141 nước ủng hộ yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine ngay lập tức

Chia sẻ Facebook
26/02/2023 13:35:55

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết cuộc bỏ phiếu là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy không chỉ phương Tây ủng hộ đất nước của ông.


Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (U NGA ) hôm 23/2 đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi Nga chấm dứt hành động thù địch ở Ukraine và rút quân, gửi một thông điệp mạnh mẽ vào đêm trước ngày kỷ niệm một năm xung đột toàn diện giữa hai quốc gia láng giềng.

Nghị quyết do Ukraine soạn thảo với sự tham vấn của các đồng minh đã được thông qua với tỉ lệ 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống và 32 phiếu trắng.

Ông Kuleba nói: “Cuộc bỏ phiếu này bác bỏ lập luận rằng các nước Nam bán cầu không đứng về phía Ukraine. Thực tế nhiều quốc gia đại diện cho Châu Mỹ Latinh, Châu Phi, Châu Á đã bỏ phiếu ủng hộ”.


UNGA đã trở thành cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ) bàn về vấn đề Ukraine vì Hội đồng Bảo an (UNSC), cơ quan chịu trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, bị tê liệt bởi quyền phủ quyết của Nga.

Không giống như các nghị quyết của UNSC, các nghị quyết của UNGA không ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng đóng vai trò như một thước đo dư luận thế giới.

Màn hình cho thấy 141 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine tại phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, ngày 23/2/2023 - Trước thềm dấu mốc một năm xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Kyodo News

7 quốc gia bỏ phiếu chống lại nghị quyết hôm 23/2 là Belarus, Nicaragua, Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Mali, những quốc gia đã phát triển quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga.

Phát biểu hôm 22/2, Đại sứ Nga tại LHQ, Vassily Nebenzia, gọi nghị quyết này là “chống Nga và ác độc về bản chất”.

Phó Đại sứ Venezuela phát biểu trước UNGA thay mặt cho 16 quốc gia đã bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng đối với hầu hết 5 nghị quyết trước đó về Ukraine: Belarus, Bolivia, Campuchia, Trung Quốc, Cuba, Eritrea, Guinea Xích đạo, Iran, Lào, Mali, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, St. Vincent, Syria, Venezuela và Zimbabwe.

Trong khi các quốc gia khác tập trung vào các hành động của Nga, Phó Đại sứ Venezuela Joaquín Pérez Ayestarán cho biết hôm 22/2 rằng tất cả các quốc gia không có ngoại lệ “phải tuân thủ nghiêm ngặt Hiến chương LHQ”.

Ông Ayestarán cho biết các quốc gia trong nhóm của ông phản đối điều mà ông gọi là hành động gây chia rẽ tại UNGA, và ủng hộ “tinh thần thỏa hiệp”.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nói với các phóng viên rằng kẻ gây hấn và nạn nhân không thể được đặt ngang hàng với nhau. Nhưng Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Dai Bing, phát biểu trước cuộc họp hôm 23/2: “Chúng tôi ủng hộ Nga và Ukraine tiến về phía nhau. ... Cộng đồng quốc tế nên nỗ lực chung để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình”.

Nghị quyết hôm 23/2 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) kêu gọi các quốc gia thành viên LHQ và các tổ chức quốc tế “tăng gấp đôi hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine, phù hợp với Hiến chương LHQ”.

Nó cũng kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine và bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào vào các đối tượng dân sự, bao gồm cả những nơi là nhà ở, trường học và bệnh viện”.


Nó yêu cầu Nga “rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện” toàn bộ lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận cũng như kêu gọi “chấm dứt các hành động thù địch” .


Minh Đức (Theo AP, Anadolu Agency)

Chia sẻ Facebook