15 dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã phát khoảng 154 triệu kWh

Chia sẻ Facebook
24/07/2023 08:14:45

Đã có 15 dự án điện tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 735 MW được nối lưới, đóng góp cho hệ thống khoảng 154 triệu kWh điện.

Theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 21/7 đã có 15 dự án, phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất gần 735 MW hoàn thành thủ tục vận hành thương mại (COD), phát điện lên lưới.

Trong số này bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1, Phù Mỹ 3; Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, Thiên Tân 1.3; Nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận (450MWac); Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1; Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1; Nhà máy điện gió Nhơn Hội - giai đoạn 2; Nhà máy điện gió Hướng Linh 7; Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh; Nhà máy điện gió VPL Bến Tre; Nhà máy điện gió Hanbaram; Nhà máy điện gió Bình Đại; Nhà máy điện gió Hòa Đông 2; Nhà máy điện gió Viên An.

Sản lượng phát trung bình mỗi ngày của số dự án này khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng nguồn điện được huy động.

Số dự án này nằm trong 85 dự án điện tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất hơn 4.600 MW đã lỡ hẹn giá FIT vào cuối 2020, phải đàm phán giá điện với EVN theo khung giá Bộ Công Thương ban hành hồi đầu năm.

EVN cho biết, đến 21/7 có 72 trong 85 dự án trên với tổng công suất gần 3.932 MW gửi hồ sơ đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện. Trong số này, 83% đề nghị áp giá tạm tính bằng 50% giá trần khung giá của Bộ Công Thương.

Hiện Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án, tổng công suất hơn 3.181 MW. Tuy nhiên để các dự án này có thể vận hành thương mại (COD), phát điện lên lưới thì cần đáp ứng các thủ tục về đấu nối, nghiệm thu công trình hoặc một phần công trình và các hồ sơ liên quan khác như quyết định gia hạn chủ trương đầu tư, giấy phép hoạt động điện lực.

Hiện vẫn còn 13 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa gửi hồ sơ để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện cho Công ty Mua bán điện (thuộc EVN).


Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán với EVN theo khung giá phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% so với trước đây .

Chia sẻ Facebook