12 kỹ năng hữu ích bạn cần truyền lại cho thế hệ trẻ

Chia sẻ Facebook
12/08/2023 14:55:10

Nhiệm vụ của chúng ta là truyền lại cho thế hệ trẻ những kỹ năng quý giá để chúng tự tin lớn lên và phát triển.

Sống trong thế giới công nghệ, những người trẻ tuổi thường không quan tâm đến các kỹ năng như làm vườn, sửa xe đạp, sử dụng tuốc nơ vít. Nếu chúng ta không truyền lại kinh nghiệm cho con cháu của mình thì ai sẽ làm đây?

(Ảnh: takayuki/ Shutterstock)


Mỗi người trong chúng ta đều là một cuốn bách khoa toàn thư đã trau dồi và trải nghiệm rất nhiều kiến thức hữu ích. Nhiệm vụ của chúng ta là truyền lại cho thế hệ trẻ những bài học quý giá để chúng tự tin lớn lên và phát triển.

1. Nấu ăn


Thế hệ trẻ trong gia đình bạn có biết nấu ăn hay nướng một ổ bánh mì không? Đằng sau các món ăn thường ẩn chứa những câu chuyện liên quan đến lịch sử và truyền thống gia đình. Vậy nên bạn đừng quên dạy con cháu mình những công thức đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Nấu ăn cũng là một kỹ năng cần thiết để con người có thể tự chăm sóc bản thân và những người xung quanh.

2. Kể chuyện


Ngay từ khi còn nhỏ, bạn đã được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị do ông bà, cha mẹ bạn kể lại. Qua thời gian, chính bạn cũng góp nhặt thêm rất nhiều câu chuyện mới và tiếp tục truyền lại cho con cháu của mình. Đừng để những câu chuyện ấy bị mai một. Bạn hãy lưu lại chúng bằng văn bản để chia sẻ cho các thành viên trong gia đình. Hoặc táo bạo hơn, bạn có thể xuất bản chúng thành sách.

3. Sử dụng dụng cụ cầm tay

Hãy cho trẻ nhiều cơ hội hơn để thử. (Ảnh: NARONG JHANWATTANA/ Shutterstock)


Bạn nên dạy cho lớp trẻ trong gia đình cách sử dụng tuốc nơ vít, búa hoặc các công cụ cầm tay khác. Đó là những kỹ năng cơ bản, hữu ích theo suốt cuộc đời con người, thậm chí còn có thể dẫn đến cơ hội làm ăn tốt.


Ban đầu, con của bạn có thể sẽ thấy bực bội vì không biết dùng bao nhiêu lực là đủ, đánh dấu rồi lại mất dấu, mọi thứ cứ rối tung hết lên. Hãy động viên chúng. Bất cứ ai cũng đều phải luyện tập chăm chỉ thì mới sử dụng thành thạo được các công cụ này.

4. Làm vườn


Để có thể trở thành một người làm vườn giỏi, bạn cần phải đầu tư thời gian, sự kiên nhẫn và trau dồi kiến thức không ngừng.


Khi làm vườn, bạn sẽ có cơ hội tận hưởng không khí trong lành, ánh nắng ấm áp, thực hành kỹ năng chăm sóc cây cối.


Những đứa trẻ trong gia đình bạn cũng nên được tiếp xúc với thế giới bên ngoài như vậy. Hãy bắt đầu bằng cách dẫn chúng vào vườn và dạy chúng cách trồng một số loại hoa, loại rau đơn giản.

5. Sửa nhà


Ngày nay, trường học không còn dạy những kỹ năng thực tế như xử lý bồn cầu tắc, sơn phòng, thay lốp hoặc sửa xích xe đạp nữa. Nếu bạn không dạy cho thế hệ trẻ thì ai sẽ dạy đây? Hãy lập danh sách những việc bạn biết làm và dần dần truyền thụ lại cho con cháu trong gia đình nhé.

