20 năm chờ rạch Xuyên Tâm chuyển mình
20 năm trước, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (TP.HCM) đã được 'thai nghén', nhiều phương án đầu tư đã từng được đưa ra nhưng chưa làm được để đến nay, rạch vẫn ô nhiễm, hàng ngàn căn nhà mục nát vẫn liêu xiêu hai bên bờ, chưa biết số phận ra sao.
Nay trước thông tin UBND TP.HCM vừa thống nhất chủ trương thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện cải tạo rạch này và giao cho Sở Xây dựng TP.HCM làm việc với các đơn vị liên quan để sớm triển khai dự án, nhiều người dân nơi tuyến rạch đi qua đã nhiệt tình ủng hộ cũng như mong chờ ngày hoàn thành.
Tôi không nghĩ giữa lòng đô thị náo nhiệt lại có một con rạch ô nhiễm thế này.
(một người dân phường 15, quận Bình Thạnh)
20 năm ngóng rạch "thay da đổi thịt"
Rạch Xuyên Tâm (bắt đầu từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) dài 8,2km là hệ thống gồm rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng đi qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp và điểm cuối là sông Vàm Thuật. Nhiều năm qua, con rạch này hứng chịu đủ thứ ô nhiễm đổ xuống.
Không quá khi nói rằng rạch Xuyên Tâm là một trong những nơi ô nhiễm nhất thành phố do tập trung đủ các loại rác thải với bao nilông, hộp xốp, xác chết động vật... Dọc con rạch này về hướng cầu dân sinh (nối đường Nguyễn Xuân Ôn sang Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh), tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng hơn.
Trở lại rạch Xuyên Tâm (phường 15, quận Bình Thạnh) vào đầu tháng 7, dù đã đeo hai chiếc khẩu trang nhưng chỉ hơn một phút sau, chúng tôi vẫn cảm thấy khó chịu bởi mùi hôi nồng nặc xộc thẳng vào mũi vì con rạch đang vào khoảng thời gian nước ròng trơ đáy. Phía bên trên cầu dân sinh, dòng người qua lại ngán ngẩm lắc đầu vì lòng kênh với bùn đen kịt và đầy các loại rác phơi dưới cái nắng.
Do đã nhiều lần đến ghi nhận tình hình và lấy ý kiến bà con nên khi thấy chúng tôi trở lại, bà Phương Huyền (người dân khu vực) hồ hởi khoe vừa đọc được thông tin Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo lập tổ công tác cải tạo con rạch này. Phía sau căn nhà bà Huyền là rạch Xuyên Tâm, cứ mỗi lần nước cạn lộ ra phần đáy là chuột lại chạy vào nhà nên bà thường ra phía trước nhà ngồi để "lánh nạn".
"Tôi nhớ khoảng năm 1990 trở về trước, con rạch này nước trong vắt, nhìn xuống là thấy đủ loại cá bơi lội. Rạch khá rộng, hai bên bờ cây cối tươi tốt, người dân ở đây thường xuyên xuống tắm hoặc chèo thuyền ghe đi dọc về hướng Gò Vấp thay cho đường bộ. Nhưng từ năm 2000 đến nay thì hỡi ôi đâu đâu cũng thấy rác.
Đã vài lần chúng tôi nghe nói việc cải tạo rạch cũng như di dời nhà dân dọc tuyến. Tuy nhiên, cuộc sống bà con vẫn bị gắn chặt với con rạch nước đen này nhiều năm qua. Gồng mình ở lại thì khổ nhưng chuyển thì không biết đi đâu và cũng không có tiền", bà Huyền nói.
Cách nhà bà Huyền khoảng 500m hướng về cầu dân sinh, nhà anh Quốc Việt cũng chịu hoàn cảnh tương tự.
"Ô nhiễm trầm trọng hơn khi người dân chuyển đến ở ngày càng đông rồi lấn chiếm luôn kênh rạch. Rạch này nắng hay mưa gì cũng hôi nhưng kinh khủng nhất là lúc nước ròng. Nghe người ta nói di dời hoài mà chẳng làm, không biết khi nào dân mới thoát cảnh hôi thối, ngập rác", anh Việt nói.
Cải tạo theo hướng nào?
Từ chủ trương thành lập tổ công tác nghiên cứu chuẩn bị thực hiện dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, ngoài việc giao Sở Xây dựng chủ trì làm việc với các sở ngành, các quận liên quan, sở này còn được giao lập báo cáo tiền khả thi dự án, làm việc với các đơn vị liên quan và chuyên gia nghiên cứu, đề xuất phương thức đầu tư khả thi, nguồn vốn để sớm triển khai dự án.
