125 năm cao su 'cho vàng' ở Việt Nam - Kỳ 1: Cao su cổ thụ giữa Sài Gòn
Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm cây cao su ngay từ... trung tâm Sài Gòn. Tất cả xuất phát từ một số thông tin xưa: TP.HCM ngày nay vốn được mở rộng chủ yếu trên những cánh rừng cao su.
Cây cao su được trồng ở Việt Nam từ năm 1897, đến nay tròn 125 năm góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước cho đến tận ngày nay. Quá trình du nhập, tồn tại và phát triển của ngành cao su - một ngành công nghiệp có bề dày văn hóa lịch sử - có rất nhiều dấu ấn, câu chuyện đặc biệt thú vị...
Thiệt lạ, thành phố lớn nhất đất nước này vốn hình thành từ ba trung tâm Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn, chứ vườn cao su nào vào đây? Vậy mà kết quả tìm kiếm thật quá bất ngờ...
Phú Nhuận là vườn cao su đầu tiên trồng thí nghiệm với quy mô lớn tại Việt Nam và Đông Dương. Chính nông dân Phú Nhuận là những phu đồn điền cao su đầu tiên chứ không như ta tưởng là những người công nhân cao su ở các đồn điền Lộc Ninh, Tây Ninh, Xuân Lộc...
Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Bất ngờ gặp "cụ" cao su
Những ngày đầu tháng sáu, trời Sài Gòn nắng rát, chúng tôi đi trên đường phố mà mắt cứ nhìn lên các tán cây hè phố hoặc đảo qua tầng xanh thấp thoáng trên các khu vườn. Chúng tôi cũng sục sạo trong các công viên khu vực trung tâm, kể cả đi sâu vào các hẻm nhỏ để tìm cây cao su. "Bim, bim..." - chiếc xe hơi đằng sau bấm còi hối thúc khi chúng tôi dừng lại trên đường Tú Xương, quận 3.
Đó là giây phút "đứng hình" khi nhìn vào giữa sân trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM với cây "cao su" vô cùng to lớn, mọc vút lên tận tầng 5, tầng 6 của tòa cao ốc. Nhìn kỹ lại thì cổ thụ đường kính gốc hơn 1,5m này hóa ra là cây trôm (lá hao hao cao su) chứ không phải cao su như chúng tôi ao ước tìm gặp. Đang hết sức thất vọng, tôi chợt nhìn qua cổ thụ dây leo quấn quanh ở góc bên, nhìn lên tán, rồi như muốn hét lên: đây rồi, một cổ thụ cao su.
Cây nằm sát cổng 81 Trần Quốc Thảo của Hội Văn nghệ, đường kính khoảng 1,5m và cao gần 20m, tán lá không quá rộng bởi cây cối xung quanh chen lấn. Để chắc ăn, chúng tôi dùng chìa khóa xe cạo thử lớp vỏ chết bên ngoài và "khoan" nhẹ, lớp mủ trắng ứa ra thành dòng.
Anh Vũ Kim Lai, người giữ xe, cho hay: "Không ai biết rõ tuổi của cây cao su này đâu, chắc là người ta trồng đâu thời trước, xưa lắm rồi". Anh Lai là người hiếm hoi biết đây là cây cao su, còn những người khác đều tròn xoe mắt khi hay thông tin.
TS Nguyễn Anh Nghĩa, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, cũng bất ngờ khi khu vực này còn sót lại cây cao su, cho dù ông cho biết chỗ Hội Văn nghệ ngày xưa nằm trong một vườn cao su rộng lớn. Quá trình xây dựng nhiều công trình đã lấn dần, cho đến khi cao su bị xóa xổ.
Thực ra, người dân đô thành Sài Gòn trước đây thường thấy bóng dáng cây cao su đâu đó trên nhiều hè phố, đến giai đoạn rất gần đây cũng còn thấy. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn cho biết trước năm 1975 cho đến cuối thập niên 1980, ông còn thấy nhiều cây cao su trồng trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, Tú Xương và các tuyến đường lân cận. Cao su tồn tại rất nhiều quanh khu vực Lữ Gia, sân Phú Thọ, Bảy Hiền...
Ông Sơn kể: "Hồi đó đi trên một số tuyến đường như Võ Thị Sáu đoạn cuối (gần vòng xoay Dân Chủ), Tú Xương và nhiều tuyến đường khác, tôi để ý thấy khá nhiều cây cao su, có những cây thân gốc to lớn, u nần trông rất đặc biệt".
Trong ký ức của TS Nguyễn Anh Nghĩa, thời còn nhỏ ông và đám bạn thường ra quanh trường đua Phú Thọ, vỉa hè Lữ Gia, Lý Thường Kiệt..., dùng vật cứng khắc vào gốc cao su cho ứa mủ rồi đưa vào tay vo dần thành những quả bi tròn làm đồ chơi.
