16 nhà ngoại giao Mỹ và người nhà họ ở Trung Quốc bị cách ly cưỡng bức
16 người gồm 10 nhà ngoại giao Hoa Kỳ và 6 người trong gia đình của họ đã bị giam giữ trong khu cách ly COVID-19 ở Trung Quốc.
16 người gồm 10 nhà ngoại giao Hoa Kỳ và 6 người trong gia đình của họ đã bị giam giữ trong khu cách ly COVID-19 ở Trung Quốc theo chính sách Zero-COVID của nước này. Hai nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bảo quản các tài liệu liên quan đến những nhà ngoại giao bị cách ly không tự nguyện này, vì lo ngại Trung Quốc có thể buộc họ giao nộp thông tin tình báo.
Trong một lá thư gửi Ngoại trưởng Anthony Blinken hôm thứ Năm (29/9), các nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Quốc hội Hoa Kỳ, James Comer và Michael McCaul cho biết biện pháp hạn chế của ĐCSTQ đối với các nhà ngoại giao “gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh quốc gia” .
Bloomberg News đã nhận được bức thư này.
Bloomberg đưa tin, hai nghị sĩ cho biết: “Chúng ta phải đảm bảo bảo vệ tất cả những người Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là với những người có quyền nhận được thông tin mật; đồng thời chấm dứt việc không tôn trọng và giam giữ các nhà ngoại giao Hoa Kỳ”.
Trích dẫn thư do những người tố giác cung cấp và báo cáo của Washington Post , hai nghị sĩ cho biết Trung Quốc (ĐCSTQ) “đã tiến hành một chiến dịch kéo dài, nhằm tước quyền tự do của các nhà ngoại giao Mỹ, dưới chiêu bài ngăn ngừa COVID-19.”
Họ nói, Đại sứ quán Hoa Kỳ đã xác nhận việc giam giữ không tự nguyện 16 nhà ngoại giao và gia đình của họ. “Đảng Cộng hòa trong các ủy ban (Quốc hội) lo ngại rằng các nhà ngoại giao Hoa Kỳ có thể sẽ, hoặc từng bị buộc phải cung cấp thông tin tình báo trong khi họ đang bị giam giữ.”
Vào đỉnh điểm của đợt bùng phát dịch trong tháng 6/2020, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc lo ngại Chính phủ nước này sẽ kiểm soát việc xét nghiệm COVID-19 của họ. Họ và các thành viên trong gia đình có thể bị chia cắt và lấy mẫu DNA . Các nhà ngoại giao đã chia sẻ trên mạng xã hội câu chuyện về việc các đồng nghiệp bị giam giữ trong các khách sạn cách ly ở Trung Quốc hơn 2 tuần.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc, nhằm giảm thiểu sự chia cắt trong gia đình các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, và đảm bảo xét nghiệm ẩn danh.
Ngày 21/7 năm nay, ông Josh Rogin, nhà báo của Washington Post đã có một bài viết nói rằng trong quá trình phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Trung Quốc đã chà đạp lên quyền của các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở mức độ chưa từng có. Biện pháp kiểm soát dịch cứng rắn của Bắc Kinh buộc các nhà ngoại giao Hoa Kỳ phải sống trong nỗi sợ hãi thường trực.
Ông viết 2 năm qua, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ tại Trung Quốc buộc phải đối mặt với nguy cơ bị giam giữ, hoặc tách khỏi gia đình, nếu họ có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán, hoặc được cho là đã “tiếp xúc gần” với bệnh nhân.
Ông Nicholas Burns, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, đã nỗ lực không ngừng để giải quyết vấn đề này, và đạt được những tiến triển đáng kể.
Ông Rogin cho biết, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh xác nhận rằng kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát, 16 người gồm 10 nhà ngoại giao Hoa Kỳ và 6 người trong gia đình của họ đã bị cưỡng chế gửi đến các trung tâm kiểm dịch y tế của Chính phủ Trung Quốc.
