25 năm “thông xe” với xa lộ Internet thế giới, cuộc sống chúng ta thay đổi ra sao?
Ta có thể không nhớ ngày đầu tiên mình tiếp xúc với Internet, nhưng chắc chắn biết rằng mình sẽ không thể sống cuộc sống hiện tại mà không có nó.
Với Gen Z của hiện tại, Gen Alpha của sau này, Internet đã là một phần cuộc sống từ khi các bạn biết nhận thức. Nhưng với thế hệ Y chúng tôi, không quá khi nói chúng tôi đã trưởng thành cùng Internet. Nhìn lại hành trình 25 năm người Việt “hòa mạng” cùng thế giới, cũng chính là nhìn lại thanh xuân của Gen Y - Một thế hệ trưởng thành cùng Internet!
Internet, một khái niệm quen thuộc nhưng gần như ít có ai biết được ý nghĩa thực sự của nó. Mà thực ra thì cũng chẳng hề quan trọng, chúng ta có thể không hiểu Internet thực sự là gì, hoạt động ra sao và chính xác là tồn tại từ khi nào. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại.
Thật vậy, xuất hiện tại Việt Nam ngót 25 năm, hãy cùng xem Internet đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào.
Vào những năm cuối của thập niên 1990, khái niệm Internet vẫn là một cái gì đó xa vời. Cuộc sống thường ngày vẫn luôn xoay quanh làng xóm, phố xá. Chủ đề bàn bạc hàng ngày của các bậc nam phụ lão ấu xa nhất thì cũng chỉ là những gì được đài phát thanh đưa tin vào 7 giờ tối hàng ngày, không hơn. Trên thực tế, những con người ở những “năm 1900 hồi đó” cũng không có quá nhiều lựa chọn.
Thú vui của giới trẻ trong những ngày đó cũng đơn giản và “trực tiếp” hơn bây giờ rất nhiều, ví dụ như những buổi trà đá vỉa hè, những máy điện tử 4 nút, những trận “banh phủi” trên nền sân đất đầy đá sỏi hay những buổi tụ tập cùng anh em bạn bè đi xem hát ở công viên, ở sân kho hợp tác xã.
Vào những năm cuối của thập niên 90, phong trào nhạc Rock tại Việt Nam đặc biệt phát triển ở cả 2 miền Nam Bắc, vào thời điểm đó, những người yêu nhạc vẫn thường chuyền tay những những băng cassette để sao chép, sang ra nhiều bản để mang về nhà “dùng dần”.
Đam mê âm nhạc còn dẫn đến một thói quen khó bỏ nữa đó chính là chép lời! Tiếng Anh, thứ ngôn ngữ phổ biến trong nhạc Rock thời bấy giờ, vẫn là một thứ khá xa lạ đối với đại đa số người nghe, cũng làm gì có Google, nên việc tua đi tua lại băng để “hiểu” ca sĩ đang hát gì, hay các giọng ca của chúng ta thể hiện ca khúc yêu thích bằng “tiếng Anh bồi” là chuyện quá đỗi bình thường.
Khó khăn là vậy, nhưng đó chắc chắn là những ký ức mà hội 8x, 9x không bao giờ quên.
Nhưng đến năm 1997, mọi thứ thay đổi. Từ nền móng là một mạng nội bộ Intranet do FPT xây dựng, Việt Nam chính thức kết nối với mạng toàn cầu, “thông đường” với xa lộ thông tin thế giới. Đó có lẽ không phải là sự kiện tất cả cần ghi nhớ, nhưng đây chính là thời điểm thay đổi cách chúng ta tiếp cận mọi thứ, mãi mãi.
Nhưng cũng không phải ngay lập tức chúng ta có thể phổ cập Internet đến mọi nhà. Dạo ấy, việc tiếp cận Internet vẫn tương đối khó khăn, một phần do kết nối chậm, phần còn lại vì giá cước quá cao nên mạng Internet không được phổ biến trong những năm cuối thập niên 90, đầu những năm 2000.
Bước ngoặt chỉ thật sự đến khi mạng Internet băng thông rộng (ADSL) chào sân tại Việt Nam năm 2003. Giờ đây mạng Internet đã nhanh hơn, cước phí rẻ hơn và đây cũng là 2 lý do dẫn đến sự phổ cập mạnh mẽ của mạng Internet đến với mọi nhà.
Đây cũng là giai đoạn mà các ứng dụng kết nối mọi người bắt đầu xuất hiện, các 8x, 9x ngày ấy chắc vẫn còn nhớ Yahoo Messenger với nút “Buzz” huyền thoại hay những pha đặt nickname “đi vào lòng người”, để đến bây giờ nhắc lại vẫn còn ngượng chín cả mặt. Cái cảm giác được người ấy “add nick” rồi chủ động nhắn tin, xin mạn phép gọi nó là một trong những cái cảm giác hạnh phúc nhất trần đời.
