100 năm, nhớ Bùi Xuân Phái

Chia sẻ Facebook
23/06/2022 13:49:35

Từ tranh lớn cho đến tranh nhỏ, từ bút tích cho đến những đồ vật như ly rượu, chiếc đồng hồ, triển lãm ‘Nhớ hoạ sĩ Bùi Xuân Phái’ hệt như một cuốn phim đưa người xem ngược lại thời gian để nhìn thấy một Bùi Xuân Phái tự tại trên những đường nét

Triển lãm Nhớ hoạ sĩ Bùi Xuân Phái là triển lãm nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố hoạ sĩ - Ảnh: TRẦN MẶC


Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái là triển lãm nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988), diễn ra từ ngày 24-6 đến hết 4-7 tại 357/2 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 1, quận Tân Bình, TP.HCM. Triển lãm đã dự kiến khai mạc vào 1-9-2020 (đúng ngày sinh của ông), nhưng vì lý do dịch bệnh nên đã dời lại cho đến nay.

Tại triển lãm trưng bày nhiều bức vẽ lớn nhỏ của ông, với khoảng 35 tranh sơn dầu và 25 tranh bột màu. Phần lớn những tác phẩm đến từ bộ sưu tập của gia đình họa sĩ và nhà sưu tầm Trần Hậu Tuấn. Đa số bức tại triển lãm lần đầu được công bố trước công chúng.

Bên cạnh đó, triển lãm còn tập hợp những hiện vật đã gắn với cuộc đời họa sĩ, từ ghi chép, bản phác thảo cho đến các kỷ vật của Bùi Xuân Phái, phần nào giúp khán giả hiểu thêm những tâm tư, tình cảm cùng nền tảng đầu tiên cho việc hình thành những tác phẩm sau này của ông.


Chia sẻ tại buổi họp báo vể triển lãm ngày 22-6, họa sĩ Lê Đại Chúc nói rằng Bùi Xuân Phái là một trong những người ông "yêu" nhất: "Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những danh họa mà tôi phải dùng chữ yêu vì có những người mình kính chứ không yêu. Riêng bác thì tôi vừa yêu vừa kính".

Họa sĩ Lê Đại Chúc cho rằng phải có tình yêu thuần khiết thì mới có thể đưa ra được nghệ thuật thuần khiết. Và nghệ sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người như thế.

Những đồ vật đã gắn với cuộc đời cố hoạ sĩ

Với công chúng, dường như cái tên Bùi Xuân Phái gắn liền với "phố Phái". Họa sĩ Nguyễn Quân cho rằng điều ấy không sai, nhưng tầm cỡ của Bùi Xuân Phái không phải chỉ nằm ở chỗ giúp mọi người cảm đường nét phố phường Hà Nội mà còn rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều.

Với ông, Bùi Xuân Phái không chỉ là Phái phố, không chỉ có Hà Nội. "Tôi nghĩ việc chúng ta cứ gán cho ông cái tính dân tộc và công lao của ông đối với Hà Nội thì đã vô hình trung hạn hẹp và không sâu sắc bằng chính nghệ thuật của ông ấy. Ông ấy còn là chèo, là biển Đà Nẵng, là phố Sài Gòn" - họa sĩ Nguyễn Quân chia sẻ.

Bùi Xuân Phái đã vẽ như một lẽ sống, cặm cụi và chăm chỉ đến cuối đời - Ảnh: TRẦN MẶC

Do vậy, đến với Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái, người xem không chỉ thấy phố, thấy tranh, mà còn thấy cả cuộc đời của người họa sĩ. Từ những đồ vật con con gắn với đời sống hằng ngày như ly rượu, chiếc đồng hồ, cho đến hộp họa cụ đựng những màu, những chiếc bút đã mòn theo thời gian.

Người xem thấy ông như hiện diện đâu đây, trên những nét vẽ, trên những dòng ghi chép. Họ cũng đau đáu về những bản phác thảo cuối cùng của ông trên giường bệnh, trên bức tranh vẽ người vợ còn dang dở.


2 quyển sách về họa sĩ Bùi Xuân Phái

Sinh thời, Bùi Xuân Phái chỉ có một triển lãm cá nhân vào năm 1984. Sau khi họa sĩ qua đời, gia đình và giới nghệ thuật tổ chức triển lãm tranh của ông khoảng 15 lần.

Trong đó, số lần gia đình làm với các nhà sưu tập như Phạm Văn Bổng, Trần Hậu Tuấn, Bùi Quốc Chí… là 9 lần, đều có tên là Triển lãm những tác phẩm chưa trưng bày, từ lần 1 vào năm 1989. Đến triển lãm thứ 10 đã được đổi thành Nhớ họa sĩ Bùi Xuân Phái.


Nhân sự kiện kỷ niệm, NXB Trẻ cũng phát hành 2 quyển sách về họa sĩ Bùi Xuân Phái: Hội họa Bùi Xuân Phái và tôi do Trần Hậu Tuấn viết, gồm 12 tùy bút kèm theo một số tranh của họa sĩ; Bùi Xuân Phái - Con mắt của trái tim gồm 25 bài viết của 14 nhà nghiên cứu và phê bình, nhà sưu tập tranh, văn nghệ sĩ như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Thái Bá Vân...


Một số hình ảnh khác trong triển lãm:

Hôm nay (1-9), kỷ niệm 100 năm sinh danh họa Bùi Xuân Phái, Công ty Tem Việt Nam phát hành tại 130 quốc gia con tem kỷ niệm dịp đặc biệt này.

Chia sẻ Facebook