1/10 người môi giới bất động sản chưa có chứng chỉ
Đó là thông tin do ông Nguyễn Văn Đính, chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, đưa ra tại tọa đàm "Vai trò nhà môi giới bất động sản trong xu thế mới" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tổ chức sáng 30-3.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, thống kê sơ bộ cả nước có hơn 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản. Trong đó, số người môi giới có chứng chỉ hành nghề khoảng 30.000.
Tuy nhiên các chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định cũ đã hết hiệu lực. Hiện nay số chứng chỉ được cấp lại theo quy định mới chỉ vào khoảng 10.000 trường hợp.
"Hiện tại số người mong muốn được sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề rất nhiều nhưng việc cơ quan chức năng các địa phương tổ chức cấp lại diễn ra khá chậm và còn khó khăn. Tôi mong rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét việc giao cho Hội Môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề để người hành nghề môi giới được chuyên nghiệp hơn, chấp hành pháp luật tốt hơn. Bởi lẽ người hoạt động không có chứng chỉ cũng tiềm ẩn các nguy cơ về thiếu tuân thủ pháp luật, gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản cũng như của khách hàng" - ông Đính nói.
Theo Hội Môi giới bất động sản, thời gian vừa qua tại một số địa phương như Bình Phước, Quảng Trị... đã diễn ra một số hoạt động môi giới bất động sản kiểu "tự phát", không tuân thủ pháp luật về đất đai và kinh doanh bất động sản, phân lô đất nông nghiệp, quảng cáo không đúng sự thật... gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho khách hàng, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của lực lượng hoạt động môi giới chuyên nghiệp.
Góp ý tại tọa đàm, ông Trương Anh Tú, tổng giám đốc Công ty cổ phần Property X, khẳng định bên cạnh một số "con sâu" thì phải thừa nhận ở góc độ tích cực lực lượng môi giới có vai trò quan trọng trong việc kết nối nhu cầu rất thực của những người mong muốn sở hữu đầu tư, đầu cơ…
Chính người môi giới góp phần tạo nên thị trường bất động sản. Nhiều cá nhân, tổ chức hành nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam đã khẳng định được vị thế, uy tín của mình ở trong nước cũng như khu vực.
Theo ông Tú, đ ể hoạt động môi giới dần dần đi vào quy củ hướng đến chuyên nghiệp và thị trường bất động sản được minh bạch thì cần hành lang pháp lý, bổ sung quy định pháp luật điều chỉnh theo hướng tăng các biện pháp giám sát của cơ quan chức năng và quyết liệt chế tài.
Nhiều đại biểu dự tọa đàm góp nhiều ý kiến nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn, chuyên môn của người hoạt động môi giới cũng như hoạt động môi giới; cần có hành lang pháp lý để thị trường bất động sản được minh bạch, tránh việc "thổi giá", thao túng thị trường...
Góp ý tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho hay Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có hoạt động môi giới vào Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Trong đó sẽ cần xác định rõ vai trò nhà môi giới trong thị trường bất động sản thế nào? Kỹ năng hành nghề của người môi giới, đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ ra sao? Quy tắc ứng xử, đạo đức hành nghề của nghề môi giới cũng như m ối quan hệ giữa người môi giới với các chủ thể khác...
Ông Khởi cũng thông tin thêm, vừa qua Chính phủ ban hành 2 nghị định gồm nghị định số 02 (hướng dẫn chi tiết một số điều Luật kinh doanh bất động sản) và nghị định 16 (về xử phạt chính trong lĩnh vực xây dựng).
Đây là 2 nghị định quan trọng điều chỉnh hoạt động môi giới bất động sản mà người môi giới cần biết. Hai nghị định này quy định cụ thể điều kiện bất động sản được đưa vào kinh doanh, điều kiện năng lực tài chính chủ đầu tư và xử phạt (tăng gấp 3-4 lần mức phạt so với trước) đối với các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh, môi giới bất động sản.
Một số thông tin, hình ảnh không hay gần đây đã tạo ra góc nhìn thiếu thiện cảm về ngành môi giới bất động sản (BĐS) ở Việt Nam. Thanh lọc những người làm nghề này, cách nào?