100 USD/thùng sẽ là đáy cản của giá dầu?
Giá dầu có thể đã xác lập được mức đáy hỗ trợ bất chấp những biến động mạnh gần đây do lo ngại về suy giảm kinh tế tại Trung Quốc bắt nguồn từ các lệnh phong tỏa chống COVID-19.
Giá dầu biến động mạnh trong thời gian qua, do lo ngại triển vọng tăng trưởng xấu đi, làm giảm cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc. Nhưng 100 USD/thùng dường như là đáy cản cứng của dầu mỏ.
Nguy cơ giảm giá từ yếu tố Trung Quốc được trung hòa bởi lệnh trừng phạt dầu thô chống Nga mà Liên minh châu Âu đang thảo luận trong nội khối. Nếu lệnh này được triển khai trên thực tế, thị trường dầu mỏ sẽ mất đi nguồn cung khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày từ Nga vào cuối năm nay. Thậm chí có rất ít nguồn cung có thể thay thế quy mô lớn như vậy.
Một yếu tố khác giúp dầu thô duy trì đà tăng là quan điểm và điều hành chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác OPEC+. Cho đến thời điểm này, OPEC+ vẫn bảo lưu quyết định không tăng sản lượng đủ đề bù vào lượng thiếu hụt do đứt gãy nguồn cung từ Nga.
Nói một cách khách quan, đây không phải là quyết định có chủ đích của mọi thành viên trong nhóm. Trên thực tế, nhiều nước thành viên OPEC đang phải vật lộn với nhiều vấn đề để duy trì, thúc đẩy sản lượng, đó là Libya với bất ổn chính trị hay tại Nigeria với những vấn đề về kỹ thuật.
Kết quả là thị trường dầu mỏ bước vào một trạng thái bình thường mới. Theo John Kemp của Reuters, các quỹ đầu tư mạo hiểm đã giảm cường độ mua bán dầu mỏ, sản phẩm xăng dầu với chỉ 7 triệu thùng được mua trong sáu hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trong tuần đầu của tháng 5 này.
Các hạn chế liên quan đến Covid đã được thực hiện trên hơn một chục thành phố lớn ở Trung Quốc, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải. Ngoài việc làm dấy lên lo lắng về nhu cầu, các đợt ngừng hoạt động đang góp phần làm suy giảm thêm chuỗi cung ứng toàn cầu đã bắt đầu trong năm đầu tiên của đại dịch. Điều này làm đè nặng lên giá dầu.
"Phong tỏa phòng chống COVID-19 đang tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ, với làn sóng bán tháo dầu thô cùng với nhiều mặt hàng khác trên thị trường giao dịch hàng hóa", Andrew Lipow – chuyên gia tại Lipow Oil Associated trả lời phỏng vấn.
Mặt khác, chuyên gia Bjørnar Tonhaugen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, cho rằng lệnh cấm vận dầu thô của EU sẽ kích hoạt một cơn địa chấn trên thị trường dầu mỏ châu Âu và toàn cầu, với việc dự kiến có khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày mà EU nhập khẩu từ Nga sẽ bị loại khỏi thị trường.
Giới chức Nga cho biết sản lượng dầu thô khai thác của nước này trong tháng 5 đã hồi phục trở lại. Hãng thông tấn TASS ngày 9/5 dẫn lời Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết sản lượng dầu thô của Nga đã giảm nửa triệu thùng/ngày trong tháng 3, và giảm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 4.
"Nhìn vào số liệu của đầu tháng 5, có thể thấy tình hình tốt hơn so với tháng 4, sản lượng tăng so với tháng 4. Chúng tôi tin tưởng vào việc khôi phục một phần trong tháng 5 và điều đó sẽ tốt hơn", ông Novak nói.
Thị trường giờ đây chịu chi phối nhiều hơn bởi hành vi mua bán của các quỹ đầu cơ trên thị trường cũng như những dịch chuyển của giá dầu xuất phát từ những cơn sóng mạnh mẽ khác, như triển vọng tăng trưởng kinh tế suy giảm tại Trung Quốc.
Điều này cho thấy giá dầu thô ngọt nhẹ Tây Texas (WTI) nhiều khả năng sẽ duy trì mức giá trên 100 USD/thùng trong ngắn hạn và trung hạn. Sẽ rất khó xuất hiện những đợt biến động mạnh tạm thời về giá, như từng diễn ra sau khi Nhà Trắng công bố kế hoạch xuất kho dầu dự trữ ở mức kỷ lục, động thái khiến dầu WTI rời xa mốc 100 USD/thùng.
Trong khi đó, EU sẽ phải nỗ lực giải quyết bất đồng nhằm thống nhất áp lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Nga. Hungary và Slovakia hiện đưa ra nhiều yêu sách đòi EU nhượng bộ lớn hơn, với thời gian ngừng hoạt động kéo dài để họ có hơn một năm giảm bớt hoạt động mua dầu của Nga cùng các điều khoản miễn trừ khác. Bulgaria cũng gia tăng áp lực với Brussels khi tuyên bố sẽ phủ quyết lệnh cấm nếu không được đưa vào danh sách miễn trừ ở thời điểm hiện tại.
Liên minh châu Âu (EU), đã từng rất do dự trong việc cấm năng lượng của Nga, hiện đang thực hiện các bước để ngăn chặn dòng chảy dầu và các sản phẩm tinh chế của Nga đến hầu hết các quốc gia thành viên trong năm nay khi cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Nếu khối này nhất trí được một lệnh cấm vận như vậy, điều đó sẽ "tấn công" thẳng vào trọng tâm của nền kinh tế Nga - vốn đang tiếp tục thu lợi nhuận từ lĩnh vực năng lượng khổng lồ của mình.
Mỹ, Canada, Vương quốc Anh và Australia đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, và Nhật Bản cho biết họ sẽ hành động tương tự "về nguyên tắc" sau cuộc họp G7 vào cuối tuần qua. Điều đó, nếu kết hợp với lệnh cấm vận của EU, sẽ khiến khoảng một nửa nền kinh tế toàn cầu hạn chế đối với dầu mỏ của Nga.
Moscow sẽ không bị tê liệt chỉ sau một đêm. Các quốc gia như Ấn Độ vẫn tận dụng các đợt giá dầu Nga giảm sâu để tiếp tục mua hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày từ nước này. Và các khoản thu nhập từ thuế của Điện Kremlin đã tăng nhanh do sự gia tăng tổng thể giá cả trên toàn cầu do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Nhưng theo thời gian, việc mất châu Âu - điểm đến của hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga - sẽ giáng một đòn mạnh vào Điện Kremlin, làm giảm doanh thu của Chính phủ do các lệnh trừng phạt khắc nghiệt khác ngày càng gia tăng. Điều đó sẽ khiến quốc gia này phải vật lộn để tìm đủ khách hàng mới lấp đầy khoảng trống mà EU rút đi. Cơ quan Năng lượng Quốc tế và các nhà phân tích khác dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm mạnh.
Tham khảo: Oil Prices