125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 5: Bất ngờ cao su cổ thụ trên đảo Phú Quốc

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:47:39

Vườn cao su với hàng chục cây rất cao lớn, đường kính chừng 60-70cm, có nhiều vết cạo lâu năm quanh thân...

Cây cổ thụ hai người ôm không xuể ở phường An Thới là cây đẹp nhất so với tất cả những cây cao su cổ chúng tôi đã từng tìm được ở Sài Gòn, Đồng Nai, Khánh Hòa - Ảnh: SƠN LÂM


"Phú Quốc đang còn một vườn cao su cây to lớn lắm. Được dẫn đến xem, lúc đó tôi hết sức bất ngờ, không tin ở mắt mình, thiệt là độc đáo" - TS Nguyễn Anh Nghĩa, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, kể về lần ghé thăm đảo ngọc và được một hướng dẫn viên mách nước có vườn cao su lâu năm.


Có thể nói Phú Quốc cũng là một trong những nơi được trồng cao su kinh doanh sớm nhất ở Việt Nam. Tôi cho rằng cũng cần ghi nhận việc cây cao su đã từng đứng chân trên đảo Phú Quốc vào lịch sử phát triển cây cao su tại Việt Nam.


TS NGUYỄN ANH NGHĨA
(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam)


Vườn cây trên đất "kim cương"


Chúng tôi tìm đến vườn cao su mà TS Nguyễn Anh Nghĩa từng đến - số 100 đường Trần Hưng Đạo, tuyến đường trung tâm của phường Dương Đông, Phú Quốc, men theo bờ biển. Khu vực này thuộc diện đất "kim cương" của Dương Đông, toàn là khách sạn, resort và nhà hàng quán xá nối tiếp. Vậy mà lô đất có cây cao su rộng hàng mấy ngàn mét vuông.

Anh Nguyễn Quốc Phú, con trai chủ nhà, cho biết hồi mình mới lớn, vườn cao su rất rộng, ra tận mép đường lộ. Về sau cây cao su bị chặt dần nhường chỗ cho quán xá, diện tích hẹp dần, đến nay chỉ còn một phần nhỏ so với trước. Gần đây, cao su cũng tiếp tục bị đốn khá nhiều.

"Hồi đó cao su ở sát nhà, sát quán, mỗi lần mưa gió to thì sợ lắm. Có những trận mưa to, gió lớn, những cành gãy xuống muốn sập nhà luôn vậy đó. Vì sợ cho nên mấy cây gần nhà, gần quán phải chặt đi" - anh Phú kể.

Thế hệ anh Phú không biết vườn cao su nhà mình trồng từ bao giờ, và anh cũng chưa từng thấy việc khai thác mủ hồi nào. Một người đàn ông lớn tuổi gần đó cho biết: "Vườn cao su đó còn sót lại của một đồn điền rộng lớn mấy chục hecta do một thương nhân Hoa kiều đầu tư khoảng năm bốn mấy (thập niên 1940)".

Người này cũng không nhớ cao su ở đây ngừng khai thác từ lúc nào...

Vườn cao su nhiều tầng chen lấn, mọc tự nhiên của ông Đặng Tấn Phong ở ấp Bún Gội, Cửa Dương, Phú Quốc. Ảnh: SƠN LÂM

Cổ thụ cao su ở Phú Quốc hơn 2 người ôm - Ảnh: THÁI LỘC


Tồn tại lạ lùng

Khi tôi đang lần dò thông tin thì anh bạn Phạm Văn An ở địa phương bảo: "Tôi có nghe đâu bên Gành Gió, xã Cửa Dương có cao su cổ". Lên xe cùng anh An rảo quanh ấp Gành Gió, cách trung tâm Dương Đông chừng 5 cây số, thoáng thấy cao su. Thì ra nhiều vườn ở đây đều có cao su.

Nhiều nhất là vườn của ông La Minh Quang, cha gốc Miên, mẹ gốc Hoa, có đến mấy chục cổ thụ cao hơn 20m, rất to lớn, dấu cạo quanh thân. Ông Quang cho biết ông ngoại là người Hoa đầu tư trồng từ nhiều chục năm trước, từng cho người ta thuê vườn khai thác mủ. Ông Quang chẳng nhớ việc ngưng cạo mủ từ lúc nào và lý do vì sao...

Một anh bạn khác là Hà Tấn Tài, chủ cơ sở nước mắm Đại Đức, nhiệt tình chở chúng tôi đến nhà người cậu Đặng Tấn Phong ở ấp Bún Gội cùng xã Cửa Dương.

Ông Phong dẫn chúng tôi ra mép vườn ven suối Bà Lầu, ranh giới ấp Bún Gội và ấp Khu Tượng. Cao su ở đây nhiều lứa như ở rừng tự nhiên: bên dưới những cổ thụ to lớn là hàng loạt cây nhỏ thấp hơn; tầng sát đất là cao su con dày đặc...

Ông Phong cho hay ông ngoại Tăng Văn Trợ là người Hoa xưa trồng sáu mẫu cao su. Việc khai thác mủ có chững lại vào giai đoạn chiến tranh, và dừng hẳn kể từ ngày thống nhất. Sau năm 1975, hầu hết diện tích cao su buộc phải bị chặt hạ để trồng khoai mì và nhiều cây trồng khác. Số cao su hiện còn chủ yếu tự mọc, vườn quá rộng, không kiểm soát nổi...

