10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ X: Dương Xuân Bạch Tuyết

Chia sẻ Facebook
16/10/2022 09:13:58

Trong thập đại danh khúc của Trung Hoa, duy chỉ có Dương Xuân Bạch Tuyết là khúc nhạc vui vẻ, âm thanh réo rắt, gợi lên trong lòng cảnh chớm xuân, có một chút gì đó rộn rã và tươi tắn. Đông đi Xuân tới, đất mẹ hồi sinh, thế giới tự nhiên hẳn là tràn trề nhịp sống, như chực bung nở.


Cổ nhạc Trung Hoa bao gồm những nhạc khúc cổ, tiêu biểu của nền văn hóa truyền thống, gắn liền với những điển tích, điển cố khác nhau. Đằng sau mỗi nhạc khúc đều là các giai thoại thú vị.


Nghe nhạc khúc mà không biết câu chuyện đằng sau, thì tất yếu không thể đi đến tận cùng cái đẹp của khúc ý, cũng không thể thưởng thức được trọn vẹn cái hay của khúc nhạc, nhất là đối với “Trung Hoa thập đại danh khúc” – 10 khúc nhạc nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.

Xem kỳ IX

(Tranh minh họa: Họa sĩ Phan Chấn Dong, Public Domain)


Có nguồn giải thích rằng Dương Xuân Bạch Tuyết là một khúc hát của nước Sở trong thời Chiến quốc, nhưng sau này đặc biệt dùng để chỉ nghệ thuật cao thâm thoát tục. Trong “Tống Từ – Tống Ngọc Đáp Sở Vương Vấn” có ghi lại rằng: “Trong nước có hàng ngàn người hòa với nhau thì là khúc Dương A và Giới Lộ. Trong nước có hàng trăm người hòa với nhau thì là khúc Dương Xuân, Bạch Tuyết. Trong nước có hàng chục người hòa với nhau, tinh thông âm luật, kỹ thuật cao siêu, trang nhã chẳng qua chỉ có vài người mà thôi. Giai điệu càng cao thâm, số người có thể hòa theo càng ít vậy.”

Cuộc trò chuyện này giữa Tống Ngọc và Sở Vương không phải là bàn luận về nhã và tục của khúc nhạc, mà mượn sự khác biệt giữa “nhã” và “tục” để giải thích rằng tài đức của ai đó không phải điều kẻ phàm nhân có thể nhận thức được

Theo truyền thuyết, Dương Xuân và Bạch Tuyết là tên hai khúc hát do ca nữ nổi tiếng của nước Sở là Mạc Sầu hát và truyền ra với sự giúp đỡ của Khuất Nguyên và Tống Ngọc. Khúc nhạc đã thất truyền từ lâu sau khi trải qua 2.000 năm lịch sử. Giai điệu và ca từ nguyên gốc như thế nào, tới nay đã không còn tư liệu tham khảo.


Vào năm Đường Hiển Khánh thứ hai (657 sau Công Nguyên), Lữ Tài từng sử dụng các làn điệu đàn cổ để “định ra âm Cung âm Thương, mà sáng tác nên ca khúc” , đồng thời phối với lời bài hát và truyền ra bản nhạc. Cuốn “Thần Kỳ Bí Phổ” liệt kê khúc Dương Xuân thuộc giọng âm Cung ở quyển 1, còn Bạch Tuyết được liệt vào giọng âm Thương ở quyển 2. Đồng thời trong lời giải của Bạch Tuyết có ghi: “Dương Xuân khiến vạn vật biết đến mùa xuân, hòa cùng gió nhẹ thư thái; Bạch Tuyết nghiêm trang, thánh khiết, như tiếng ngọc giữa rừng trúc trắng xóa tuyết rơi.”


Cũng có nguồn cho rằng đó là hai khúc cổ cầm. Trong “Dương Luân Thái Cổ Di Âm” thời nhà Minh nói rằng: “Hai khúc này do Sư Khoáng sáng tác. Thiên đế thời xưa cho Tố Nữ (nữ Thần trong truyền thuyết) gảy đàn 5 dây, mà tấu lên khúc Dương Xuân, nên Sư Khoáng mô phỏng theo mà sáng tác ra khúc hát mới.” Đến thời Đường thì đã thất truyền.


