1/5 giếng nước ngầm trên thế giới có nguy cơ bị cạn kiệt

Chia sẻ Facebook
22/03/2022 17:44:59

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đáng kể đến chu trình nước, làm giảm lượng nước tự nhiên tích trữ trong băng và tuyết.

Theo UNESCO, nước ngầm hiện chiếm khoảng 50% lượng nước sinh hoạt trên toàn thế giới và 25% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức và bị ô nhiễm bởi các hoạt động của con người, dẫn tới nguy cơ cạn kiệt. Từ đó tác động trở lại đe dọa sinh kế người dân, đặt ra thách thức toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần nỗ lực ứng phó.


Tình trạng hạn hán tại Thổ Nhĩ Kỳ khi lượng mưa thấp kỷ lục được ghi nhận trong 2 năm qua. Sinh kế người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Ali Tekkaya - Phó tổng Giám đốc Hệ thống quản lý thoát nước ở Mugla, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng: "Cuộc khủng hoảng nguồn nước này sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an toàn của người dân. Vấn đề này sẽ biến đổi nền kinh tế của đất nước và lối sống của người dân".


Các nghiên cứu cho thấy, 1/5 giếng nước ngầm trên thế giới có nguy cơ bị cạn kiệt. Mỗi năm, hơn một nửa dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước trong ít nhất 1 tháng. Hàng tỷ người ở châu Phi, Ấn Độ phải sống chung với hạn hán, thiếu nước sạch.

Trước các thách thức này, các quốc gia, tổ chức quốc tế đã xây dựng các chương trình giáo dục, huấn luyện ứng phó, chuyển đổi chính sách nhằm đảm bảo an ninh bền vừng nguồn nước.

Ông Lý Quốc Anh - Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho biết: "Chúng tôi sẽ tập trung thẩm tra, rà soát dự thảo Luật Bảo vệ sông Hoàng Hà, phấn đấu sớm ban hành luật; tiếp tục rà soát các dự thảo quy định về sử dụng nước tiết kiệm để sớm ban hành bộ quy định này; khẩn trương chuẩn bị giai đoạn đầu để ban hành quy chế quản lý khai thác cát sông".

Theo ông Varawut Silpa-Archa - Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Thái Lan: "Chúng tôi có dự án về ngân hàng nước ngầm. Chúng tôi khoan lỗ để nước thoát vào lòng đất. Vì vậy, thay vì chỉ lấy nước từ lòng đất, chúng tôi thực sự bổ sung nước trở lại hệ thống".

Với nguồn tài nguyên toàn cầu này, Liên hợp quốc đã nhấn mạnh, việc bảo vệ và quản lý nước ngầm tốt hơn là trách nhiệm chung và vì lợi ích chung của tất cả chúng ta.

Chia sẻ Facebook