2.000 tỷ đồng nợ xấu của ACV nằm tại 4 hãng bay

Chia sẻ Facebook
01/08/2022 14:35:17

Vietjet Air và Bamboo Airway là 2 doanh nghiệp có nợ xấu cao nhất tại ACV, lần lượt là 635 tỷ đồng và 653 tỷ đồng. Tiếp đến là Pacific Airlines và Vietnam Airlines.

Thị trường hàng không Việt đang tiến nhanh trên con đường phục hồi trong những tháng vừa qua của năm nay bất chấp ảnh hưởng của giá nhiên liệu biến động và “leo thang” cũng như thị trường quốc tế chưa phục hồi như kỳ vọng.

Điều này phản ánh ngay trong kết quả kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong nửa đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính vừa mới được công bố, trong quý II, ACV đạt doanh thu tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ, đạt 3.400 tỷ đồng. Nguồn thu lớn nhất đến từ phục vụ hành khách (1.557 tỷ đồng), dịch vụ hạ cất cánh (542 tỷ đồng)

Với việc giá vốn hàng bán chỉ tăng 20% ở mức 1.800 tỷ đồng, lãi gộp của ACV nhảy vọt lên 1,622 tỷ đồng, tăng gấp 60 lần so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của ACV cũng trở về mức ổn định 47%, trong khi cùng kỳ chỉ 2%.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 tháng của năm 2022, các hãng hàng không Việt vận chuyển 27,7 triệu khách (tăng 104% so với cùng kỳ 2021).

Trong kỳ, doanh thu tài chính gấp 2 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 1.900 tỷ đồng, phần lớn đến từ lãi do chênh lệch tỷ giá gần 1.475 tỷ đồng (đóng góp 77% doanh thu tài chính và 27,5% tổng doanh thu quý II). Khoản lợi nhuận này xuất phát từ việc đồng Yên mất giá và doanh nghiệp này lại đang vay nợ hơn 12.000 tỷ đồng toàn bộ bằng yên Nhật. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của ACV kỳ này lại giảm đến 4 lần (gần 21 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ACV cũng cắt giảm các chi phí quản lý doanh nghiệp khi giảm tới 27% ở mức gần 313 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ các khoản chi phí khác, ACV báo lãi sau thuế quý 2/2022 lên gần 2.600 tỷ đồng, gấp gần 8 lần so với cùng kỳ. Con số này cao hơn cả lợi nhuận của 2 năm dịch bệnh 2020 và 2021 gộp lại (tổng khoảng hơn 2.400 tỷ đồng). Đồng thời, đây cũng là mức lãi quý cao nhất từ khi ACV niêm yết trên sàn chứng khoán cuối năm 2016.

Với kết quả kinh doanh như vậy cũng đánh dấu kỳ tăng thứ ba liên tiếp sau khi hoạt động vận tải hành khách chịu ảnh hưởng mạnh vì các đợt giãn cách xã hội khi đại dịch bùng phát tại Việt Nam vào quý II và đặc biệt là quý III năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, ACV ghi nhận doanh thu hơn 5.538 tỷ, tăng 160% so với cùng kỳ trong đó chủ yếu đến từ phục vụ hành khách (2.288 tỷ đồng), dịch vụ hạ cất cánh (956 tỷ đồng). Lãi sau thuế tăng gần gấp 3 lần đạt 3.473 tỷ đồng.

Với kết quả này, “đại gia sân bay” ACV cũng đã hoàn thành 54% mục tiêu doanh thu và vượt 68% kế hoạch lợi nhuận (2.566 tỷ đồng).

Đến 30/6, tổng tài sản của ACV 55.900 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 900 tỷ so với đầu năm. Bên phía cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ yếu sở hữu hơn 40.600 tỷ, tăng gần 3.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận chưa phân phối sau thuế 12.780 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi ngân hàng của ACV giảm gần 1.300 tỷ đồng từ đầu năm, còn khoảng 31.400 tỷ đồng. Khoản tiền này đem về cho ACV khoản lãi hơn 917 tỷ đồng nửa đầu năm.

Tính đến cuối quý II, ACV cũng đang còn hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu trong đó Vietjet và Bamboo Airway là hai doanh nghiệp có mức nợ cao nhất lần lượt là 635 tỷ đồng và 653 tỷ đồng. Kế đến là Pacific Airlines với mức nợ gần 380 tỷ đồng và Vietnam Airlines hơn 300 tỷ đồng.

Trong năm 2022, ACV dự kiến chi ra không quá 20.070 tỷ đồng vào hoạt động đầu tư phát triển. Trong đó, tổng công ty sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án trọng điểm, bao gồm Cảng hàng không quốc tế Long Thành - giai đoạn 1 thành phần 3; nhà ga T3 - Tân Sơn Nhất; mở rộng Cảng hàng không Điện Biên, nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; xây dựng nhà ga T2 và sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài và nhà ga T2, sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.

Ngoài ra, ACV cũng cho biết sẽ triển khai các dự án có tính cấp thiết, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, các dự án nhà ga hàng hóa.

Trong năm nay, ACV có kế hoạch thực hiện phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bổ sung nguồn vốn cho công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo các dự án đầu tư xây dựng đã được Thủ tướng phê duyệt, giao nhiệm vụ.

Ban lãnh đạo ACV cũng đặt kế hoạch tiếp tục phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước để sớm ban hành thông tư về nhượng quyền dịch vụ hàng không; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản; phối hợp với các hãng hàng không để mở lại/khai thác mới các đường bay thương mại, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng thị trường quốc tế…

Chia sẻ Facebook