Giai đoạn khốn khó sau năm 1975, hễ xe đạp xẹp lốp là người ta đem dao, rựa băm vào gốc cao su lấy mủ vá xe. Hình ảnh cây cao su rất đỗi quen thuộc với đời sống như thế cứ dần phai nhạt bởi đời sống thay đổi; lâu lâu có người rơi vào mối hoài niệm "một thời cao su" hoặc đi tìm có chủ đích như chúng tôi thì cây cao su trên hè phố Sài Gòn - TP.HCM trở thành dĩ vãng tự bao giờ.
Dấu vết những đồn điền xưa
Theo nhiều nguồn tư liệu của người Pháp, đất Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (TP.HCM ngày nay) nằm trong số những nơi trồng cao su sớm nhất ở Nam Kỳ. Ông Belland, một nhà tư bản Pháp (có thông tin ông là cảnh sát trưởng Sài Gòn) đã trồng ở đây những cây cao su đầu tiên vào năm 1898 (cũng có thông tin cho là năm 1897), và Phú Nhuận trở thành một trong những đồn điền cao su lớn. Đến năm 1908, cao su ở đồn điền Belland ở Phú Nhuận cho trích mủ...
Chúng tôi đến ngay công viên Gia Định, nơi mà cố nhà văn Lê Văn Nghĩa xác định: "Đồn điền cao su đầu tiên của Belland trở thành sân golf thời chế độ cũ và bây giờ đã trở thành công viên Gia Định".
Chúng tôi tản bộ dưới giàn dây leo, vừa đi vừa ngẫm ngợi nơi đây cả trăm năm trước những công nhân Việt có khi đang cạo mủ. Hồi đó không gian vườn rừng cao su chắc yên ắng tĩnh mịch lắm, không ồn áo náo nhiệt tiếng máy rú, còi xe vây quanh như bây giờ...
Đang chiều suy nghĩ, hướng nhìn bâng quơ, chợt hình ảnh một cây cao su đập vào mắt tôi. Nhìn kỹ lại, không tin ở mắt mình: đúng là một cổ thụ cao su.
Cây nằm ngay cạnh đường dạo công viên, cách đường Hồng Hà hơn chục bước chân và được đánh số 1099 bằng vôi trắng. Tôi lấy chìa khóa xe chọc thử, mủ trắng từ từ tứa ra, sau đó tuôn trào.
"Cụ" cao su này mọc tươi tốt, cao khoảng 20m, đường kính gốc khoảng 1,3m và dày đặc vết cạo chéo quanh thân, có thể là điều chứng minh đây là cây còn sót lại của đồn điền xưa...
Thông tin xưa cũng cho hay khoảng thập niên 1900, trên trục đường Lý Thường Kiệt từng có đồn điền cao su rộng lớn; đến cuối thập niên 1950, đoạn từ Trường ĐH Bách khoa đến ngã tư Bảy Hiền cao su vẫn còn bạt ngàn...
Chúng tôi cố gắng tìm kiếm rất nhiều khuôn viên công sở, các công viên, kể cả vườn nhà dân... nhưng không thấy. Cũng thật may khi vào một con hẻm Lý Thường Kiệt thuộc khu phố 1, phường 6 (quận Tân Bình), chúng tôi nhìn thấy mấy nhánh cao su vượt khỏi tường rào sà ra con lộ. Thì ra có đến bốn cây cao su nhiều năm tuổi, cao lớn, đường kính gốc chừng 70 - 80cm, nằm trong khuôn viên xưởng sản xuất Trung tâm hạ tầng mạng miền Nam thuộc VNPT. Phải chăng đây là hình ảnh còn sót của cao su thế hệ 1950?
Ra xa hơn nữa, tôi tìm đến trụ sở Trung tâm văn hóa thể thao Tân Thới Hiệp (quận 12) - nơi tồn tại một vườn cao su khá rộng. Bà Nguyễn Thị Vân, sống gần trung tâm, cho biết gia đình đến đây năm 1998, khi ấy vườn cao su trải dài và một số hộ dân còn cạo mủ vào những thùng nhựa đem bán. Về sau, người ta phá một phần làm trụ sở UBND phường Tân Thới Hiệp, trụ sở Công an quận 12 và trụ sở trung tâm văn hóa này, diện tích cao su thu hẹp dần.
Hiện tại, trong khuôn viên trung tâm này còn vài chục cây với đường kính gốc khoảng 50 - 60cm, trong tình trạng không ai khai thác mủ, có vài cây chết khô, một số vừa bị đốn chặt ngang thân...
Thật kỳ lạ, tại Thảo cầm viên Sài Gòn hiện còn một cổ thụ cao su rất đặc biệt, hoàn toàn có thể thuộc "đời đầu" của cao su Việt Nam.
Kỳ tới: Ở “đất tổ” cao su Thảo cầm viên
Kể từ ngày có điểm thi, đã mấy đêm liền Thảo không ngủ. Ở trang cuối cùng trong cuốn sổ cũ kỹ mà Thảo vẫn hay kê đầu giường, nỗi trăn trở, ngập ngừng về tháng ngày lên TP.HCM nhập học, nhiều chữ nhòe đi vì nước mắt.