2 kiểu dùng tía tô bức tử làn da, tiếc là chị em đang rất "cuồng"
Không thể phủ nhận những công dụng tuyệt vời của tía tô nhưng nếu chị em dùng tía tô theo 2 cách này thì coi chừng hỏng da, phá da cực nhanh.
Tía tô là một trong những loại cây gia vị có nhiều công dụng chữa bệnh và làm đẹp. Trong Đông y, tía tô có tính ấm, vị cay, không độc được dùng để chữa cảm mạo, ho, sốt, viêm họng. Đặc biệt, phụ nữ uống nước tía tô đều đặn đúng cách còn giúp làn da ngày càng căng hồng, trắng trẻo và vóc dáng thon gọn hơn.
Với nhiều công dụng như vậy nên nhiều chị em cũng cho ra một loạt cách làm đẹp da từ tía tô vô cùng sáng tạo. Bước đầu, những cách làm đẹp này đem lại hiệu quả nhất định nên khiến nhiều người khác tò mò muốn theo.
Mặc dù vậy, DS Khuê Vũ (làm việc tại Hà Nội) mới đây đã lên tiếng chia sẻ về những cách chữa bệnh da cũng như thẩm mỹ từ lá tía tô đang được chị em kháo nhau không hề an toàn như bạn nghĩ. Vị chuyên gia đã có những chia sẻ thiết thực nhằm giúp chị em nâng cao cảnh giác khi làm đẹp da bằng thứ lá rẻ bèo này.
PV: Tía tô là loại rau gia vị được sử dụng để món ăn hấp dẫn, chữa nhiều bệnh lại còn làm đẹp da. Chuyên gia có đồng ý với quan điểm này?
DS Khuê Vũ: Từ thực tế những nghiên cứu của y học cổ truyền và hiện đại, đúng là tía tô đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe. Bản thân tôi cũng sử dụng tía tô mỗi khi cần chữa cảm mạo, cắt sốt và thấy rất hiệu quả. Uống nước tía tô thường xuyên, đúng cách giúp cơ thể có nhiều chuyển biến tích cực như da dẻ trắng trẻo, hồng hào hơn, thải mỡ tốt.
PV: Hiện nay, nhiều chị em chia sẻ sử dụng lá tía tô đắp da để chữa nám rất hiệu quả. Theo ông, điều này liệu có đúng?
DS Khuê Vũ: Đúng là hiện nay tôi nghe thấy nhiều chị em rỉ tai nhau dùng lá tía tô giã vắt nước hoặc trộn với một số thành phần khác đắp mặt sẽ giúp trị nám rất tốt. Tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm này. Không chỉ riêng lá tía tô đâu mà bất cứ loại lá cây, củ quả nào từ thiên nhiên đem đắp lên da để trị nám đều thực sự không đáng tin.
Nguyên nhân bởi, mỗi người sẽ có tình trạng nám khác nhau. Nếu loại nám nào cũng có thể dùng lá tía tô để trị thì nghe thật sự khó tin. Theo tôi, dùng tía tô trị nám thì cũng chỉ có tác dụng với nám nhẹ, mới hình thành và cũng phải rất lâu mới thấy tác dụng. Nếu không, các chuyên gia không phải đau đầu phát minh ra hoạt chất, công nghệ này, giải pháp kia để trị nám.
Xin được nhấn mạnh với bạn, trị nám là cả công đoạn khó khăn, vất vả, đòi hỏi bạn dành thời gian, sự kiên trì, tâm lý thoải mái... Nhiều người trị nám thành công xong vẫn bị tái phát do không đảm bảo chăm sóc da tốt… Làm gì có chuyện dùng vài chiếc lá tía tô mà mong ngăn được nám hoàn toàn?
Chưa kể, dùng lá tía tô đắp lên da để trị nám còn có nguy cơ gây dị ứng da, da dễ bị kích ứng, sưng đỏ, sạm da... Lúc này, có khi bạn không trị được nám lại còn khiến làn da trở nên xấu xí, yếu ớt hơn.
PV: Vậy, dùng lá tía tô để xông da thì sao? Nhiều chị em hiện nay đang dùng theo công thức đun lá tía tô cùng muối hạt cho sôi lên, vắt thêm chanh để xông mặt. Họ cho rằng cách này giúp da mặt luôn trắng trẻo, mịn màng?
DS Khuê Vũ: Cách xông mặt bằng lá tía tô cùng chanh, thêm muối hạt thực ra không còn quá xa lạ. Tôi có nghe rất nhiều chị em truyền miệng đây là cách làm đẹp rẻ tiền, đơn giản lại vô cùng hiệu quả. Đúng là sau khi xông mặt xong, chị em nhận thấy làn da căng mướt, khỏe mạnh, mịn màng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cứ làm đều đặn hàng ngày, chỉ nên xông 1-2 lần/tuần.
Tôi biết có những người thấy hiệu quả làm đẹp rõ rệt nên ra sức xông mặt bằng tía tô mỗi ngày. Thế nhưng, lạm dụng kiểu làm đẹp này về lâu dài sẽ làm to lỗ chân lông. Mà bạn biết đấy, lỗ chân lông to làm da không được mịn màng, sần sùi… gây mất thẩm mỹ. Tôi không phản đối hoàn toàn cách làm đẹp này nhưng nếu muốn làm thì phải đảm bảo đúng kỹ thuật và mỗi tuần cũng không nên làm quá 2 lần.
PV: Dùng lá tía tô để làm đẹp da thì trong chăm sóc da chuẩn y khoa có cách nào không? Xin ông tiết lộ!
DS Khuê Vũ: Theo tôi là không! Nói đến chăm sóc da thì tôi luôn giữ vững quan điểm chuẩn y khoa: sử dụng những sản phẩm dược mỹ phẩm chất lượng, uy tín được công nhận trên thế giới.
Nói chung, không chỉ lá tía tô, bất cứ loại cây cỏ, củ quả thiên nhiên nào, dù sạch sẽ đến mấy mà đắp lên da, tôi cũng không cho rằng đây là cách chăm sóc da đúng, an toàn, hiệu quả dài lâu.
Bạn có thể uống nước tía tô để tăng sinh collagen , làm đẹp da từ bên trong hoặc giữ vóc dáng thon gọn. Tuy nhiên, sử dụng lá tía tô để chữa bệnh ngoài da, làm đẹp da bằng cách đắp da hay tác động từ bên ngoài nói chung thực sự rất nhiều rủi ro. Tôi mong chị em hãy luôn đề cao cảnh giác tránh chăm da bao năm phá da chỉ sau vài lần.
PV: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!