Về kinh phí cải tạo rạch Xuyên Tâm, thành phố cho rằng có thể sử dụng ngân sách trung ương, ngân sách thành phố hoặc phát hành trái phiếu công trình.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở Xây dựng cho biết theo nhiệm vụ được giao, sở này sẽ chủ trì lập báo cáo tiền khả thì sau đó trình cho thành phố vào tháng 10 tới để kịp thực hiện các thủ tục trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư trong kỳ họp cuối năm 2022.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho biết rạch Xuyên Tâm có chiều rộng lớn, do đó thiết kế theo dạng rạch hở là rất phù hợp. Việc này giúp nạo vét, sửa chữa hạ tầng rạch dễ dàng hơn. Đồng thời, kết hợp thêm việc xây dựng đường mới dọc hai bên rạch để cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến.
Đây cũng là ý kiến của tiến sĩ Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường. Ông Thuận cho rằng phương án thiết kế cống hộp chỉ phù hợp khi đi qua khu đô thị đông đúc để hạn chế việc xả rác xuống kênh rạch. Còn đối với những đoạn đi qua chỗ trống nên làm kênh hở để tiện cho việc theo dõi lưu lượng dòng chảy, cải tạo, sửa chữa, nạo vét kênh sau thời gian sử dụng.
Về nguồn vốn đầu tư để nhanh chóng thực hiện dự án, tiến sĩ Võ Kim Cương cho biết nếu việc đầu tư công bị chậm thì phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa cũng rất tốt, tuy nhiên phải tính toán và giải quyết hài hòa về các lợi ích của nhà đầu tư, người dân, Nhà nước.
"Quan trọng là phải tính được lợi ích chung, các nhà đầu tư thấy rõ các lợi ích thì mới thu hút được nguồn vốn. Bài toán đó phải xử lý làm sao cho cân đối, không nhất thiết đặt ra cả dự án chỉ xã hội hóa hay đầu tư công, nên tùy cơ ứng biến. Đầu tư công kết hợp với nguồn vốn từ xã hội hóa là xu hướng chung hiện nay", ông Cương cho hay.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận cho rằng nên tập trung toàn lực cho việc cải tạo để dự án không kéo dài nữa. Theo đó, có thể sử dụng kết hợp nguồn vốn trung ương bố trí hằng năm với các nguồn vốn từ các khoản vay.
Ngoài ra hình thức thi công nên sử dụng tổng thầu EPC, có nghĩa là các khâu thiết kế, mua sắm và xây dựng giao hoàn toàn cho một nhà thầu. Chính nhà thầu này sẽ vận hành luôn công trình khi hoàn tất, giúp nhà thầu có trách nhiệm và tránh việc đổ thừa qua lại khi giao cho mỗi đơn vị thực hiện một khâu.
Cần thêm tiền di dời nhà xung quanh
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm lần đầu tiên được phê duyệt năm 2002 với kinh phí 123 tỉ đồng nhưng suốt thời gian dài, dự án liên tục gặp khó khăn chủ yếu do hạn chế về ngân sách.
Đến năm 2020, Luật đầu tư công không còn hình thức đầu tư BT nên thành phố đã chuyển sang hình thức đầu tư công nhưng nguồn vốn đầu tư trung hạn của thành phố không đủ để bố trí. Đến năm 2021, TP.HCM đã kiến nghị trung ương hỗ trợ 21.734 tỉ đồng làm 6 dự án trọng điểm, trong đó có 9.353 tỉ đồng cho dự án nạo vét rạch Xuyên Tâm.
Mới đây, Sở Xây dựng đã báo cáo với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM về kết quả giám sát việc tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ tiêu đề ra sẽ di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch với tổng kinh phí khoảng 18.500 tỉ đồng.
Hiện 3 dự án rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh và kênh Hy Vọng đã thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, theo sở này, vốn đầu tư chỉ tầm vài tỉ đồng/dự án nên chưa thể sắp xếp, bố trí nguồn vốn cho công tác bồi thường, di dời và xây dựng hạ tầng kỹ thuật (dự kiến khoảng 12.530 tỉ đồng).
Sở Xây dựng cho biết thêm theo quy định, hiện các dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch không được chọn là dự án cấp bách, ưu tiên hàng đầu (so với các dự án hạ tầng, công ích) nên Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, quan tâm, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn cho các dự án, để vừa di dời nhà trên và ven kênh rạch vừa giải quyết nhu cầu thoát nước, chống ngập. Việc di dời nhà trên kênh, đền bù tái định cư cũng là một phần quan trọng trong các dự án cải tạo kênh rạch.
