1,5 triệu thùng dầu của Nga 'mất tích' mỗi ngày: 'Ai đó' vẫn đang nhiệt tình mua dầu của Nga nhưng chỉ trời biết, đất biết

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:41:18

Đích đến của những con tàu bật mode "tàng hình" của Nga là một bí mật.

Kể từ khi Nga tiến quân vào Ukraine, nhiều công ty dầu mỏ phương Tây cũng như các thương nhân, chủ hàng và ngân hàng đã tránh xa dầu thô của Nga. Tuy nhiên, một báo cáo mới đây của CNN cho thấy dầu thô của Nga có thể đang chứng kiến sự hồi sinh về nhu cầu – một cách tương đối bí mật.

Nhiều tàu chở dầu của Nga vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu mỏ đã biến mất khỏi hệ thống theo dõi. Công ty quản lý rủi ro hàng hải Windward nói với CNN rằng chúng đang hoạt động "ngầm". Nói cách khác, bộ phát tín hiệu của các tàu này thường bị tắt trong ít nhất vài giờ. Tỷ lệ tàu chở dầu của Nga tắt tín hiệu khi vận hành đã tăng 600% so với trước khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu.

"Chúng tôi phát hiện ra sự gia tăng đột biến các tàu chở dầu của Nga cố tình tắt tín hiệu để tránh các lệnh trừng phạt", Giám đốc điều hành của Windward – Ami Daniel cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN, đề cập đến các lệnh trừng phạt nhập khẩu dầu cho Mỹ, Anh và các các quốc gia khác áp đặt. "Hạm đội tàu của Nga đang bắt đầu che giấu vị trí và nơi chúng cập bến", ông nói thêm.

Trong tuần bắt đầu từ ngày 12/3, có đến 33 lần các tàu chở dầu của Nga tắt tín hiệu, theo AI của Windward – tăng 236% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Chính phủ Mỹ coi đây là một hành vi vận chuyển lừa đảo, được sử dụng để trốn tránh các lệnh trừng phạt. Quy định quốc tế yêu cầu các tàu phải luôn bật bộ thu phát tín hiệu. "Các tàu này muốn biến mất khỏi radar. Từ góc độ tuân thủ quy định quốc tế, họ đã vi phạm", Daniel nói.

Ai đang mua dầu của Nga?

Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy ước tính 1,2-1,5 triệu thùng dầu thô xuất khẩu mỗi ngày của Nga đã biến mất trong 5 tuần kể từ khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bắt đầu. Riêng tuần này, khoảng 4,5 triệu thùng dầu đã biến mất.

Các nhà phân tích nói rằng các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc và Ấn Độ đang mua một số sản phẩm dầu của Nga. Theo CNBC, việc vận chuyển dầu của Nga đến New Delhi đã có "sự gia tăng đáng kể" và Trung Quốc cũng đang bị thu hút bởi dầu Nga – vốn có mức chiết khấu rất lớn.

Và trong khi Mỹ và Vương quốc Anh đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, EU – vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga – vẫn tiếp tục mua. Khu vực này chỉ có kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu trong năm tới để tránh khủng hoảng năng lượng.

Dầu thô Urals của Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu hấp dẫn lên đến 30 USD/thùng so với dầu Brent – tiêu chuẩn của châu Âu. Nhưng bất chấp giá rẻ, nhiều thương nhân phương Tây đã tránh mua dầu của Nga.

Theo S&P Global, các thương nhân cho rằng nhận thức của công chúng khiến nhiều công ty phương Tây ngừng mua dầu của Nga, ngay cả với giá rẻ. Nhiều người không muốn bị coi là "tài trợ" cho các chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

"Các con tàu đang phải hoạt động ngầm vì họ sợ nếu để lộ thông tin chở dầu của Nga, họ sẽ bị đưa vào danh sách đen trong một thời gian và không thể kinh doanh trong tương lai", Andy Lipow, Chủ tịch hãng tư vấn Lipow Oil Associates nói với CNN.


Nhưng khi hàng triệu thùng dầu tiếp tục mất tích, các nhà phân tích dự đoán đích đến của những con tàu "tàng hình" này vẫn là phương Tây và việc chúng hoạt động ngầm đã giúp cho các nhà giao dịch tại đây tránh khỏi những cuộc khủng hoảng truyền thông không cần thiết.


Nguồn: Fortune

Chia sẻ Facebook