12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương hiện giờ ra sao?
12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương hiện giờ ra sao?
Cụ thể, 12 dự án yếu kém của ngành công thương gồm có: Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2- Lào Cai; Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam.
Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1468 của Thủ tướng về khắc phục, xử lý tình trạng của các dự án, Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém đã thống nhất đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Cụ thể, 5 dự án đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ.
Trong đó, Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ hoạt động cơ bản ổn định, các phân xưởng đưa vào vận hành toàn bộ dây chuyền. Doanh nghiệp bắt đầu có lãi, tuy nhiên lãi không lớn. Bên cạnh đó, những dự án còn lại vẫn đang được xử lý tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Tại toạ đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 5/4, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nhấn mạnh rằng, việc đưa 5 dự án đưa ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo là cả một quá trình dài.
Hiện nay, 5 dự án đã không còn vướng mắc về cơ chế chính sách, đều bám sát các mục tiêu cụ thể là khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi. Còn các dự án không còn khả năng khắc phục vì các lý do như sản phẩm đưa ra không còn thị trường, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu thì sẽ xử lý tài chính, cơ cấu vốn, giải pháp cuối cùng là phá sản.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, nguyên nhân được nhận diện là tồn tại về tài chính để lại quá lớn, tổng mức đầu tư hầu hết phải điều chỉnh lên cao so với dự toán ban đầu. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu bằng nguồn vay với lãi suất cao, khi đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo thì đã thua lỗ nặng nề.
Theo Văn Minh
Doanh nghiệp và Tiếp thị