Cải tạo kênh gắn với bài toán dân sinh
Từ năm 2000, kênh Hàng Bàng (quận 6) dài gần 2km chạy từ Lò Gốm đến kênh Vạn Tượng (quận 5) bị lấp để lắp cống hộp do ô nhiễm trầm trọng. Đến năm 2015, TP.HCM đã thực hiện khôi phục dòng kênh này trở lại bằng cách đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng.
Do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thể hoàn thành toàn tuyến, nhưng hiện tại, đoạn kênh từ đường Lò Gốm đến đường Bình Tiên và đoạn từ đường Chu Văn An đến đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6) đã hoàn thành cơ bản.
Còn đoạn kênh từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng (khoảng 800m) đang được rào chắn lại để thi công. Hai bên bờ kênh được xây công viên, cây xanh cùng các dụng cụ tập thể dục... dọc đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy.
Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, cho biết cố gắng xử lý dứt điểm trong khoảng thời gian 2023 - 2024 để kết thúc dự án sau nhiều năm thực hiện.
Trong khi đó, dự án cải tạo kênh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) đã được hoàn thành vào đầu năm 2022. Dự án này dài 1,4km, rộng 40m bao gồm cả mặt đường, vỉa hè và lòng kênh.
Sau khi hoàn thành, tình trạng ô nhiễm tại kênh này đã giảm đi rõ rệt, dòng nước được khơi thông, ít đọng rác. Dọc kênh có lắp đặt hàng rào sắt cùng vỉa hè để người dân đi bộ. Tuyến đường hai bên kênh cũng được mở rộng, trải thảm nhựa khang trang.
Ông Phúc nhận định các dự án môi trường kênh rạch có 4 mục tiêu chính:
- Sau khi cải tạo sẽ thực hiện tái định cư cho bà con sống vùng ven tuyến kênh, bố trí cho họ chỗ ở mới với chất lượng sống tốt hơn.
- Các tuyến đường dọc theo kênh bao gồm mảng xanh, bờ kè, đường đi bộ, cảnh quan, chiếu sáng, công viên đi kèm vừa tăng cường tiện ích giao thông vừa tạo môi trường sống xanh sạch cho thành phố và người dân khu vực.
- Việc chỉnh trang kênh, nạo vét lòng kênh sâu xuống đạt cao độ thiết kế, xây kè bờ tạo cảnh quan sẽ là tiền đề phát triển du lịch đường thủy theo các tuyến kênh rạch sau này.
- Các dự án này có bước cuối là thu gom xử lý nước thải giúp các con kênh không còn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt xả thẳng ra, như vậy màu xanh các dòng kênh sẽ khôi phục.
Khi thực hiện các dự án môi trường, các cơ quan liên quan đều cố gắng thực hiện hai nhiệm vụ lớn là cải tạo môi trường, giao thông và tạo cuộc sống mới cho người dân ven kênh rạch. "Bà con mình đa số là lao động phổ thông gắn với công việc ven kênh. Giờ khi mình đưa bà con đi xa quá thì họ mất sinh kế hoặc bất tiện ăn ở, đi lại của trẻ nhỏ. Nếu làm được tái định cư tại chỗ hoặc gần khu vực đó thì tôi nghĩ sẽ thành công hơn", ông Phúc nói.
Ông Phúc chia sẻ thêm một dự định là vào năm 2023, dịp kỷ niệm 50 quan hệ Việt - Nhật sẽ khánh thành Nhà máy nước thải Bình Hưng, một công trình được phía Nhật đồng hành. Hiện nay nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 với công suất 146.000m3/ngày đêm, còn giai đoạn 2 sẽ là 469.000m3/ngày đêm. Cho tới thời điểm này vẫn là nhà máy xử lý nước thải công suất lớn nhất Việt Nam.
Khi giai đoạn 2 hoàn thành, nước thải từ toàn bộ kênh Bến Nghé - Tàu Hủ - kênh Đôi - kênh Tẻ xuống bến Phú Định sẽ được thu gom lại, như vậy màu xanh dòng kênh sẽ được trả lại.
Rác vẫn theo con nước trôi ra trôi vào, lòng kênh trơ đầy rác, bùn bồi lắng mỗi khi triều rút. Những căn nhà lấn ra kênh phía trên người dân ăn ở, bên dưới dòng nước đen kịt, thi thoảng có xác động vật nổi lềnh bềnh.