10 năm thay đổi ấn tượng của xe điện và tương lai phía trước

Chia sẻ Facebook
21/08/2022 10:41:41

Vào năm 2011, khoảng 55.000 xe điện được bán ra trên toàn thế giới. 10 năm sau, tức năm 2021, con số đó đã tăng gần chạm mốc 7 triệu chiếc.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang theo đuổi mục tiêu điện khí hoá, thị trường xe điện toàn cầu ghi nhận mức tăng trưởng tiềm năng trong vòng một thập kỷ. Mức tăng trưởng của 3 năm trở lại đây đặc biệt ấn tượng, ngay cả trong bối cảnh đại dịch thu hẹp thị trường ô tô nói chung và các nhà sản xuất phải vật lộn với các nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Từ dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), những biểu đồ dưới đây thể hiện sự bùng nổ của xe điện toàn cầu từ năm 2011, đồng thời cho thấy những quốc gia phát triển thành thị trường xe điện lớn nhất.

Đối với năng lượng sạch, rất ít lĩnh vực năng động được như thị trường xe điện. Từ năm 2011 đến năm 2015, doanh số xe điện toàn cầu tăng ở tốc độ trung bình là 89%, chỉ riêng Mỹ đã chiếm khoảng 1/3 doanh số toàn cầu.

Vào năm 2012, số lượng xe điện bán ra trên toàn cầu chỉ có 120.000 chiếc. Đến năm 2021, doanh số xe điện đã tăng gấp đôi năm 2020, lên mức kỷ lục là 6,6 triệu xe. Gần 10% doanh số bán xe ô tô trên toàn thế giới là xe điện, gấp 4 lần thị phần năm 2019.

IEA ước tính tổng số xe điện hoạt động trên đường vào năm 2021 lên đến 16,5 triệu chiếc, gấp 3 lần so với năm 2018. Chúng tiêu thụ khoảng 30 terawatt giờ (TWh) điện mỗi năm, tương đương với tổng lượng điện Ireland tạo ra.

Doanh số xe điện toàn cầu được duy trì và tăng mạnh trong năm 2022. Trong quý đầu tiên của năm nay, 2 triệu chiếc xe điện đã được bán ra, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn dữ liệu: IEA

Vào năm 2014, Mỹ là thị trường xe điện lớn nhất, sau đó là Trung Quốc, Hà Lan, Na Uy và Pháp. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào năm 2015, khi doanh số xe điện của Trung Quốc tăng 238% so với năm 2014, đưa nước này lên vị trí dẫn đầu. Vào năm 2016, số lượng xe điện người tiêu dùng Trung Quốc đã mua nhiều hơn tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại. Quốc gia này vẫn chiếm hơn một nửa doanh số toàn cầu vào năm 2021.

Sau khi duy trì khá ổn định vào năm 2019, doanh số xe điện toàn cầu đã tăng 38% vào năm 2020. Sau đó, doanh số tăng hơn gấp đôi vào năm 2021. Trung Quốc là động lực chính của sự tăng trưởng. Năm 2021, quốc gia này bán được nhiều xe điện hơn tổng doanh số của các quốc gia còn lại trên thế giới vào năm 2020.

Nguồn dữ liệu: IEA

Trung Quốc có gần 300 mẫu xe điện có sẵn, nhiều hơn tất cả các quốc gia khác. Quốc gia này cũng là quê hương của 4 trong số 10 nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới. Hơn nữa, giá trung bình của xe điện Trung Quốc chỉ cao hơn 10% so với ô tô thông thường. Trong khi các thị trường lớn khác cao hơn so với mức trung bình là 45-50%.

Đức là thị trường ô tô lớn nhất châu Âu. Quốc gia này bán được gần 700.000 chiếc xe điện vào năm 2021, tăng 72% so với năm 2020. Quốc gia này có một số nhà máy xe điện lớn nhất châu Âu. Tesla, Volkswagen và gã khổng lồ pin Trung Quốc CATL đang lên kế hoạch và vận hành siêu nhà máy tại Đức.