Ông viết nhờ những nỗ lực của ông Burns, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và gia đình họ đã được phép cách ly tại nhà, hoặc tại đại sứ quán, lãnh sự quán. Nhưng do thiếu tin tưởng vào Bắc Kinh về việc thực hiện đầy đủ cam kết này trên toàn quốc, Bộ Ngoại giao đã gửi một lá thư chính thức bằng tiếng Trung cho tất cả các nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Trung Quốc và gia đình họ.
Những tài liệu này có thể cung cấp cho bất kỳ quan chức địa phương nào cố ép họ vào các cơ sở y tế, hoặc tách trẻ em khỏi cha mẹ chúng. Ngoài ra, một nhóm người trong đại sứ quán đã được thành lập, cùng tham gia với Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vấn đề này.
“Trong một thay đổi chính sách khác, nếu bất kỳ nhà ngoại giao nào của Hoa Kỳ tại Trung Quốc có kết quả dương tính, và không thể thuyết phục Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) miễn cách ly cho họ tại một phòng khám sốt, Bộ Ngoại giao sẽ ngay lập tức sơ tán họ đến một quốc gia khác.”
“Biện pháp này dường như đang phát huy tác dụng. Kể từ khi ông Burns đến Bắc Kinh ngày 28/3, không có nhà ngoại giao nào của Hoa Kỳ bị buộc phải cách ly, nhưng một số người đã phải sơ tán khỏi (Trung Quốc) trong năm nay”, ông Rogin viết.
Dân biểu tiểu bang Texas Michael McCaul là đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện. Ông James Comer giữ vai trò tương tự trong Ủy ban Giám sát Hạ viện.
Nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng 11/2022, hai người này sẽ là chủ tịch của các ủy ban này. Lá thư cho thấy, họ có thể ưu tiên điều tra các vụ giam giữ trên.
Trong một tuyên bố khác, ông McCaul cho biết Quốc hội cần “sự minh bạch hơn từ Bộ Ngoại giao, về các hạn chế COVID-19 áp đặt đối với các nhà ngoại giao của chúng ta ở Trung Quốc.”
Ông Rogin cũng viết bài, nói rằng kể từ khi virus xuất hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Chính phủ ĐCSTQ luôn khoe khoang việc xử lý dịch bệnh của họ, tuyên bố số người chết và nhiễm bệnh khá thấp. Nhưng (số liệu của họ) rất đáng ngờ. Dù các nhà chức trách Trung Quốc có khoe khoang về thành công của việc ngăn chặn dịch bệnh đến đâu, thì người dân Trung Quốc đã phải trả một cái giá rất đắt.
Một báo cáo của trang tin Caixin tại Trung Quốc cho biết, kỷ lục 65 triệu người ở 33 thành phố của Trung Quốc hiện đang trong tình trạng phong tỏa hoặc bán phong tỏa.
Chính sách Zero-COVID cũng tiêu hao tiền bảo hiểm y tế và tiền tiết kiệm của người dân, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất thải y tế. Việc ĐCSTQ liên tục tiến hành xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn, khiến hàng trăm triệu người buộc phải kiểm tra axit nucleic cứ 2 – 3 ngày/lần hoặc thậm chí hàng ngày.
Lượng chất thải y tế thải ra mỗi ngày gần như chưa từng có trong lịch sử, gây nguy cơ xử lý không đúng cách làm nguy hại đến môi trường và sức khỏe người dân, kéo theo nguy cơ đối với hệ sinh thái.
Bình Minh (t/h)
Trung Quốc: Sinh viên Đại học Trịnh Châu biểu tình chống phong tỏa
Tối ngày 28/9, theo thông tin chia sẻ trên mạng, nhiều sinh viên từ Đại học Trịnh Châu ở Hà Nam đã tụ tập phản đối và yêu cầu gỡ phong tỏa.