2022 - năm đáng Nhớ và đáng Quên

Chia sẻ Facebook
21/01/2023 10:41:58

Cuối năm là dịp ngồi lại, kiểm đếm một năm đi qua với những được - mất, đúng - sai, tốt - xấu… Với những người hoạt động trong giới nghệ thuật, giải trí, thành quả hay… hậu quả không ngoài tác phẩm, hình ảnh và tất cả những gì họ xuất hiện trước công chúng hay “rơi” giữa tâm điểm đám đông.

2022 - năm đáng Nhớ và đáng Quên

Và bao giờ cũng vậy, thành công ở người này lại là thất bại ở người khác; hoặc ngay trong chính một tên tuổi để một năm 2022, khi nhìn lại, không chỉ người trong cuộc mà công chúng, nhất là những khán giả của riêng họ thấy cần đáng nhớ - thành quả và đáng quên - những điều không như ý, để “dọn mình” cho một năm mới 2023 Quý Mão thanh xuân, tươi mới…

SƠN TÙNG M-TP và cú “nhảy lầu” đáng quên

Những sản phẩm của Sơn Tùng M-TP trước và trong khi ra mắt luôn tạo ra một “cơn sóng thần” người nghe lẫn người xem, cho đến khi MV There’s no one at all, làn sóng ấy lại cuốn phăng chính chủ nhân của nó ra khỏi nền tảng Youtube chỉ sau một thời gian ngắn vừa phát hành. Với hình ảnh cổ xúy cho lối sống tiêu cực, nhất là nhân vật chính trong MV cuối cùng đã gieo mình, kết thúc cuộc sống đã gây nên phản ứng mạnh trong cộng đồng. Nhất là đối với các vị phụ huynh, nhiều người đang ở trong trạng thái lo âu, hoảng loạn khi dồn dập những cái chết đến từ sự bế tắc của con trẻ.

There's no one at all không chỉ hạn chế người dùng Việt Nam như cách “tự xử” ban đầu, nó bị chính thức bị gỡ khỏi YouTube và chịu án phát của Cục Nghệ thuật biểu diễn với số tiền 70 triệu đồng cùng lợi nhuận thu được từ MV.

Dù Sơn Tùng M-TP đã lên tiếng “xin lỗi chân thành đến tất cả những ai đã có những cảm giác không thoải mái sau khi xem MV này" thì không ít khán giả đã quay lưng với ngôi sao đã bao năm khuynh đảo thị trường nhạc trẻ Việt Nam - một dấu hiệu cho thấy ánh hào quang của chàng ca sĩ Thái Bình đã dần tắt.

MONO - kẻ si tình đổi ngôi!


Mưa giông bão tố chẳng quan tâm đến ngày đêm/ Kẻ si tình này chọn ở phía sau thầm nhớ mong em bae bae… ” - chỉ cần nhiêu đó, chàng thợ may si tình đã khiến dân tình điên đảo, ngay lập tức Waiting for you trở thành một ca khúc tình “quốc dân”, trình làng một tân binh của âm nhạc hiện đại MONO.

Như một sự bù trừ cho anh em ca sĩ quê Thái Bình, khi anh trai Sơn Tùng lùi lại thì MONO đã bất ngờ tạo hit với Waiting for you và album 22. Chỉ là cú debut nhưng ca khúc với âm hưởng city pop dễ nghe, hình ảnh đậm chất xi nê của thập kỷ 80 dễ nhìn, đang là xu hướng tìm kiếm của giới nghe nhạc, do đó đã càn quét hầu hết các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước mà thắng 3 trên 4 đề cử của Làn sóng xanh là phần thưởng đáng nhớ của em trai Sơn Tùng trong những ngày cuối cùng trước khi khép lại năm 2022.

O SEN NGỌC MAI và vùng ánh sáng chói lòa

Năm 2022 chắc chắn là năm “sao đổi ngôi” của ca sĩ Ngọc Mai. Nói chính xác thì ngôi sao sáng đã chính thức chiếu mệnh lên cô ca sĩ tài năng, giảng viên thanh nhạc tận tụy từ bao năm nay. Cuộc chơi Ca sĩ mặt nạ là duyên cớ, là chiếc chìa khóa để mở cánh cổng thị trường, tung một Ngọc Mai vốn đã quen với sự kín đáo, sự khuất lặng. Nay, cô cứ ẩn sau chiếc mặt nạ ấy mà trưng trổ tài năng. Và tài năng đã khiến người xem, người nghe kinh ngạc, tò mò, phấn khích. Nhất là giữa một “thị phần” của những tài năng như Hà Trần, Uyên Linh, Myra Trần cùng cú trở lại đầy ngoạn mục của “cô gái Trung Hoa” Lương Bích Hữu.

Chiến thắng của O Sen Ngọc Mai, do đó không chỉ mang lại vinh quang 2022 cho cô mà còn là sự minh định cho tài năng thực thụ - nếu có, sớm hay muộn, bạn sẽ phát lộ và thăng hoa.