6. Làm đồ thủ công

(Hình ảnh: Alex Green qua pexels)


Nếu bạn biết đan, móc, thêu, may vá hoặc làm các nghề thủ công thì đừng quên truyền lại cho con cháu mình. Những kỹ năng này không chỉ tạo ra những sản phẩm thiết thực, đẹp mắt, mà còn giúp con cháu bạn cải thiện khả năng phối hợp tay mắt và kỹ năng vận động tinh. Bạn có thể dạy chúng cả những kỹ năng như làm xà phòng, pha chế thảo dược, chế biến gỗ để buổi học thủ công thêm phong phú.

7. Cách cư xử


“Đừng chống khuỷu tay vào bàn”, “Đừng vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói”, “Phải chào hỏi khi gặp người lớn”… Dù bao nhiêu thời gian trôi qua, những nguyên tắc cư xử lịch sự, tử tế vẫn sẽ luôn tồn tại. Bạn đừng quên dạy con cháu mình cách tôn trọng và quan tâm đến người khác. Những kỹ năng này rất cần thiết để chúng tạo ấn tượng lâu dài trong xã hội và môi trường làm việc.

8. Kỹ năng ngoài trời


Trong thế giới hiện đại, ngày càng có ít trẻ em được trải nghiệm các hoạt động mạo hiểm như cắm trại, câu cá, du lịch bụi, nấu ăn trên lửa trại. Đó là lý do tại sao các em thường cảm thấy sợ hãi sự bao la, tĩnh mịch của thiên nhiên. Nếu bạn không truyền lại những kỹ năng và kiến thức về thế giới tự nhiên cho chúng thì ai sẽ làm đây?

9. Chăn nuôi


Trẻ em bị thu hút bởi động vật một cách tự nhiên. Vậy nên bạn hãy dạy cho chúng cách chăm sóc các loài vật như gà, dê, ong mật, vịt để khơi gợi tinh thần trách nhiệm và lòng trắc ẩn. Qua thời gian, các em sẽ học được cách tôn trọng nhu cầu và cảm xúc của những người xung quanh.

10. Kỹ năng âm nhạc


Nếu bạn thích âm nhạc hoặc thậm chí còn biết chơi đàn, ca hát, thì hãy truyền lại kỹ năng đó cho thế hệ trẻ trong gia đình của mình. Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể tiếp xúc với âm nhạc. Các lớp học nhạc thường rất đắt đỏ nên nếu bạn tự dạy cho con thì sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí lớn. Đây cũng là hoạt động thú vị giúp các thành viên trong nhà gắn bó với nhau hơn.

11. Khám phá thiên nhiên

(Ảnh: Gorodenkoff/ Shutterstock)


Đi dạo trong công viên, ngắm chim, nhận dạng cây cối, tìm hiểu sự khác biệt giữa sóc và sóc chuột – bạn đừng bao giờ quên dạy cho con cháu kỹ năng quan sát và tình yêu thiên nhiên. Bạn hãy khuyến khích các em đặt điện thoại xuống và bước ra ngoài để tận hưởng thiên nhiên. Thói quen này sẽ giúp các em khơi dậy tính sáng tạo và tò mò.

12. Văn hóa truyền thống


Mỗi đứa trẻ đều được sinh ra với một di sản phong phú về nền văn hóa, nhưng rất hiếm khi chúng tìm hiểu về những kiến thức này. Bạn hãy chủ động chia sẻ cho con cháu những thông tin về nguồn gốc gia đình, ngôn ngữ, phong tục và các ngày lễ đáng nhớ.


Minh Minh/ Theo Theepochtimes

5 phương pháp hữu hiệu rèn luyện tính kiên nhẫn cho trẻ Thực tế mà nói, nhiều người cho rằng nhẫn nại ở người trưởng thành còn khó làm, huống hồ là trẻ nhỏ.

Chia sẻ Facebook