12 kiêng kỵ khi dùng đũa trong lễ nghi ẩm thực

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 14:40:07

Dùng đũa ăn cơm là truyền thống lâu đời của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Ngày nay, một số lễ nghi cổ xưa trên bàn ăn đã bị mai một và không còn được coi trọng, nhưng vẫn còn có những quy tắc dùng đũa trên bàn ăn nhất định không thể xem nhẹ.

(Ảnh minh họa: Dragon Images, Shutterstock)

1. Đặt đũa dài ngắn, không đồng đều trên bàn ăn


Trước và trong khi dùng cơm, không nên đặt đũa dài ngắn, không đồng đều ở trên mặt bàn. Người xưa có câu “tam trường lưỡng đoản” (ba dài hai ngắn), với hàm ý là chuyện không may xảy ra, thường có liên quan đến việc tang sự. Thời xưa quan tài thường được tạo thành bởi 5 tấm ván gỗ dài ngắn khác nhau (2 tấm ván gỗ ngắn, 3 tấm ván gỗ dài). Do đó, người ta kiêng kỵ việc đặt đũa dài ngắn trên bàn ăn, vì đó là điềm xấu, cần phải tránh.

2. Ngón trỏ chỉ ra ngoài khi cầm đũa

Khi cầm đũa, tay của một số người có ngón cái, ngón giữa, ngón áp út, ngón út cầm đũa, còn ngón trỏ lại chìa ra ngoài. Cầm như vậy giống như là đang không ngừng chỉ tay vào người khác, gây khó chịu cho người khác. Bởi vì hành động chỉ tay như vậy mang ý tứ chỉ trích, trách mắng, dạy bảo người khác. Ngoài ra, khi nói chuyện trong bữa ăn mà dùng đũa chỉ vào người khác cũng là hành vi vô cùng thất lễ.

3. Ngậm đũa, cắn mút đũa

Khi ăn mà đem đũa ngậm trong miệng, dùng miệng cắn gặm qua lại, thi thoảng còn phát ra tiếng động thì bị coi là hành vi khuyết thiếu giáo dưỡng. Ngoài ra, hành vi này và âm thanh mà nó phát ra cũng khiến người khác cảm thấy khó chịu và phản cảm.

4. Dùng đũa gõ vào bát

Dùng đũa gõ vào bát là cách làm của người đi ăn xin thời xưa. Âm thanh ấy cùng với âm thanh năn nỉ sẽ khiến người đi đường chú ý mà bố thí cho chút ít. Cho nên khi ăn cơm mà dùng đũa gõ vào bát thì bị coi là thất lễ.

5. Dùng đũa khua khoắng trong mâm cơm

Khi ăn cơm, cầm đũa trong tay khua khoắng qua lại các đồ ăn trong mâm cơm, không biết nên hạ đũa gắp món nào cho thỏa đáng thì bị coi là hành vi của người không có tu dưỡng. Hơn nữa, hành vi ấy thể hiện việc không coi ai ra gì.

6. Dùng đũa gẩy đồ ăn


Khi ăn cơm mà cầm đũa trong tay không ngừng gẩy đồ ăn, tìm miếng ngon mà mình ưa thích thì thể hiện ra sự ích kỷ. Miếng mình đẩy ra đột nhiên cũng trở thành “đồ thừa” , người khác gắp vào thành ra là ăn đồ thừa. Bởi thế đây là việc làm rất thất lễ.

7. Làm vương vãi thức ăn

Khi ăn, dùng đũa gắp thức ăn mà không được gọn gàng, gắp món này làm vương vãi sang món khác, làm vương vãi trên bàn thì bị coi là không có giáo dưỡng. Thông thường nguyên nhân là bởi vì không biết cách gắp, hấp tấp, gắp quá nhiều. Đây đều là những điều cần tránh.

(Ảnh minh họa: Kazoka, Shutterstock)

8. Dùng đũa chiếc ngược chiếc xuôi


Khi ăn mà dùng đũa ngược đầu nhau thì bị ví như “bụng đói ăn quàng” . Bởi vì khi bụng đói, người ta thường không còn nhớ đến phép tắc, lễ nghi hay thể diện, cái gì cũng không để ý.

9. Dùng một chiếc đũa gẩy đồ ăn

Khi ăn cơm mà dùng một chiếc đũa gẩy vào đĩa thức ăn là điều rất không nên. Bởi vì đây là đĩa chung, là thức ăn chung, mà bị gẩy như thế thì tương đương với sỉ nhục những người cùng bàn.

10. Cắm đũa vào bát cơm

Theo tục lệ truyền thống thì khi thắp hương cho người chết người ta mới cắm hương vào bát. Nếu đem một đôi đũa cắm vào bát cơm thì chẳng khác gì là cúng cơm cho người chết. Vậy nên, cắm đũa vào bát cơm, lại còn đưa cho người khác là hành vi tuyệt đối không nên làm.

11. Đặt đũa chéo nhau

Đặt đũa chéo nhau thông thường mang ý phủ nhận. Ở phương Tây, người ta có cách đặt thìa, dĩa sau khi ăn xong như vậy để thể hiện rằng thức ăn của nhà hàng làm không được ngon. Người phương Đông thì thường ý tứ hơn nữa, không muốn làm ký hiệu như vậy. Ngoài ra việc đặt đũa chéo lên nhau như thế làm người ta có cảm giác không được gọn gàng, gây cảm tưởng bừa bãi.

12. Đánh rơi đũa xuống đất


“Lạc địa kinh Thần” , ý là đánh rơi đũa xuống đất là thất lễ, vì người xưa cho rằng tổ tiên đều an nghỉ dưới đất, không nên quấy rầy. Ngày nay, khi làm rơi đũa xuống đất, người ta cũng thường không dùng được đôi đũa đó nữa, và có thể người khác phải đứng dậy để lấy đũa mới, gây bất tiện cho bữa cơm của người khác.

Một đôi đũa nhỏ bé nhưng cách dùng nó lại bao hàm những quy tắc chi tiết như vậy. Điều này không chỉ là lễ nghi bề mặt, mà cũng bao hàm việc giáo dưỡng, tôn trọng người khác, tôn trọng bản thân, tôn kính tổ tiên.


Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook