2,5 triệu nam giới Việt Nam có nguy cơ "ế vợ": Đến bao giờ mới thôi lựa chọn giới tính thai nhi?

Chia sẻ Facebook
02/05/2022 20:00:47

Mất cân bằng giới tính khi sinh không còn là hiện tượng mới nhưng tiềm ẩn nhiều hệ luỵ nghiêm trọng trong xã hội.


2,5 triệu nam giới Việt Nam có nguy cơ "ế vợ"

Tháng 3 vừa qua, tại tọa đàm "Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính khi sinh" đã được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Na Uy tổ chức đã nêu lên sự mất cân bằng giới tính trầm trọng tại Việt Nam.

Theo thông tin công bố tại tọa đàm, dự báo đến năm 2034, Việt Nam đứng trước nguy cơ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15 - 49; đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.

Cụ thể, Tổng điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, hàng năm dự báo có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam và các bằng chứng này cho thấy nguyên do là việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Như vậy, 45.900 trẻ em đã không được sinh ra do là con gái.

Mất cân bằng giới tính nặng nề tại Việt Nam

Cũng theo dự báo từ dữ liệu của Tổng điều tra năm 2019, đến năm 2034 sẽ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu tỉ lệ hiện tại về mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm. Năm 2019, tỷ suất giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra trong khi tỷ suất giới tính khi sinh ở mức "tự nhiên" là từ 105-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra.


Vì sao Việt Nam mất cân bằng giới tính?

Chia sẻ với VnExpress, bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), cho biết Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục "trọng nam, khinh nữ". Nhiều người quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cùng tổ tiên, nối dõi tông đường. Đây chính là định kiến giới, nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh.

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò, năng lực của nam và nữ. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới. Nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình.

"Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ đời này qua đời khác thông qua giáo dục và học hỏi, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện", bà Quỳnh Anh nói.

Bà Quỳnh Anh phân tích sự khác biệt về vai trò, trách nhiệm, vị thế và quyền hạn của nam và nữ mà xã hội tạo dựng đã gây ra những điều bất lợi cho cả hai giới, thể hiện sự bất bình đẳng giới. Thống kê toàn cầu, thu nhập của phụ nữ bằng khoảng 50-90% thu nhập nam giới. Tại châu Phi, châu Á, trung bình một tuần phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới 12-13 giờ. Trong tổng số 872 triệu người mù chữ tại các nước đang phát triển, phụ nữ chiếm 2/3. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ nông thôn làm việc trung bình 14 giờ một ngày và hưởng ít hơn 20-40% thu nhập của nam giới.

"Tất cả những điều này dẫn tới mất cân bằng giới tính khi sinh", bà cho biết.


Hậu quả khôn lường

Mất cân bằng giới tính khi sinh không còn là hiện tượng mới nhưng rất đáng lo ngại vì những hệ lụy có thể gây ra đối với lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đối với sự phát triển chung của toàn xã hội. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay là các biện pháp nhằm xóa bỏ sự lựa chọn giới tính khi sinh chưa đem lại hiệu quả cao.

Việt Nam là một trong các quốc gia xuất hiện sự mất cân bằng giới tính muộn hơn các quốc gia khác nhưng lại có xu hướng gia tăng rất nhanh và diễn biến ngày càng phức tạp.

Sự mất cân bằng giới tính khi sinh có thể làm gia tăng các nguy cơ, tệ nạn xã hội như: Phá thai để lựa chọn giới tính mong muốn; bạo lực gia đình khi không đạt được mong muốn có con trai; nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS; thiếu hụt nguồn lao động ở một số ngành nghề đặc thù cần nữ giới…

Ngoài ra, do nhu cầu phải đẻ cho được con trai dẫn tới sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư giữa các vùng, khiến có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động. Tình trạng thiếu nữ giới để kết hôn sẽ dẫn đến xu hướng nam giới kết hôn muộn hoặc không kết hôn, đặc biệt, đối với những trường hợp không có điều kiện về kinh tế, trình độ học vấn thấp. Tỷ lệ người già không nơi nương tựa cần sự quan tâm chăm sóc của cộng đồng trong tương lai cũng sẽ tăng lên.


Nguyễn Phượng

Theo Trí Thức Trẻ

Chia sẻ Facebook