11 địa phương và 4 bộ ngành đề nghị trả lại hơn 5,2 nghìn tỷ đồng vốn ODA
11 địa phương và 4 bộ ngành đề nghị trả lại hơn 5,2 nghìn tỷ đồng vốn ODA
Từ năm 2020, lần đầu tiên xuất hiện tình trạng một số bộ, ngành, địa phương đã trả lại vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã đăng ký, được giao. Tình trạng này vẫn tiếp diễn trong năm 2021.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là một trong những bộ ngành trả lại kế hoạch vốn ODA năm nay với hơn 19 tỷ đồng. Nếu theo đúng tiến độ, Bộ phải phê duyệt kế hoạch đấu thầu trước 20/6, nhưng đến nay các đơn vị trực tiếp thực hiện dự án ODA chưa trình được kế hoạch đấu thầu.
"Tính tích cực của các chủ đầu tư, trong đó có Ban quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; sự phối hợp giữa ban quản lý, tổng cục giáo dục nghề nghiệp với các chủ đầu tư là các trường được thụ hưởng dự án này cũng chưa thực sự nhịp nhàng. Vì vậy nó ảnh hưởng đến tiến độ chung", ông Phạm Quang Phụng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết.
Trong danh sách báo cáo trả lại kế hoạch vốn năm nay còn có nhiều cái tên như: Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lại hơn 250 tỷ, Cần Thơ trả lại hơn 1.000 tỷ, Quảng Ninh 322 tỷ…
Việc xây dựng kế hoạch vốn được thực hiện từ quý 3 năm trước, đủ thời gian để chuẩn bị cho các dự án nhận vốn của năm. Tuy nhiên việc trả lại kế hoạch vốn cho thấy một phần công tác chuẩn bị là chưa tốt.
"Cứ xin được dự án về địa phương mình, bộ mình là tốt và thế là cố gắng xin. Rõ ràng chúng ta thấy việc chuẩn bị đầu tư các dự án của các bộ ngành, địa phương rất sơ sài, cốt là làm sao để xin được nên khâu thiết lập các dự án sơ bộ cho đến dự án tiền khả thi và khả thi nó chưa đâu vào đâu", GS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, đánh giá.
Trong khi nhiều nơi trả lại vốn ODA, cũng có không ít nơi khác xin thêm vốn.
"Phần vốn trả lại chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho các dự án mới. Các dự án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc Quốc hội cho phép sử dụng vốn ODA", ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Vốn sẽ được xử lý, nhưng điểm khác biệt lớn nhất so với trước là từ năm 2022, sau khi Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, bộ ngành xin trả lại kế hoạch vốn ODA sẽ bị điều chuyển vốn và giảm vốn trong kế hoạch vốn trung hạn.