Cao su Phú Quốc không chỉ có thế! "An Thới cũng có nhiều cao su, còn mấy cây to lắm luôn" - thầy Nguyễn Duy Khánh ở phường An Thới reo trong điện thoại khi biết ý định của chúng tôi.

Thầy Khánh kể mấy năm trước, người ta định đốn bỏ một cổ thụ cao su nằm trên phần mở rộng tuyến đường chính. Tiếc quá, thầy cho đào gốc đem về chăm trồng. Đáng tiếc là "cụ" cây khô héo, không sống được.

Thầy Khánh dẫn chúng tôi vào một đơn vị quân đội ngay trên đường chính. Một cổ thụ cao su nằm cạnh lối đi, gốc hai người ôm không xuể, cao chừng 30m, tán lá tỏa rộng nhất và sum suê nhất mà chúng tôi từng thấy. Cách đó chừng 30m cũng có một cây cao su rất lớn khác bị chết, thân gốc nằm chỏng chơ.

Chưa hết, thầy Khánh dẫn chúng tôi sang một khu vườn khác nằm cạnh nhà tù Phú Quốc, do hải quân quản lý. Nơi đây có đến bốn cây cao su lớn và rất nhiều cây nhỏ hơn cùng hàng loạt cao su con mọc trải dài.

Vườn cao su cổ thụ ở 100 Trần Hưng Đạo, phường Dương Đông vẫn còn khá nhiều - Ảnh: SƠN LÂM


Một vùng cao su quan trọng

Kết quả thực địa của chúng tôi xác định trước đây Phú Quốc có rất nhiều vườn cao su của các thương nhân Hoa kiều trồng khoảng sau thập niên 1930. Thế nhưng, lần dò trong một số phông tư liệu về cao su của người Pháp tại Đông Dương, chúng tôi biết thêm cao su Phú Quốc được trồng bài bản từ rất sớm.

Năm 1908, Công ty điều hành Phú Quốc được thành lập, văn phòng đăng ký tại Paris, công bố việc thành lập trên tờ Parisian Posters ngày 23-4-1908. Thời điểm thành lập đã có 100ha cao su trong 400ha đồn điền ở làng Cây Dừa, nam Phú Quốc.

Thời gian đầu, dường như lực lượng lao động địa phương không như mong đợi, cho nên Công ty Phú Quốc đã thử nghiệm nhập cư lao động nước ngoài. Bản tin Kinh Tế Đông Dương tháng 5-1910 cho biết cuối năm 1909, gần 300 người đã được tuyển dụng tại Batavia (Indonesia) và được đánh giá "mang lại kết quả xuất sắc..., lực lượng lao động này tỏ ra vượt trội hơn nhiều so với lực lượng sở tại Phú Quốc".

Ngày 1-1-1916 có thể xem là ngày "trọng đại" của Phú Quốc khi 1.000 cây cao su được đưa vào khai thác cạo mủ. Diện tích cao su ở Phú Quốc cũng tăng đều đặn hằng năm. Tháng 3-1920 khoảng 150ha. Cuối năm 1923 có 153ha, gồm 61.200 cây, 2.200 cây đang khai thác.

Năm 1926 có 202ha và công ty quy hoạch "có thể trồng 1.800ha cao su". Năm 1928, đồn điền có 300ha, và người ta đề ra chương trình khuyến nông trồng mới thêm 300ha cao su nữa.

: Một phần thân, gốc của một cổ thụ cao su đã chết ở phường An Thới, Phú Quốc, đằng sau là cây còn sống tươi tốt, cành lá sum suê - Ảnh: SƠN LÂM

Bản tin Kinh Tế Đông Dương ngày 19-1-1930 cho biết Công ty Phú Quốc sở hữu 3.500ha đồn điền gồm: cao su, dừa, bắp, tiêu và sắn. Bản tin này cũng công bố sản lượng cao su các năm: năm 1926 đạt gần 47,2 tấn; năm 1927 đạt gần 52,8 tấn; năm 1928 đạt hơn 62 tấn.

Đến tháng 11-1930, bản tin Les Annales thuộc địa cho biết lượng mủ năm 1929 là hơn 77,5 tấn, song giá chỉ còn 5.000 fr/tấn, giảm rất nhiều so với trước.

Năm 1930, sản lượng cao su giảm xuống còn 60 tấn. Sau đó, những khó khăn chồng chất, đồn điền ở Phú Quốc đã phải đóng cửa vào năm 1932. Về sau, đồn điền này tiếp tục thay tên đổi chủ, giai đoạn 1935 - 1941 lấy tên là Grandjean. Một số tư liệu cũng cho biết khoảng năm 1937, tỉnh Hà Tiên lúc ấy có 41 đồn điền cao su, chủ yếu tập trung ở Phú Quốc...

"Cao su đi đến đâu thì mở ra điện, đường, trường, trạm đến đó. Các đồn điền cao su là tiền đề để mở ra rất nhiều địa bàn dân cư đông đúc hiện nay".


>> Kỳ tới: Thị trấn cao su

Những vết sẹo từ việc khai thác cũ uốn vòng theo các lớp vỏ cây sần sùi dày cui đưa những tư liệu về việc phát triển cao su hơn một thế kỷ trước trở nên gần gũi hơn như chuyện vừa hôm qua.

Chia sẻ Facebook