200 người đặt cọc qua mạng thuê 'Villa Herios' ở Vũng Tàu, đến nơi là dãy quán lẩu, cà phê
Chị Hoàng lên mạng tìm thuê khách sạn biệt thự ở Vũng Tàu. Một tài khoản facebook tên "Villa Herios" đăng quảng cáo cho thuê biệt thự ở số 209 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu, đang giảm giá từ 15 triệu xuống còn 7 triệu đồng.
Hàng trăm du khách ở TP.HCM, Đồng Nai bị một nhóm người lừa lấy tiền cọc khi họ đặt thuê biệt thự tại Vũng Tàu. Nhưng đây là biệt thự 'ma', không có thật. Du khách bức xúc và mong muốn cơ quan chức năng truy bắt những kẻ lừa đảo.
Hàng trăm người bị lừa lấy tiền cọc
Chị Hoàng L.Q, ngụ Đồng Nai cho biết cuối tháng 6-2022 chị lên mạng xã hội tìm kiếm khách sạn, biệt thự ở Vũng Tàu đặt để cho cả phòng ban mình xuống Vũng Tàu nghỉ dưỡng vào giữa tháng 7-2022. Thấy có tài khoản mạng xã hội facebook tên "Villa Herios" đăng bài quảng cáo cho thuê biệt thự ở số 209 Hoàng Hoa Thám, phường 2, TP Vũng Tàu giảm giá từ 15 triệu xuống còn 7 triệu đồng nên chị tìm hiểu.
Tìm kiếm trong một trang web chuyên đặt phòng online, chị L.Q thấy có tên của biệt thự này. Đặc biệt, chủ cho thuê còn đăng cả hình ảnh căn cước công dân, số điện thoại của người này Theo hình ảnh căn cước công dân treo trên mạng, người này có tên "Nguyễn Quốc Hùng" quê ở Lâm Thao, Phú Thọ, trú ở Q,Hồng Bàng, Hải Phòng. Kèm theo là quyết định nhận villa đạt chuẩn 3 sao và số tài khoản mang tên Nguyễn Quốc Hùng để người thuê chuyển tiền.
Liên hệ với số điện thoại ghi trong bài quảng cáo nói trên, chị L.Q gặp nhân viên lễ tân và được hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản của Lê Quốc Hùng. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền chị L.Q không nhận được giấy xác nhận đã đặt cọc.
Chị gọi điện yêu cầu Hùng chuyển giấy xác nhận thì không nghe máy. Sau đó, chị L.Q dùng điện thoại khác để gọi thì Hùng nghe máy nhưng báo là nhân viên bận quá, sẽ gửi giấy xác nhận sau. Nhưng sau đó, chị không hề nhận được giấy và bị người đàn ông xưng tên Hùng chặn số điện thoại.
Còn anh Trương K.L (ngụ Q. Bình Thạnh,TP.HCM) cho hay đầu tháng 7-2022 anh biết fanpage facebook "Villa Herios" và đặt thuê biệt thự cho kỳ nghỉ vào ngày 1-8. Sau khi chuyển hơn 3,7 triệu đồng tiền cọc, anh có nhận được phiếu xác nhận từ Villa Herios".
Vài ngày sau, anh K.L liên hệ với Hùng để nhắc lại chuyện đặt phòng. Ban đầu Hùng có nghe máy nhưng sau đó tắt máy. Anh K.L vào fanpage để nhắn tin thì bị chặn. Sau đó, fanpage "Villa Herios" bị xóa luôn.
Theo tìm hiểu đến nay đã có khoảng 200 người bị "Villa Herios" lừa tiền đặt cọc với chiêu thức như trên. Số tiền của mỗi người bị lừa ít nhất từ 2,5 triệu đồng trở lên.
Thủ đoạn tinh vi
Ngày 12-7, khi đến địa chỉ 209 Hoàng Hoa Thám, TP Vũng Tàu thì đây là dãy quán lẩu và cà phê chứ không hề có biệt thự nào. Sau khi bị lừa, những nạn nhân của villa "ma" này đã tập hợp thành nhóm trên mạng xã hội để cùng trao đổi, lên tiếng tố cáo.
Tất cả các nạn nhân đều rất bức xúc. "Cho dù mỗi người chỉ bị lừa vài triệu đồng nhưng cộng lại hàng trăm người thì số tiền kẻ lừa đảo chiếm hưởng rất lớn. Do đó chúng tôi thấy cần lên tiếng tố cáo để những người sau cảnh giác, không bị lừa đảo", anh chị L.Q và anh K.L nói.
Về nguyên nhân bị lừa, theo nhiều người thứ nhất là do họ cả tin vì thấy có đầy đủ giấy tờ đăng trên mạng. Thứ hai là họ không kịp kiểm tra, xác minh thực địa vì nhóm lừa đảo liên tục nhắn tin yêu cầu phải đặt cọc sớm không thì hết phòng.
Thứ ba đó là giá cả nhóm lừa đảo "Villa Herios" đưa ra rất mềm, khuyến mãi đến 50% khiến nhiều người muốn tiết kiệm chi phí. Vì lập ra với mục đích lừa đảo nên nhóm này yêu cầu phải đặt cọc 50% giá trị tiền thuê, những người muốn đặt cọc dưới 1 triệu đồng sẽ bị từ chối.
Một người cho biết thủ đoạn lừa đảo của nhóm "Villa Herios" là lấy hình ảnh của một biệt thự ở nước ngoài để đăng trên fanpage rồi "chạy" quảng cáo khai trương, giảm giá. Nhóm này còn tạo hẳn định vị vị trí villa ở Vũng Tàu để gửi địa chỉ cho khách khi họ hỏi.
Sau khi bị nhiều người đăng bài báo cáo sự cố thì nhóm này xoá fanpage. Sau đó, tiếp tục tạo fanpage khác, tên khác và đổi sang những địa danh du lịch khác để lừa đảo.
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy quyết định công nhận đạt chuẩn 3 sao mà "Villa Herios" đưa lên mạng để mọi người tin tưởng là giấy tờ giả vì đơn vị cấp giấy là "Sở Du lịch thuộc UBND TP Vũng Tàu" trong khi TP này thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tất nhiên không có cấp sở. Người ký quyết định là Nguyễn Thị Ánh Hoa - phó giám đốc - cũng không có ở Sở du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Không truy bắt kẻ lừa đảo, nhiều người sẽ là nạn nhân
Luật sư Hà Hải - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, vì vụ việc xảy ra tại một biệt thự không có thật ở Vũng Tàu, trên không gian mạng nên nạn nhân có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an nơi mình sinh sống. Mỗi người làm một đơn tố cáo sau đó tập hợp lại.
"Tên chủ biệt thự có thể là giả mạo nhưng số tài khoản ngân hàng là thật. Nếu cơ quan công an vào cuộc sẽ lần ra fanpage xuất phát từ đâu. Loại tội phạm này xuất hiện ngày càng nhiều và nếu không truy bắt, ngăn chặn thì sẽ có nhiều người tiếp tục bị lừa đảo", luật sư Hải nói.
Nhiều trò lừa đảo chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản dịch vụ ngân hàng diễn ra thời gian gần đây không hề mới nhưng vẫn luôn có những nạn nhân mới.