2 siêu dự án đường vành đai: Vì sao ở Hà Nội đầu tư PPP, TP.HCM đầu tư công?
Đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), còn Vành đai 3 - TPHCM mặc dù có lưu lượng xe lớn hơn lưu lượng xe đường Vành đai 4 nhưng lại đầu tư theo hình thức đầu tư công. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, làm rõ vấn đề này.
Cần có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tương lai
Đồng tình với chủ trương đầu tư 2 dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, đại biểu Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, giao thông đi đến đâu thì trăm nghề phát triển, nên phát triển được hệ thống giao thông thì sẽ tạo huyết mạch cho nền kinh tế quốc gia, khai thác tiềm năng phục vụ cho phát triển đất nước, xuất khẩu.
“Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khi xây dựng tuyến đường cần tính quy hoạch dài hơi. Chứ như khi chúng ta làm đường 1, từ năm 2010, thì chỉ đến năm 2020 là đường lại bị kẹt nên phải có tầm nhìn dài hạn, thiết kế rộng rãi, đảm bảo tương lai, chứ khi quy hoạch xong vài năm sau lại lạc hậu thì không nên”, ông Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Bên cạnh đó, Tư lệnh ngành Tài chính đề nghị phải tập trung để thi công nhanh, khắc phục những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, nút thắt để thi công, đưa vào sử dụng nhanh, hiệu quả sẽ lớn. Còn về phía nguồn kinh phí, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện.
Liên quan tới vấn đề cân đối vốn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho biết, hiện nay, chúng ta đang đồng loạt triển hai nhiều công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có những tuyến cao tốc như dự án đường HCM đang triển khai nhưng thiếu vốn.
“Việc công trình triển khai chậm sẽ dẫn đến tăng vốn, đội vốn, chậm chừng nào thiệt hại chừng đó”, đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị rà soát lại những dự án trọng điểm đang khó khăn về nguồn lực cần ưu tiên để hoàn thiện.
Cần cân đối các nguồn lực và huy động nguồn lực để đầu tư cho các dự án, tính toán kỹ để đảm bảo phân bổ nguồn lực phù hợp giữa các dự án, các vùng miền”, đại biểu Dương Khắc Mai nói.
Đại biểu đề nghị trong các báo cáo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, đặc biệt là người dân, đảm bảo sinh kế của người dân khi thu hồi đất.
Trong khi đó, đại biểu Lê Tấn Tới, đoàn Long An lại đề xuất cần nghiên cứu kỹ địa hình, thổ nhưỡng của các dự án giao thông trước khi triển khai, từ đó bố trí nguồn vốn phù hợp, tránh tình trạng khi vào triển khai lại bị đội vốn.
Về công tác giải phóng mặt bằng, đại biểu dẫn chứng thực tế một số địa phương làm các dự án giao thông, đoạn nào khó giải phóng mặt bằng lại “tránh, né” đoạn đó, khiến nhiều con đường đáng ra thẳng lại phải cong queo uốn lượn. Với dự án lớn như đường Vành đai 4 của Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 của TP.HCM cần có sự đầu tư xứng tầm cho một dự án mang tầm quốc gia.
Đề nghị làm rõ về phương thức đầu tư của 2 siêu dự án đường vành đai
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) kỳ vọng với các dự án lớn như đường vành đai 3, đường vành đai 4 ngoài nguồn vốn đầu tư của nhà nước sẽ thu hút cả đầu tư công tư (PPP), nhưng hiện nay vẫn chưa thể thực hiện theo phương thức đầu tư này.
“Đây là dự án lớn, yêu cầu nguồn vốn rất cao, tại sao lại không lựa chọn đầu tư công - tư, phải chăng chúng ta đang có tâm lý dễ bỏ, khó làm? Trước đây, một số dự án ban đầu cũng giao đầu tư PPP nhưng khi triển khai gặp khó lại bỏ”, đại biểu Hoàng Đức Thắng nói và lưu ý “Đây là câu chuyện Chính phủ cần phân tích một cách thấu đáo”.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn khi đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), còn Vành đai 3 – TP.HCM đầu tư theo hình thức đầu tư công.
“Cần nghiên cứu, làm rõ tại sao đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô với lưu lượng xe khoảng 43.000 - 66.000 xe/ngày đêm lại lựa chọn đầu tư theo phương thức PPP. Còn đường Vành đai 3 – TP.HCM có lưu lượng xe khoảng 51.700 - 74.300 xe/ngày đêm, lớn hơn lưu lượng xe đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô lại lựa chọn hình thức đầu tư công. Đồng thời cần so sánh hiệu quả giữa đầu tư theo phương thức đối tác công tư với đầu tư công trước khi quyết định chủ trương đầu tư", đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, sở dĩ đường Vành đai 3 không làm PPP vì vấn đề giải phóng mặt bằng ở những khu vực đường vành đai đi qua là "gánh nặng" rất lớn. Nếu làm PPP riêng, giải phóng mặt bằng ít nhất phải bỏ ra 75.314 tỷ đồng.
Như vậy, nếu vẫn đưa vào đầu tư thì vốn ngân sách Nhà nước "đội" hơn 80% tổng mức đầu tư. Và áp theo Luật PPP thì khi không phù hợp, bởi luật này quy định vốn ngân sách không được vượt quá 50%.
"Chính vì vậy, nếu vốn ngân sách đã lên tới 80%, nên làm đầu tư công", ông Dũng cho hay.