10 nhóm giải pháp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045

Chia sẻ Facebook
15/06/2023 12:43:07

VietTimes – Thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đưa ra tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 năm 2023 (Industry 4.0 Summit 2023) vừa diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết để triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ.

Nghị quyết số 29-NQ/TW ban hành ngày 17/11/2022 tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo ông Trung, dự thảo được xây dựng trên tinh thần bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 29; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành theo lộ trình; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết.

Dự thảo đã được lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ với đa số các thành viên Chính phủ đồng ý. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2023.

"Trong dự thảo Chương trình hành động, Chính phủ dự kiến giao 23 chỉ tiêu cho các cơ quan của Chính phủ chủ trì, theo dõi, đánh giá theo định kỳ thời gian cụ thể; đồng thời đưa ra 10 nhóm giải pháp chủ yếu và 59 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn đến năm 2030", ông Trung cho hay.

Dưới đây là 10 nhóm giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo đó, nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là: thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo; tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; thực hiện chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững.

Nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.

Chuyển đổi các ngành thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp; cơ cấu lại các ngành nông nghiệp và dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Các nội dung, yêu cầu cốt lõi này thể hiện bằng hành động cụ thể trong triển khai các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương; và tuyên truyền nhằm tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với 3 trọng tâm là:

Hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về phát triển công nghiệp quốc gia và các lĩnh vực công nghiệp đặc thù như công nghiệp công nghệ số, công nghiệp quốc phòng, an ninh, năng lượng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo; chính sách ưu đãi phù hợp về thuế, tài chính, tín dụng, đất đai... cho nghiên cứu KHCN; chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; thu hút đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn để thúc đẩy và hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Hoàn thiện luật chuyên ngành về du lịch, thương mại, đường sắt, bưu chính, công nghệ thông tin, viễn thông và các luật có liên quan

Thứ ba, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng; bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.

Xây dựng và triển khai các Chương trình phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao tự chủ về nguyên liệu, công nghệ, sản xuất và thị trường, tăng cường năng lực sáng tạo, thiết kế, phát triển trong các ngành sử dụng nhiều công nghệ, giá trị gia tăng cao, phát thải carbon thấp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn: sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sinh học, thiết bị năng lượng sạch, tái tạo, tiết kiệm năng lượng, hệ thống pin lưu trữ... đào tạo, chuyển giao công nghệ.

Thứ tư, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng KHCN, đổi mới sáng tạo

Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng kết nối nông thôn với đô thị; đẩy nhanh xây dựng hạ tầng số và dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại hóa trong toàn bộ chuỗi cung ứng; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ.

Thúc đẩy dịch vụ hóa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng và có cơ chế vượt trội để phát triển TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ năm, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Ưu tiên đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo đi trước một bước. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu, các cụm liên kết ngành với vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn. Phát triển hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chipset và bo mạch do Viettel sản xuất, được trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, ngày 14/6/2023

Thứ sáu, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số..., có tính kết nối theo mạng lưới cao và gắn kết chặt chẽ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ bảy, phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã; ưu tiên phát triển các tổ chức kinh tế tập thể gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ tám, đổi mới chính sách tài chính, tín dụng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhanh, bền vững

Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính theo nguyên tắc thị trường; tiếp tục đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân.

Thứ chín, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biển đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước

Khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả; có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện, trình độ phát triển của đất nước; phát triển mạnh công nghiệp tái chế, công nghiệp tái tạo. Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường. Mở rộng phạm vi, tăng tỉ trọng mua sắm chính phủ đối với sản phẩm thân thiện môi trường.

Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước; tận dụng, khai thác hiệu quả mạng lưới các đối tác chiến lược, toàn diện để xây dựng và triển khai các chiến lược, chương trình, kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thứ mười, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người Việt Nam, xây dựng đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội

Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế./.

Chia sẻ Facebook