2 năm sau văn bản hỏa tốc, danh thắng Ba Làng An tan hoang còn nghiêm trọng hơn

Chia sẻ Facebook
18/07/2022 06:29:36

2 năm sau văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu kiểm tra xử lý dứt điểm vụ việc danh thắng Ba Làng An (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàn phá, tình hình còn nghiêm trọng hơn.

Khu vực Gành Đá Đỏ thuộc danh thắng Ba Làng An bị cày xới tan hoang, quả đồi bị đào bới thành nhiều bậc thang, đất được đổ ra trầm tích và người xâm phạm xây kè bêtông ngay trên những khối đá mắc ma - Ảnh: TRẦN MAI


Ngày 6-7-2020, báo Tuổi Trẻ có bài viết "Tan hoang danh thắng Ba Làng An" nêu rõ việc các hộ dân ngang nhiên phá đồi, xây kè, dựng công trình xâm hại danh thắng Ba Làng An. Đến ngày 7-7-2020, UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc yêu cầu kiểm tra xử lý dứt điểm.

Nhưng tới nay các công trình trái phép vẫn tồn tại và nhiều công trình mới được dựng lên kiên cố hơn.


Việc tác động này là sai phạm nghiêm trọng không chỉ Luật đất đai mà cả Luật di sản và cần xử lý nghiêm. Nếu xử phạt không đủ tính răn đe thì sẽ có nhiều danh thắng bị phá hỏng.

Tiến sĩ TRẦN TÂN VĂN


Công trình nhiều và kiên cố hơn


Ghi nhận của Tuổi Trẻ trước đây có con đường dân sinh duy nhất từ trung tâm xã Bình Châu ra trạm đèn biển Ba Làng An chỉ có những lối mòn, đường đá nhỏ xuống danh thắng Ba Làng An. Khi báo Tuổi Trẻ phản ánh vào tháng 7-2020, thêm 2 lối đi được mở rộng và bêtông hóa.

Thế nhưng hiện nay quả đồi mà giới nghiên cứu địa chất, địa mạo trong nước và quốc tế khám phá ra 2 tầng đất bazan thể hiện rõ quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng chục triệu năm thuộc loại hiếm có trên thế giới đang bị xẻ nát, biến dạng.

Mục đích phá quả đồi là làm 3 tuyến đường rất lớn để ôtô dễ dàng xuống các hàng quán xây dựng trái phép ngay mép biển.


Dù khi báo Tuổi Trẻ phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã hỏa tốc yêu cầu kiểm tra, xử lý và tháo dỡ các công trình vi phạm. Thế nhưng hiện nay các công trình xây dựng nhiều và kiên cố hơn.

Đơn cử, việc kè chắn quả đồi đang được bêtông hóa nhiều hơn, đất đá trong quá trình thi công đổ tràn ra biển chôn vùi bãi trầm tích núi lửa triệu năm cũng được "khắc phục" bằng cách làm kè bêtông ngay trên trầm tích...

Tại khu vực phía Gành Đá Đỏ (nằm trong danh thắng Ba Làng An), để làm quán nhậu quy mô hơn, người dân đã bạt đồi trái phép, tạo thành 3 tầng đất dựng lên hàng chục chòi lá. Để chắc chắn hơn cho công trình, phía bờ biển việc bêtông hóa bờ kè được thực hiện ngay trên những khối đá núi lửa lớn.

Còn tại khu vực gần hải đăng Ba Làng An, so với thời điểm tháng 7-2020, những công trình mới đã được dựng thêm với quy mô lớn hơn, lấn ra phía biển.

Tổng thể khu vực này sau văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 7-7-2020 là một không gian ăn nhậu quy mô hơn trước và liên kết giữa các quán. Việc xử lý các hộ dân xây dựng trái phép, tháo dỡ và khắc phục nguyên trạng đã không xảy ra.

Văn bản của cơ quan chức năng đều khẳng định đây là những công trình trái phép. Những người dân phá đồi, lấn trầm tích núi lửa được xác định là các ông Nguyễn Văn Thi, Nguyễn Hữu Phúc, Nguyễn Minh Phương, Tiêu Viết Huỳnh.

Bốn hộ này đều là người dân địa phương, nhưng UBND xã Bình Châu đã không quyết liệt xử lý dẫn đến văn bản hỏa tốc của UBND tỉnh Quảng Ngãi sau 2 năm trở nên "nguội lạnh".


Trách nhiệm thuộc về ai?

UBND huyện Bình Sơn đã giao UBND xã Bình Châu làm việc, vận động người dân tháo dỡ, hỗ trợ tháo dỡ lều quán tạm, lắp ghép vi phạm trong việc sử dụng đất không đúng quy định, nhất là trường hợp của 4 hộ dân nêu trên, phải hoàn thành trước ngày 20-7.


Trao đổi với Tuổi Trẻ , lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn cho biết đây sẽ là lần xử lý dứt điểm vụ việc. Cơ quan chuyên môn sẽ xác minh lập hồ sơ cụ thể từng trường hợp vi phạm.

Riêng ông Nguyễn Hữu Phúc từng bị xử phạt năm 2019, đến năm 2020 tiếp tục xây dựng trái phép thì giao Phòng tài nguyên và môi trường huyện kiểm tra vi phạm, thời điểm vi phạm, dấu hiệu vi phạm, tình tiết và mức độ vi phạm để cơ quan chức năng nhận định có vi phạm pháp luật hình sự hay không để có cơ sở xử lý.

Dù sự việc xảy ra từ năm 2019, nhưng đến nay UBND huyện Bình Sơn mới giao Phòng văn hóa thông tin kiểm tra vị trí những công trình trái phép có thuộc khu vực danh thắng Ba Làng An hay không là quá chậm.

Theo lãnh đạo UBND huyện Bình Sơn, bước đầu xác định tọa độ vị trí khoanh vùng bảo vệ danh thắng Ba Làng An nằm lệch một bên so với vị trí xây dựng hàng quán trái phép, nên vi phạm là vi phạm đất đai.

Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Tân Văn, viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam, cho rằng năm 1993 UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định về việc bảo vệ Di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Ba Làng An.

Trong đó nêu rõ: Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng nhà cửa, sản xuất và các hành động có tính chất xâm phạm phá hoại đến khu vực bảo vệ của di tích. Trường hợp đặc biệt cần sử dụng đất đai ở các di tích trên phải được phép của chủ tịch UBND tỉnh.

"Tôi đã đến khảo sát và nghiên cứu khu vực bị lấn chiếm. Đó thật sự là vùng địa chất có giá trị vô giá. Nếu sai lệch vị trí vùng lõi thì khu vực này vẫn nằm trong vùng quản lý di tích bởi danh thắng không chỉ có vùng lõi cần bảo vệ", tiến sĩ Văn nói.

Danh thắng Ba Làng An đang bị xâm phạm thô bạo. Những triền núi đất bazan tại đây bị đào bới, bãi đá trầm tích núi lửa triệu năm bị chôn vùi không thương tiếc... khiến du khách lẫn giới chuyên gia đau xót.

Chia sẻ Facebook