200 trò, thầy cô nhận xét 400 lượt, giáo viên nào dạy 16-18 lớp kinh khủng hơn nhiều

Chia sẻ Facebook
06/05/2022 21:27:08

Kỳ họp hội đồng đầu tháng 5 ở trường tôi vừa trôi qua ít hôm trong niềm vui rộn ràng bởi nhịp sống bình thường mới đang xôn xao nơi nơi.

Học sinh và giáo viên một trường THCS trong giờ học - Ảnh: ANH KHÔI

Nhiệm vụ tổ chức một kỳ kiểm tra an toàn, chất lượng và công bằng được triển khai chặt chẽ.


Cẩn trọng, chỉn chu hơn

Những bài thi cuối năm nối dài. Công tác đánh giá, nhận xét kết quả học tập và rèn luyện của học sinh được thầy hiệu trưởng nhấn mạnh, đặc biệt lưu ý giáo viên về nhiệm vụ phê lời nhận xét trò trong sổ theo dõi đánh giá học sinh và trên cổng thông tin điện tử.

Thầy chia sẻ rất chí lý về những lời phê của giáo viên có tác động không nhỏ đối với việc vun bồi ý thức trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu và gắn kết tình cảm thầy - trò. Những câu chữ phê trong học bạ dù có hoa mỹ và tuyệt vời đến đâu thì sau bốn năm ngồi trên ghế nhà trường trò mới nhận được quyển sổ học bạ và đọc được lời khen tặng về sự tiến bộ, lời gửi gắm về những đổi thay tích cực từ người thầy.

Giờ thì trẻ có sổ liên lạc điện tử cùng với các phần mềm quản lý chất lượng giáo dục kết nối trực tuyến nên việc cập nhật điểm số và cập nhật lời phê của giáo viên diễn ra thường xuyên hơn. Vậy nên, giáo viên cần phải cẩn trọng hơn, chỉn chu hơn, cố gắng hơn trong nhiệm vụ nhận xét trực tuyến học sinh. Tuyệt đối tránh tình trạng phê hời hợt, cụt lủn, đối phó theo kiểu cóp dán hàng loạt "Giỏi", "Khá", "Có tiến bộ"... Lời dặn và chia sẻ của thầy hiệu trưởng trường tôi hoàn toàn đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh trường học phải thay đổi để thích ứng với thời đại số và giáo dục trẻ cần nhiều hơn nỗ lực cùng tâm huyết của người thầy.


Giáo viên "đuối"

Dù vậy, giáo viên đang "đuối" với nhiệm vụ nhận xét học sinh mỗi khi sơ kết học kỳ và tổng kết năm học. Việc đánh giá xếp loại học sinh lớp 7, 8, 9 trong trường THCS dựa trên sự kết hợp thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT và thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT. Còn học sinh lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lại dựa trên thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT. Theo yêu cầu của thông tư 26 và 22 thì giáo viên phải nhập nhận xét vào ô đánh giá học sinh trên phần mềm điện tử, đồng thời ghi nhận xét vào sổ theo dõi và đánh giá học sinh (sổ điểm cá nhân).

Thú thật, giáo viên dạy nhiều lớp, gặp học sinh 1 tiết/tuần đôi lúc còn chưa nhớ hết tên học sinh chứ chưa bàn đến chuyện tường tận chuyện học, rèn luyện và nỗ lực của trò để rồi nhận xét, đánh giá bằng lời phê thật chính xác, chỉn chu. Nên tình trạng nhận xét dựa vào điểm số hay phê vài lời qua loa, đối phó mới xảy ra.

Việc nhập và ghi nhận xét học sinh mỗi lúc cuối kỳ, cuối năm quả thật đang chiếm dụng thời gian của giáo viên và khiến người thầy nhọc công rất nhiều. Trong khi đó, nhiệm vụ trau dồi chuyên môn, nâng cao năng lực giảng dạy đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đồng thời quan tâm sâu sát học sinh để uốn nắn những lệch lạc, định hướng những điều tử tế, neo giữ những giá trị tích cực... lại càng cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thực tại. Chúng tôi mong lắm thay những điều chỉnh cần thiết từ cơ quan chủ quản để giảm tải áp lực cho giáo viên vào mỗi mùa đánh giá, nhận xét học sinh...


Khoảng 200 học sinh với 400 lượt nhận xét

Nếu giáo viên văn, toán, ngoại ngữ chỉ phụ trách khoảng 4-5 lớp thì việc nhập và ghi nhận xét cho khoảng 200 học sinh với 400 lượt nhận xét đã là một vấn đề nan giải. Còn giáo viên các bộ môn chỉ 1-2 tiết mỗi tuần phải giảng dạy khoảng 16 - 18 lớp thì số lượt nhập nhận xét vào cổng thông tin điện tử và ghi nhận xét vào sổ theo dõi học sinh còn kinh khủng hơn nhiều.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về những băn khoăn của cán bộ, giáo viên trong đổi mới kiểm tra, đánh giá, ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng nếu bắt tay vào làm sẽ không thấy quá khó và sẽ làm được.

Chia sẻ Facebook