Nguồn dữ liệu: IEA

Nhìn chung, doanh số bán hàng châu Âu tăng 65% vào năm 2021. Bằng chứng là có 7 quốc gia châu Âu góp mặt trong nhóm những nước có doanh số xe điện hàng đầu thế giới.

Mỹ cũng trở lại cuộc đua một cách ấn tượng sau hai năm sụt giảm. Doanh số bán xe điện của Mỹ tăng hơn gấp đôi vào năm 2021. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy nhờ số các mẫu xe điện có sẵn tăng 24%. Một phần khác còn nhờ sự gia tăng của các mẫu xe Tesla. Hãng xe này chiếm một nửa doanh số bán xe điện tại Mỹ.

Tesla là công ty sản xuất xe điện nổi tiếng nhất thế giới và có sức ảnh hưởng lớn ở Mỹ. Từ năm 2011 đến năm 2019, Tesla chiếm 40% tổng số xe điện bán ra tại Mỹ. Hơn nữa, xe Tesla đã trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất ở Mỹ hàng năm từ năm 2015.

Tesla chiếm hơn 50% doanh số bán xe điện tại Mỹ vào năm 2021. Chiếc Model Y ra mắt vào năm 2019 chiếm vị trí đầu bảng. Không dừng lại ở đó, Model Y vẫn là mẫu xe điện bán chạy nhất trong quý đầu tiên của năm 2022, trong khi Tesla chiếm 75% thị phần xe điện.

Mặc dù nổi tiếng, Tesla có thể vấp phải thách thức khi các nhà sản xuất ô tô khác tung ra các mẫu xe mới và mở rộng sản xuất xe điện. Chẳng hạn như General Motors đặt mục tiêu cung cấp 20 mẫu xe điện vào năm 2025. Trong khi đó, Ford dự kiến sản xuất ít nhất 2 triệu xe điện mỗi năm vào năm 2026.

Sự gia tăng cạnh tranh từ những hãng xe khác trong ngành và những công ty mới gia nhập cuộc đua có thể khiến thị phần của Tesla trong những năm tới bị thu hẹp dần.

Chính sách của các chính phủ là động lực lớn thúc đẩy thị trường xe điện toàn cầu. Trong suốt năm 2020-2021, nhiều quốc gia đặt ra mục tiêu giảm dần số lượng ô tô động cơ đốt trong bán ra trong vòng hai thập kỷ tới.

Xe điện trở thành công nghệ giao thông được nhiều chính phủ và ngành công nghiệp ô tô lựa chọn. Vào tháng 11/2021, chính phủ Mỹ đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là điện khí hoá 50% ô tô mới vào năm 2030. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu lắp đặt 500.000 điểm sạc xe điện để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng. Tại châu Âu, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất đưa tiêu chuẩn không phát thải CO2 từ ô tô vào năm 2035.

Một số nhà sản xuất ô tô cũng đã công bố mục tiêu điện khí hoá. Ví dụ như Volkswagen tuyên bố rằng một nửa doanh số bán hàng năm 2030 của họ sẽ là xe điện. Ford dự kiến 40-50% doanh số bán hàng sẽ là xe điện vào cuối thập kỷ này. Toyota, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, công bố các khoản đầu tư nhằm đạt doanh số 3,5 triệu chiếc xe điện mỗi năm từ năm 2030.

Mặc dù có một tương lai tươi sáng phía trước, xe điện vẫn phải đối mặt với một số thách thức trong chuỗi cung ứng. Theo IEA, giá nguyên vật liệu của toàn ngành ô tô đang không ngừng tăng lên. Năm 2021, giá thép tăng tới 100%, nhôm tăng khoảng 70% và đồng tăng hơn 33%. Riêng với xe điện, giá nguyên liệu cần để sản xuất pin cũng tăng mạnh. Giá lithium năm 2021 tăng 150% so với cùng kỳ năm trước, than chì tăng 15% và niken tăng 25%.

Xe điện đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, trong đó việc cung cấp nguyên liệu và linh kiện được đặt lên hàng đầu. Những nút thắt về nguồn cung có thể trở thành những thách thức đối với quá trình điện khí hoá giao thông đường bộ.


Tham khảo: IEA


Thiên Di

Chia sẻ Facebook