19 tỷ USD ngay bên cạnh, thời cơ để Việt Nam chiếm phần

Chia sẻ Facebook
10/03/2023 14:58:49

Trung Quốc chi tới hơn 19 tỷ USD để nhập khẩu các loại thuỷ sản năm 2022. Đây được xem là “chiếc bánh” khổng lồ nằm ngay bên cạnh nước ta, các doanh nghiệp tìm cách chiếm phần to khi thời cơ đến.

19 tỷ USD ngay bên cạnh, thời cơ để Việt Nam chiếm phần


Trung Quốc chi tới hơn 19 tỷ USD để nhập khẩu các loại thuỷ sản năm 2022. Đây được xem là “chiếc bánh” khổng lồ nằm ngay bên cạnh nước ta, các doanh nghiệp tìm cách chiếm phần to khi thời cơ đến.

Cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt


Năm 2022, dù thực hiện chính sách “Zero Covid” nhưng Trung Quốc vẫn chi 19,1 tỷ USD để nhập khẩu các loại thuỷ sản phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa, tăng 35,3% so với năm 2021.


Ecuador và Nga là hai nhà cung cấp thuỷ sản lớn nhất vào thị trường Trung Quốc trong năm 2022, kim ngạch lần lượt 3,56 tỷ USD và 2,77 tỷ USD .


Xếp thứ ba là Việt Nam. Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 1,681 tỷ USD , tăng gần 133% so với năm 2021. Tỷ trọng thủy sản Việt trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 5,1% trong năm 2021 lên 8,8% trong năm 2022.

Tại diễn đàn "Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây)” mới đây, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết từ vị trí thứ ba, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam.

7 sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất là tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm chiếm tỷ lệ 24% khối lượng, 41% giá trị. Sản phẩm thủy sản đông lạnh chiếm 93% khối lượng và 89% giá trị.

Ông Tô Vạn Quang, đại diện Công ty TNHH đầu tư Công nghiệp Đông Đằng, cho hay họ muốn ký hợp đồng mua cá basa, cá hố và các loại hải sản khác với doanh nghiệp Việt. Công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại TP. Phòng Thành Cảng.

Chính quyền TP. Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn một và hai, khả năng lưu trữ lên tới 800.000 tấn. Do đó, thủy hải sản Việt Nam tới đây có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, thời gian nhanh chóng, ông Quang nhấn mạnh.

Chuyên gia trong ngành cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu gia tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trong năm 2023 nhờ nhu cầu bùng nổ, vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp hơn các thị trường khác. Trung Quốc mở cửa, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tăng mạnh, trong khi nguồn nguyên liệu nội địa của nước này khó đáp ứng kịp do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thuỷ sản. Cùng với đó, chi phí vận chuyển hàng hóa đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.

Từ những tín hiệu tích cực trên, các chuyên gia nhìn nhận đây là thời cơ để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm thêm thị phần trong “chiếc bánh" tôm cá khổng lồ tại thị trường Trung Quốc.

Khai thác khoảng trống thị trường

Để thúc đẩy xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Trung Quốc, theo ông Nguyễn Hoài Nam, cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc theo cả hình thức B2B và B2C.

Cùng với đó, cần hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam, ông kiến nghị.

Ngoài đẩy mạnh khai thác thị trường qua hình thức thương mại điện tử, ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), đề xuất.

Ông dẫn chứng, Vân Nam tiếp giáp với 4 tỉnh ở nước ta, là cửa ngõ phía Tây Nam của Trung Quốc. Dân số của tỉnh này lên tới 47 triệu người và đời sống người dân ngày càng cải thiện. Vân Nam cũng là cửa ngõ để đi vào tỉnh Tứ Xuyên và Trùng Khánh - hai tỉnh không có biển nhưng dân số lên tới hơn 100 triệu người.

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc được dự báo tăng mạnh trong năm 2023 (Ảnh: Minh Dũng)

Đây là thị trường cực kỳ tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Theo ông Sơn, các DN thủy sản Việt Nam cần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu bằng đường bộ, đường sắt qua Vân Nam để tiến vào sâu vào thị trường Trùng Khánh và Tứ Xuyên. Tuy nhiên, muốn thâm nhập được, "vũ khí" cần trang bị là thương hiệu sản phẩm, tiếp cận thị trường theo vùng vì ở mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng, xu hướng tiêu dùng riêng. Không nên theo xu hướng chung, làm sản phẩm xuất khẩu kiểu “đồng phục”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận xét, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái (Quảng Ninh) có dấu hiệu tăng. Riêng tháng 2/2023, xuất khẩu thuỷ sản sang Trung Quốc tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Tín hiệu tích cực mở ra tiềm năng mới với xuất khẩu thuỷ sản. Dư địa còn rất lớn, nhất là sau đại dịch”, Thứ trưởng Nam nói. Các doanh nghiệp hai nước gần đây tập trung ở cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng để tìm bạn hàng vì đây là cửa khẩu quan trọng trong xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng thủy sản.

Doanh nghiệp hai nước cần nỗ lực tìm kiếm, kết nối với nhau tạo thành chuỗi cung ứng mới. Cơ quan chức năng sẽ cố gắng giải quyết nhanh những vướng mắc cho doanh nghiệp để hoạt động xuất khẩu thuận lợi hơn, ông Nam khuyến nghị.

Dự kiến tháng 4, đoàn lãnh đạo cấp cao của nước ta sẽ sang làm việc với cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Các doanh nghiệp có thể tập hợp gửi ý kiến, đề xuất; từ đó, bộ có căn cứ sang làm việc thúc đẩy thương mại, tháo gỡ khó khăn trong giao thương, Thứ trưởng lưu ý.

Tâm An

Chia sẻ Facebook