải, trên tàu điện ngầm trở lại trường học, tôi nhìn thấy những người xung quanh mình đang nắm chặt tay vịn, cúi đầu vô cảm, mắt nhìn chằm chằm vào màn hình nhỏ trên tay, như thể bị điện thoại di động điều khiển, còn tôi thì cũng đã quen với điều đó. Tôi sẽ lạc lõng nếu tôi không nhìn vào điện thoại của mình. Lúc đó tôi chợt muốn khóc, không muốn tưởng tượng rằng mình sẽ lại sống thêm một năm nữa trong tình trạng này.
Dù đã gần đến trường học nhưng tôi đã thay đổi quyết định và cuối cùng cũng “làm hòa” với bản thân, không muốn quay lại vòng xoáy trước đây.
Nhiều người thuyết phục tôi, "Chỉ còn 1 năm thôi, cố nốt đi, có tấm bằng rồi sau này sẽ dễ dàng hơn nhiều" , nhưng với tôi, giữ được nhiệt huyết và hạnh phúc hiện tại quan trọng hơn tấm bằng tốt nghiệp ấy, bởi ít nhất là hiện tại, tôi hạnh phúc!
Tôi sống cuộc sống nghỉ hưu
Tôi trở lại vùng núi và thuê căn nhà này với giá 3.600 nhân dân tệ một năm trong 20 năm, và trở thành một "thực tập sinh nông dân trên núi".
Trước nhà có ba sào đất, tôi khai khẩn tạm nửa sào, đến nay đã trồng được hơn 20 loại cây. Tháng 3, tháng 4 tôi bắt đầu trồng các loại rau vụ hè như cà tím, ớt, đậu lăng, ngô, dưa leo, tháng 6 trồng đậu tương, đậu đỏ. Hiện tại, vào mùa này, tôi bắt đầu trồng các loại rau xanh như cải chíp, bắp cải, mồng tơi. Mỗi khi gieo các loại cây khác nhau, tôi cảm giác như mình đang chạm vào một mùa rõ rệt.
Vào những ngày thời tiết đẹp, tôi dành phần lớn thời gian ở ngoài đồng, hầu như chỉ khi trời mưa tôi mới được nghỉ ngơi, đọc sách.
Ngồi trước cửa nhà, tôi hòa mình vào cùng rừng trúc và bầu trời xanh, sau một ngày làm việc vất vả, khi về nấu cơm, mắt tôi tràn ngập ánh hoàng hôn hồng dát vàng, hạt giống được gieo cũng là lúc tôi có thể cảm nhận được rằng cuộc sống đang dần phát triển. Thiên nhiên thật kỳ diệu, nó có thể chữa lành mọi thứ mà không cần nói gì. Điều khiến tôi ấn tượng sâu sắc là có lần một người bạn đến chơi với tôi, ở trong nhà và nhìn ra cửa sổ, cô ấy nói mình không muốn về, vé về thậm chí còn phải đổi tới những ba lần.
Cũng có người hỏi tôi, tôi không còn những lo lắng, có phải vì cuộc sống ở nông thôn quá đơn điệu, nhìn thoáng qua có thể thấy được kết quả? Ngược lại, khi đến đây, tôi cảm thấy rằng tương lai của tôi có vô số khả năng, nhưng khi tôi ở thành phố, tôi luôn cảm thấy mình không thể làm được điều này điều kia.
Nhớ lại khi tôi còn là một thực tập sinh ở Hàng Châu, căn hộ tôi thuê có giá từ 4000 - 5000 tệ (khoảng 17 triệu đồng) một tháng, cộng với điện, nước, ăn uống và các chi phí khác, tôi không dám dừng lại dù chỉ một giây. Nhưng ở đây, tiền thuê hàng năm chỉ có 3600 tệ, tôi đã thuê 20 năm rồi, tôi đã có nhà riêng rồi. Quan trọng hơn, ở miền núi, tôi bớt ham muốn vật chất, tránh tiêu xài hoang phí, không mua những thứ không cần thiết, áp lực cuộc sống cũng bớt đi nhiều.
Không bị áp lực, tôi có thể làm nhiều việc mình muốn hơn. Tôi có thể học hội họa, làm gốm sứ… Sau khi lên núi, cuộc sống của tôi có nhiều khả năng hơn.
Có bạn hỏi tôi: "Mày giỏi thế sao lại trốn lên núi?" . Nhưng tôi nghĩ sống ở núi không có nghĩa là trốn chạy mà chỉ đơn giản là sống theo cách mình muốn.
Mặc dù đôi khi vẫn có những lo lắng về thu nhập không ổn định và tương lai không chắc chắn, nhưng ở trên núi khiến tôi cảm thấy thoải mái. Có thể là do, ở thành phố, người ta cứ không ngừng bị deadline đẩy đi, nhưng ở trên núi thì khác, nơi mọi người làm việc theo năm, theo tháng.
Lần đầu tiên tôi cảm thấy sự khác biệt trong hệ tọa độ thời gian giữa nông thôn và thành phố là khi cô giáo ở trang trại nói: "Em thích ăn cam vậy thì trồng một cây cam đi. Nhanh thôi, ba năm nữa là có cam để ăn rồi" . Ở nông thôn, ba năm được coi là nhanh, điều đó có tác động rất lớn đến tôi.
Tôi từng nghĩ làm việc gì cũng phải nhanh chóng đạt được kết quả, nhưng hóa ra, bản thân cuộc đời vốn là chuyện lâu dài, tôi không còn chỉ nhìn vào từng nút thời gian mà sẵn sàng dành 20 năm để hòa mình với thế giới này.
Hiện tại, làm ruộng, viết lách bán thời gian, tự chạy kênh mạng xã hội riêng, đón bạn bè tới chơi... Mỗi ngày mở mắt ra là vô số công việc chờ đợi tôi, tôi cảm giác như mình bận rộn hơn nhiều so với ở thành phố.
Nhưng tôi mới 25 tuổi, và tôi đã sống "cuộc sống thảnh thơi" mà nhiều người chỉ có thể sống khi về hưu, tôi đã tận hưởng thế giới này sớm hơn họ, và tôi nên trả giá nhiều hơn một chút - tôi tự thuyết phục mình như vậy.
Theo Huxiu