10 triệu m3 cát được đề nghị cung ứng gấp cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Nếu được 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long chấp thuận, 10 triệu m3 cát san lấp mới chỉ đáp ứng được hơn 55% tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường cho dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải- GTVT) vừa có văn bản gửi Cục Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về việc phân bổ nguồn cát (san lấp) cho dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo tính toán của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tổng nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau khoảng 18,07 triệu m3, trong đó riêng trong năm 2023, nhu cầu cát đắp là 9,1 triệu m3.
Hai dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau đã thi công từ ngày 1/1/2023. Các đơn vị thi công đã huy động máy móc, thiết bị và tiến hành đào bóc hữu cơ trên toàn tuyến nhưng 4 tháng trôi qua vẫn chưa có nguồn cát san lấp để đắp nền.
Tháng 2/2023, Bộ GTVT đã có công văn gửi UBND các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp, đề nghị 3 tỉnh này bố trí nguồn vật liệu cát cho dự án. Trong đó, tỉnh An Giang được đề nghị bố trí khoảng 7 triệu m 3 , tỉnh Đồng Tháp khoảng 7 triệu m 3 , và tỉnh Vĩnh Long khoảng 5 triệu m 3 cát.
Đến nay các địa phương trên mới có kế hoạch dự kiến cung cấp cho dự án khoảng 3 triệu m 3 và đều đang trong quá trình làm thủ tục tăng công suất mỏ đang khai thác, mở mỏ mới.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, việc thiếu nguồn cát ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai, trong khi các dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Mỹ An – Cao Lãnh, Cao Lãnh – An Hữu trong khu vực sắp triển khai cũng có tổng nhu cầu cát đắp nền đường khoảng 35,6 triệu m3.
Cục này cho rằng trên cơ sở số liệu về mỏ vật liệu cát đã được các địa phương quy hoạch, biên bản làm việc của các địa phương về xác định khả năng cung ứng nguồn cát cho thấy các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long hoàn toàn có đủ nguồn để cung cấp ngay các mỏ cát cho dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau.
Vì vậy, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Cục Khoáng sản tổng hợp tham mưu Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng trước mắt phân bổ 10 triệu m3 cát trong năm 2023 từ ba tỉnh trong khu vực là Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp cho hai dự án cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau trong năm 2023. Trong đó, tỉnh An Giang được đề nghị cung cấp 3,3 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp 3,3 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long 2,5 triệu m3.
Bốn dự án cao tốc trọng điểm phía Nam nguy cơ “đói” vật liệu
Tại buổi làm việc với các tỉnh khu vực ĐBSCL hồi tháng 3/2023 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì, Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của Tư vấn và các địa phương, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch khu vực ĐBSCL khoảng 215,58 triệu m3. Trong đó, tỉnh An Giang có trữ lượng khoảng 54,54 triệu m3/13 mỏ, tỉnh Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3/10 mỏ, tỉnh Vĩnh Long khoảng 42,3 triệu m3/10 mỏ, tỉnh Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3. Tuy nhiên, các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng thuộc hạ lưu sông Tiền và sông Hậu, chất lượng cát kém do lẫn nhiều tạp chất, hàm lượng bùn sét lớn. Bộ GTVT đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, UBND các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL rà soát, nhanh chóng thực hiện các thủ tục nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác. Về nguồn vật liệu thay thế, đầu tháng 1/2023, Bộ GTVT cho biết trong giai đoạn 2021 – 2025, khu vực ĐBSCL sẽ có 4 dự án cao tốc dùng cát biển làm vật liệu san lấp, đắp nền, đó là các dự án: Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng và Mỹ An – Cao Lãnh; trong đó sẽ thí điểm đối với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đoạn Hậu Giang – Cà Mau. Dự kiến đến cuối năm 2023 có kết quả đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển làm vật liệu san lấp cho các dự án. |
Nguyễn Quân
Mỗi năm, ĐBSCL mất 500ha đất do sạt lở Với lượng cát bị khai thác từ các con sông từ 28-40 triệu tấn/năm, mỗi năm ĐBSCL bị thâm hụt từ 27,5-39,5 triệu tấn cát.