Sư Khoáng là nhạc quan dưới thời Tấn Bình Công . Đôi tai của ông rất mẫn cảm, có thể phân biệt được giai điệu từ mọi hướng. Tiếng đàn của ông cũng rất hay, nghe nói chỉ cần ông đánh đàn thì ngay cả đàn cừu ngọc và hạc trắng trên trời cũng sẽ xuống hạ giới chiêm ngưỡng. Hàm dưỡng âm nhạc của Sư Khoáng rất tốt. Dù chơi khúc nhạc gì hay sử dụng nhạc cụ nào, ông cũng có thể biết được âm thanh của nó có hài hòa và âm luật có chính xác hay không chỉ bằng cách lắng tai nghe.

Một lần, nước Tấn chuẩn bị tổ chức một lễ tế quy mô lớn. Tấn Bình Công lệnh cho đúc một quả chuông lớn và gọi tất cả các nhạc công đến nghe tiếng chuông. Tiếng chuông vang dội khiến các nhạc công phải trầm trồ. Tấn Bình Công nghe những lời tán tụng của các nhạc công, trong lòng vô cùng cao hứng, và muốn trọng thưởng cho người đúc chuông.


Lúc này, Sư Khoáng bước tới, cúi đầu nói với Tấn Bình Công rằng: “Thưa quân vương, tiếng chuông này không hài hòa, cần đúc lại!” Tấn Bình Công rất không vui nói: “Các nhạc công đều nói rất hài hòa rồi, lẽ nào họ đều sai hay sao?” Sư Khoáng nói: “Tiếng chuông hài hòa hay không, không phải do mọi người nói nó hài hòa mà trở nên hài hòa! Huống hồ, sự hài hòa của chiếc chuông lớn này rất khó phân biệt.” Nghe xong, Tấn Bình Công tức giận bỏ đi, không nói một lời.


Sau đó, Vệ Linh Công đến thăm nước Tấn và mang theo nhạc sư Sư Quyên của mình tới. Tấn Bình Công vội mời Sư Quyên đến nghe chuông. Nghe xong Sư Quyên nói: “Chiếc chuông này không hài hòa chút nào.” Tấn Bình Công lúc này mới tin lời Sư Khoáng và cho người đúc lại một chiếc chuông lớn khác. Sau đó, Tấn Bình Công nói: “Chỉ có Sư Khoáng là Thần nhạc sư.”


Sư Khoáng là một nhạc sư có tính cách ngay thẳng. Một lần nọ, Tấn Bình Công và quần thần thiết tiệc rượu vui vẻ trong cung, ai nấy đều hát tới mức say mèm, khóc khóc, cười cười, người thì ngã quỵ, người thì sinh chuyện. Nhân lúc rượu vào cao hứng, Tấn Bình Công lớn tiếng nói với các quan rằng: “Ài, hạnh phúc nhất trên đời không gì bằng được làm vua nhỉ? Chỉ cần ông ta nói một tiếng, không ai dám trái lời”.

Lúc này Sư Khoáng đã đến tuổi cuối đời, đôi mắt cũng không nhìn được nữa, nhưng ông vẫn ở bên cạnh Tấn Bình Công. Là một lão thần của nước Tấn, một lòng một dạ trung thành, nên ông rất được Tấn Bình Công kính trọng. Nghe được những lời này của Tấn Bình Công, trong lòng ông cảm thấy rất khó chịu, nhưng trước mặt quần thần, lại không thể dễ dàng trực tiếp trách cứ. Vậy nên ông không nói gì, đột nhiên ôm chiếc đàn đang đặt trên gối hướng về phía Tấn Bình Công đang ngồi ném mạnh. Tấn Bình Công vội vàng né thoát. Chiếc đàn va vào tường vỡ tan, tường cũng lõm một hố sâu.


“Thái sư, người đang đánh ai vậy?” Tấn Bình Công kinh ngạc hỏi. Sư Khoáng nói: “Thần vừa nghe thấy kẻ tiểu nhân nói năng loạn bậy trước mặt quân vương, nên dùng đàn đập hắn.”


Tấn Bình Công vội vàng nói: “Chính là ta!” Sư Khoáng cau mày, sắc mặt rất khó coi, lắc đầu nói: “Thật vậy sao? Đây không phải là lời mà một vị quân vương nên nói!” Tấn Bình Công cảm thấy hổ thẹn, nhất thời không biết đáp lại lời trách móc của Sư Khoáng thế nào. Các cận thần muốn đắp lại bức tường đã bị đàn đập lõm, Tấn Bình Công ngăn lại, nói: “Thôi bỏ đi, cứ để nó như vậy, coi như lời cảnh báo dành cho ta.”

