10 quốc gia EU âm thầm mua khí đốt Nga bằng Ruble

Chia sẻ Facebook
04/05/2022 02:08:53

Một quan chức của Hungary cho biết, 10 nước châu Âu vẫn đang âm thầm mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble.


Hãng tin RT của Nga dẫn lời Chánh Văn phòng Thủ tướng Hungary Gergely Gulyas cho biết, mặc dù nhiều nhà lãnh đạo châu Âu công khai tuyên bố sẽ không mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble, nhưng về mặt kỹ thuật, 10 nước châu Âu vẫn đang thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Gulyas cho biết, Hungary đã mở một tài khoản sử dụng đồng Euro tại ngân hàng Gazprombank của Nga, sau đó ngân hàng này chuyển sang thanh toán bằng đồng Ruble cho các nhà cung cấp ở Nga.


Hệ thống này cho phép khách hàng mua khí đốt của Nga từ châu Âu thực hiện theo yêu cầu của ông Putin đưa ra hồi cuối tháng 3 là các quốc gia "không thân thiện" sẽ chuyển sang thanh toán các đơn hàng khí đốt bằng đồng tiền của Nga.

"Có 9 quốc gia khác cũng đang sử dụng phương thức thanh toán tương tự như chúng tôi", ông Gulyas nói, đồng thời cho rằng lãnh đạo những nước đó sẽ không công khai với quốc tế cũng như người dân của họ về điều này.


Ông Guylas không tiết lộ cụ thể các nước châu Âu nào, nhưng cuối tuần trước Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, sau khi tập đoàn năng lượng Nga Gazprom "khóa van" cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vì từ chối thanh toán bằng đồng Ruble, có 10 thành viên của khối này đã thiết lập tài khoản thanh toán với Gazprombank và 4 nước đã thực sự thanh toán khí đốt cho Nga bằng phương thức này.

Hungary phụ thuộc hoàn toàn vào Nga trong tất cả lượng khí đốt nhập khẩu. Do đó, quốc gia châu Âu này đã phản đối lệnh trừng phạt của EU đối với mặt hàng quan trọng này.

"Chúng ta không thể áp dụng các lệnh trừng phạt mà chủ yếu là trừng phạt chính chúng ta thay vì nước mà chúng ta muốn trừng phạt", ông nói và đề cập đến giá năng lượng đang tăng vọt trên toàn châu Âu.


Dù chính phủ Budapest vẫn phản đối hành động quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng ông Guylas vẫn cho rằng họ sẽ "tiếp tục mua năng lượng với giá rẻ nhất có thể" để bù đắp chi phí cho người dân Hungary.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã lên tiếng khẳng định Đức không đồng ý thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng Ruble và không có kế hoạch chấp thuận yêu cầu của Nga trong tương lai.

Ông Lindner cho biết Đức sẽ tìm mọi cách để độc lập về năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt.

Trong khi đó, các quan chức Phần Lan thừa nhận nếu không có khí đốt của Nga, Phần Lan cần phải tìm kiếm các nguồn thay thế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Các vấn đề ở châu Âu và chỉ đạo quyền sở hữu của Phần Lan Tytti Tuppurainen cho biết nước này đã quyết định không chấp nhận điều khoản thanh toán bằng đồng Ruble của Nga.


Nga đang thực hiện động thái mạnh mẽ khi cắt nguồn cung khí đốt sang 2 quốc gia châu Âu là Ba Lan và Bulgaria. Động thái này được cho sẽ khiến leo thang căng thẳng và làm dấy lên lo ngại về khả năng Nga mở rộng lệnh cấm sang các quốc gia khác.

Ngày 1/5, Tập đoàn Gazprom của Nga thông báo sẽ vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu qua Ukraine nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khu vực này.

Chia sẻ Facebook