Lời ru danh giá của Cải lương chi bảo BẠCH TUYẾT

Việc Làn sóng xanh 2022 trao cho Về nghe mẹ ru của NSND Bạch Tuyết - Hoàng Dũng, Casper 14 và Hứa Kim Tuyền giải sự Kết hợp xuất sắc nhất là đã phá vỡ khuôn mẫu mấy mươi năm của giải thưởng này khi lần đầu tiên một tiết mục (có sử dụng) âm nhạc cải lương lại chiến thắng tuyệt đối ở sân chơi của âm nhạc đương đại. Và Cải lương chi bảo, ở tuổi 78, là người đăng quang.

Trước đó, Về nghe mẹ ru đã càn quét qua các vị trí top đầu của các bảng xếp hạng nghe nhạc trực tuyến, được vinh danh tại hạng mục “Social Impact Marketing” của MMA IMPACT VIETNAM 2022. Chỉ với một “lát cắt” trong Lý con sáo, 8 nhịp chót trong câu 6 của bản Vọng cổ nhưng cú mix với bản R&B nhẹ nhàng, uyển chuyển và không thể nào thứ gì, là ai vừa vặn hơn thế. Ngay lập tức, nó thành hiện tượng, là đánh thức cả một vùng lưu cữu âm thanh - hình ảnh của người thân được kết nối, vọng về trong một khúc nhạc ru hiện đại, nền nã.

Đó không hề là cú ăn may, lại càng không phải là sự tình cờ. Nó là kết quả của một quá trình miệt mài đi tìm cái mới, cái tố chất “cải cách” trong cải lương của một nghệ sĩ kịch hát dân tộc. Nó là gốc tích của những người trẻ, càng tưởng họ đi xa hóa ra họ lại về rất gần, ấy là cội nguồn mà không phải “người lớn” nào cũng nhận ra và thấu hiểu họ. Nó là một phần trong hồn cốt của công chúng Việt, cái có sẵn, chạm nhẹ vào, sẽ đánh thức ngay thôi, ấy là lời ru, là quê nhà, là Mẹ.

NSND Bạch Tuyết và ca sĩ Hoàng Dũng ghi hình MV.  Nguồn: NSCC

Thảm họa phim Việt và sự khinh suất của đả nữ NGÔ THANH VÂN

Huyền sử vua Đinh, Cù lao xác sống, Duyên ma, Kẻ thứ ba… cứ thế nối dài danh sách phim Việt thất bại thảm hại. Đặt để bên cạnh hàng loạt phim bom tấn Mỹ, phim tình cảm - hài của Hàn ra rạp, càng ngày khoảng cách càng xa với phim ta, không thể trách khán giả thiếu tinh thần ủng hộ phim nhà mà hãy nhìn thẳng vào năng lực toàn diện của đội ngũ làm phim, hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, hầu hết đều yếu (khả năng), thiếu (kỹ năng) và không đủ lực (vốn đầu tư, tìm kiếm tài năng cả về kịch bản, diễn viên, đạo diễn đúng nghĩa).

Ngay cả Ngô Thanh Vân, một người có tư duy, kiến thức, kinh nghiệm khi đã hoạt động điện ảnh ở tầm quốc tế (cộng với tâm huyết là điều không thể phủ nhận ở Vân) nhưng khi đặt để ở vai trò đạo diễn, thì Thanh sói vẫn rơi vào điểm yếu cố hữu: kịch bản. Sự quá tập trung cho điểm mạnh là phần kỹ thuật hành động lại “bỏ rơi” luôn điểm yếu - đường dây, tâm lý nhân vật trong một kịch bản mỏng, nên Thanh sói thất bại là điều không tránh khỏi. Đó là sự khinh suất của nhà đầu tư, cũng là đạo diễn Ngô Thanh Vân.

Cô phải quên đi thất bát này để vẫn với tâm huyết ấy, để “cứu” lấy phim Việt. Chứ với công thức doanh thu tỷ lệ thuận với chất lượng - như Bố già của “kịch sĩ” Trấn Thành - thì điện ảnh Việt sẽ khó có ngày thoát xác một vở diễn sân khấu được quay bằng ống kính!

Thanh Sói tiếp tục là thất bại phòng vé của Ngô Thanh Vân. Ảnh: ĐPCC

Những vai diễn “quảng cáo lố” đáng quên!

Những ngày giáp Tết, một tin không vui dành cho các nghệ sĩ, diễn viên đã từng nhận “vai” quảng cáo thỏi phồng công dụng, sai chức năng, sự thật của các sản phẩm “thần dược” là Bộ Y tế đã ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm.


Vấn đề là từ năm ngoái, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã ra văn bản đề nghị chấn chỉnh, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cũng đã ban hành quy tắc đạo đức đối với người hoạt động nghệ thuật, trong đó có việc không tiếp tay quảng cáo cho các sản phẩm sức khỏe, làm đẹp, thực phẩm chức năng không phép, thổi phồng chức năng, tác dụng… Thế nhưng, có một số nghệ sĩ có tên tuổi vẫn bất chấp, họ xuất hiện trong các trang web, các nền tảng mạng xã hội để kêu gọi, chào mời, quảng bá từ đánh bạc, coi bói đến các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Những cái tên, dù đã viết tắt; những khuôn mặt, dù đã được làm nhòe nhưng công chúng đều nhận ra. Và trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý, xử phạt thì chính công chúng là vị quan tòa công tâm nhất, quyền lực nhất. Vậy thôi.

Quốc Học

Chia sẻ Facebook