Đại thể Sư Khoáng là một vị nhạc sư như thế. Cho nên hậu thế đều kính phục ông, những câu chuyện xoay quanh tài nghệ âm nhạc của ông đều vô cùng huyền bí, nên mới có thuyết cho rằng Sư Khoáng dựa theo Thần khúc mà sáng tạo ra Dương Xuân Bạch Tuyết.

Quay lại khúc Dương Xuân Bạch Tuyết ngày nay, trên thực tế trong quá trình lưu truyền, nó đã bị biến đổi rất nhiều đến nỗi khó mà truy nguyên. Hiện tại, nó đã trở thành danh khúc của đàn tỳ bà, hết sức nổi tiếng, chỉ là khúc nhạc cho đàn tỳ bà này tới nay vẫn không rõ ai sáng tác.


Vương Trĩ Đăng, một nhà thơ thời nhà Minh, đã từng viết một bài thơ có tên “Trường An Xuân Tuyết Khúc” nói rằng:


Ái ngọc tỳ bà hàn ngọc phu,
Nhất ban như tuyết ánh la nhu.
Bão lai chỉ tuyển “Dương Xuân khúc”,
Đàn tác bàn trung đại tiểu chu.

Tạm dịch:


Ngọc nữ tỳ bà lạnh da ngọc,
Như tuyết ánh trên làn áo cánh.
Ôm đến chỉ chọn “Dương Xuân khúc”,
Như ngọc lớn nhỏ trên đĩa rơi.

Theo ghi chép về bài thơ này, có thể thấy Dương Xuân Bạch Tuyết đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian ngay từ thời nhà Minh.


Khúc Dương Xuân Bạch Tuyết lần đầu tiên được tìm thấy trong các bản nhạc sao chép của Cúc Sĩ Lâm (có tên là “Lục Bản” ). Sau đó được tìm thấy trong các phiên bản khác như “13 bản nhạc tỳ bà nổi tiếng phái Nam Bắc” (có tên Dương Xuân Cổ Khúc), “Dưỡng Chính Hiên Phổ” (Có tên Dương Xuân Bạch Tuyết) và “Dương Xuân Cổ Khúc” của Uông Dục Đình để lại.


Trong quá trình phát triển và tiến hóa của các phiên bản này, chất liệu và cấu trúc của các bản nhạc đều khác nhau. Ngày nay, bản nhạc 10 đoạn và 12 đoạn do Lý Phương Viên và Thẩm Hạo Sơ chỉnh lý được gọi là “Đại Dương Xuân” , và bản nhạc 7 đoạn do Uông Dục Đình truyền lại là “Tiểu Dương Xuân” hoặc “Khoái Bản Dương Xuân” (Khúc Dương Xuân tiết tấu nhanh).

Khúc tỳ bà Dương Xuân Bạch Tuyết ngày nay thật ra không giống truyền thuyết. Nó rất thông tục, dễ hiểu, và đồng thời cũng rất được yêu mến. Khúc nhạc ngắn và mạnh mẽ này được phổ biến rộng rãi, từ Quảng Đông đến Nội Mông, từ Tứ Xuyên đến Sơn Đông; từ nhạc Khách Gia đến đàn dây và sáo Giang Nam, từ khúc bản đầu Giang Nam đến Sơn Tây… đều có thể tìm được bóng dáng của khúc nhạc này.

Khúc Dương Xuân Bạch Tuyết ngày nay bao gồm 7 đoạn nhỏ, mỗi đoạn có một phụ đề, gồm:

“Độc chiếm ngao đầu” “Gió lay nhành sen” “Một vầng trăng sáng” “Ngọc bản tham thiền” “Thiết sách bản thanh” “Đạo viện cầm thanh” “Đông cao hạc minh”

Những tiêu đề này có vẻ tao nhã, nhưng kỳ thực chúng không liên quan gì đến việc cảm thụ nội dung của bản nhạc, chỉ thể hiện phong thái nho nhã của các văn nhân mà thôi.


Theo Kknews.cc
Thiên Cầm biên tập

10 nhạc khúc nổi tiếng Trung Hoa cổ đại – Kỳ IX: Hán Cung Thu Nguyệt


Mời xem video :

Chia sẻ Facebook