Cũng nhờ Yahoo mà giờ đây mọi người gọi nhau đi xem hát cũng "rốt rẻng" hơn, đến giờ hẹn mà chưa thấy đâu thì "Buzz" ngay một cái!
Rồi cái thời hoàng kim của Yahoo cũng nhanh chóng đi qua, nhường chỗ cho kỷ nguyên mạng xã hội, cái thời mà cứ về nhà là tót lên máy tính mở Zing Me, vào tưới cây, thu hoạch hoa quả hay len lén qua nhà người thương trộm ít hoa màu, sao mà hoài niệm.
Rồi cũng nhờ có Zing Me, có Facebook, người ta lại có chỗ để “khoe khoang” những hôm đi nghe hát, đi xem “xi nê” cùng hội “cạ cứng”, những dòng “xì ta tút” (status) cũng từ đó mà được cập nhật lên không gian ảo một cách thường xuyên hơn, để rồi một người anh họ hàng ở tận ngoài Hà Nội cũng có thể bình luận về bức ảnh vừa đăng của đứa em ở tận trong Nam. Internet nó thần kỳ như vậy đấy, nó kéo mọi người ngày lại một gần nhau hơn.
Hồi ấy, cái việc thưởng thức âm nhạc của đã dễ dàng hơn rất nhiều khi chúng ta chứng kiến sự ra đời của các nền tảng nghe nhạc trực tuyến như Zing MP3 và Nhaccuatui và lập tức cộng đồng người dùng ra hẳn 2 phe. Nhưng điểm chung là tình yêu âm nhạc vẫn vẹn nguyên.
Rồi YouTube xuất hiện, đem đến một trải nghiệm hoàn toàn khác, từ đây, người ta ngoài “nghe thần tượng”, còn được tận mắt nhìn thấy họ. Xem MV thì phải có chữ “VEVO” thì mới là chính chủ, mới là chuẩn xịn.
Như vậy đấy, Internet, từ một khái niệm chả ai biết xuất hiện từ bao giờ, từ một thứ xa xỉ chỉ nằm trong giấc mơ của hàng vạn những 8x, 9x thuở nào đến bây giờ đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.
Xuyên suốt hành trình 25 năm, Internet đã từng bước kéo tất cả mọi người lại gần nhau. Hơn thế nữa, là kéo cả thế giới lại, nằm gọn trong lòng bàn tay. Nếu như hơn 2 thập kỷ trước, người ta chỉ có thể hò hẹn nhau đến công viên hay sân kho hợp tác xã để thưởng thức những giai điệu mình yêu thì ngay bây giờ, với sự hỗ trợ đắc lực từ Internet, chúng ta có thể làm điều đó ở bất kỳ đâu hay bất kỳ thời điểm nào. Thậm chí, với những tiến bộ của công nghệ trong thời gian qua, giờ đây con người còn có thể trực tiếp tham gia vào một đại nhạc hội trong siêu vũ trụ ảo.
Nhưng ai cũng biết đi xem hát thì phải đứng dưới sân khấu hò hét thì mới là “số dzách” và đó cũng là lý do Đêm nhạc hội Cựu sinh viên Thủ đô được tổ chức. Nhân dịp kỉ niệm tròn 25 năm kể từ ngày đầu đất nước ta được kết nối với mạng Internet, FPT Telecom với vai trò nhà đồng tổ chức mong muốn đem trở lại không khí âm nhạc sôi nổi ngày đầu thập niên 90 với mục tiêu khơi gợi lại những ngày tươi đẹp ấy, những ngày chưa có Internet và vẫn còn hẹn nhau ở sân kho hợp tác xã, ở công viên để hoà mình vào những giai điệu thuở thiếu thời.
Đêm nhạc hội là một đêm bùng nổ, không khí âm nhạc náo nhiệt của những năm 90 được lan tỏa trên khắp mọi miền cả nước không chỉ trên sân khấu mà còn tại kênh livestream của FPT Play, với mục đích kết nối mọi miền Tổ quốc để cùng hòa vào không khí hoài niệm đêm nhạc hội tại Thủ đô.
Chương trình đã diễn ra vào chiều tối ngày 16/04/2022 tại khuôn viên trường ĐH Tổng hợp cũ (nay là ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội) với sự tham gia của nhiều ca sĩ, ban nhạc cựu Sinh viên Thủ đô như: FPT Band, Hoa sữa, Chìa khóa vàng, Bức Tường, Cỏ Dại, The Time, Desire, Những bậc thang, Ngựa hoang, Buratinox-Mutation-The Light, nhóm nhảy Big Toe, CO, ZigZag, MC Thảo Vân…