2 đặc nhiệm SEAL mất tích khi đột kích thuyền chở vũ khí Iran: Cựu đặc nhiệm Mỹ lên tiếng
Hai đặc nhiệm SEAL của hải quân Mỹ tuần trước mất tích trên biển khi tham gia một cuộc đột kích thuyền được cho là chở vũ khí của Iran cho lực lượng Houthi vào ban đêm. Một cựu đặc nhiệm Mỹ gần đây cho biết, tính chất của nhiệm vụ như vậy là "rất nguy hiểm" và "phức tạp".
Nhóm binh sĩ Mỹ di chuyển trên biển bằng xuồng cao su.
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) ngày 16/1 xác nhận, hai đặc nhiệm SEAL mất tích trên biển có tham gia trực tiếp trong cuộc đột kích thuyền chở vũ khí Iran ở vùng biển Ả Rập ngoài khơi Somalia.
Các hoạt động như vậy được gọi là ngăn chặn một tàu thuyền khả nghi, gồm các bước tiếp cận, đột kích, kiểm tra và thu giữ. Một cựu đặc nhiệm Mỹ nói trên tờ Insider rằng, nhiệm vụ "rất nguy hiểm" và "phức tạp" do nhiều yếu tố, ví dụ như phải trèo lên con thuyền vẫn đang di chuyển và có nguy cơ những người trên thuyền chống trả bằng vũ khí.
"Nhiệm vụ thực thi trong điều kiện ban đêm khiến mọi chuyện càng trở nên phức tạp hơn", Lino Miani, cựu đặc nhiệm Mũ nồi xanh (Green Berets), người am hiểu về tác chiến trên biển, nói trên tờ Insider.
Thuyền chở vũ khí Iran bị hải quân Mỹ phát hiện hôm 11/1.
Theo báo Mỹ, nhiệm vụ chặn bắt, lục soát các tàu thuyền khả nghi ở Trung Đông thường do đặc nhiệm SEAL của hải quân thực hiện. Nhưng đặc nhiệm Mũ nồi xanh của lục quân Mỹ cũng có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Miani, người hiện là chủ tịch Hiệp Hội Thợ lặn Chiến đấu, nói trong các cuộc đột kích kiểu như vậy, yếu tố bất ngờ được đặt lên hàng đầu.
Các đặc nhiệm Mỹ sẽ dùng xuồng sao su để tiếp cận mục tiêu, sử dụng thang dây hoặc thiết bị có móc để trèo lên thuyền. Họ hạn chế sử dụng thiết bị tạo ánh sáng nhất có thể, cũng như tránh tạo ra tiếng động.
"Trong điều kiện trời tối, các đặc nhiệm có thể khó tìm thấy vị trí phù hợp để buộc thang dây", Miani nói về nguyên nhân một đặc nhiệm SEAL rơi xuống biển khi đang trèo lên thuyền chở vũ khí Iran.
Tình hình sẽ phức tạp hơn khi các đặc nhiệm chạm trán người trên thuyền. Các đặc nhiệm tham gia nhiệm vụ thường chỉ được vũ trang một cách tối giản nhất có thể để tránh trở ngại khi di chuyển.
Đặc nhiệm SEAL tham gia một cuộc diễn tập đột kích năm 2014.
"Đột kích tàu thuyền khả nghi là một trong những nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm nhất đối với các đặc nhiệm Mỹ", Miani nói. "Cấp chỉ huy sẽ không ra mệnh lệnh đột kích nếu không thực sự cần thiết hoặc không nắm rõ thông tin về mục tiêu".
Theo Insider, không phải tất cả các cuộc đột kích tàu thuyền của đặc nhiệm Mỹ đều phức tạp hoặc nguy hiểm nhưng luôn tiềm ẩn rủi ro.
CENTCOM cho biết, số vũ khí trên truyền đã bị thu giữ còn con thuyền bị đánh chìm theo quy trình. 14 người trên thuyền hiện đang bị hải quân Mỹ bắt giữ.
Ngoài việc tiếp cận mục tiêu bằng xuồng cao su, đặc nhiệm Mỹ cũng có thể đổ bộ bằng trực thăng. CENTCOM không cho biết trực thăng có được sử dụng trong cuộc đột kích hay không.
"Đột kích bằng trực thăng xuống một con thuyền nhỏ cũng rất rủi ro vì phi công cần giữ cho trực thăng luôn áp sát con thuyền, trong khi luôn có nguy cơ thuyền đổi hướng bất chợt", Miani nói.
Hiện tại, hải quân Mỹ đang gấp rút tìm kiếm 2 đặc nhiệm SEAL mất tích. Nhưng thời gian tìm kiếm không còn nhiều vì các đặc nhiệm SEAL đã mất tích được gần một tuần.
Đăng Nguyễn - Insider