10 năm, lương 'chạy' không kịp mức chi phí cuộc sống của người lao động

Chia sẻ Facebook
23/03/2022 14:26:43

Tiền lương tối thiểu tăng liên tục 12 năm, mức trung bình 8%/năm nhưng thực tế khoảng cách giữa mức lương này với mức sống tối thiểu lại vẫn đang rộng ra, mức chênh đã vượt mốc 10%...

Khoảng chênh giữa lương tối thiểu, mức sống tối thiểu tăng

Đánh giá chung để chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2026, các cơ quan Trung ương thống nhất nhận định, sau hơn 20 năm, tính từ 1993, qua 2 lần cải cách tiền lương (năm 1993 và năm 2004), dù tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh song đời sống người hưởng lương ít được cải thiện.

Theo Bộ LĐ-TB&XH với mức lương hiện nay, người lao động trong khu vực hành chính sự nghiệp chỉ chi trả được 50% mức sống tối thiểu, trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng leo thang. Con số này ở khu vực sản xuất dù có cao hơn nhưng cũng mới chỉ đạt 80% (tính đến 2020).


Thực tế, từ 2008, khi bắt đầu tách riêng lương khu vực công và khu vực doanh nghiệp (lương cán bộ công chức căn cứ trên lương cơ sở với hệ thống thang, bảng lương rất phức tạp và lương công nhân, người lao động tại doanh nghiệp căn cứ trên lương tối thiểu vùng) tới nay, lương khu vực doanh nghiệp được đánh giá là được cải cách, điều chỉnh tăng nhanh hơn lương khu vực công.
Cụ thể, lương tối thiểu vùng có mức tăng trung bình 8%/năm, nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động (xấp xỉ 4%/năm).

Liên tục hơn 10 năm, Chính phủ không ngừng quan tâm cải cách, điều chỉnh mức lương tối thiểu qua từng năm, góp phần cải thiện đời sống người lao động. Đơn cử, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2013 với mức tăng 16-18% (thấp hơn so với mức tăng 35 -37% đã trình trong Đề án được Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI phê duyệt). Từ ngày 1/1/2015, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 14,2%. Năm 2016, lương tối thiểu vùng tiếp tục tăng 12,4%, năm 2017 tăng 7,3%.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam: "Tiền lương tối thiểu vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế và có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trả lương lao động thấp hơn".


Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, 2 năm qua, từ 2020, lương tối thiểu vùng vẫn được giữ nguyên, lùi lộ trình tăng như kế hoạch. Trao đổi với PV Dân trí về việc này, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng - thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia nhấn mạnh lương tối thiểu không được điều chỉnh tương ứng, hiện không đảm bảo được ý nghĩa là để đáp ứng mức sống của người lao động và gia đình.

"Tiền lương tối thiểu vùng hiện không còn bảo vệ được người lao động yếu thế và có nguy cơ trở thành kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, trả lương lao động thấp hơn" - ông Quảng nói.

Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động, mức lương tối thiểu vùng I (cao nhất trong 4 vùng) hiện nay được duy trì từ năm 2020 là mức 4,42 triệu đồng/tháng mới đáp ứng được  hơn 90% mức sống tối thiểu. Khoảng cách giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu đã tăng quá mốc 10% trong năm 2021, do những khó khăn dịch bệnh khiến những chi phí cho y tế, giá cả thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng cao trong khi lương vẫn bị "neo" ở mức cũ.


Lương tối thiểu để bảo vệ nhóm lao động yếu thế

Thống kê năm 2021 của Viện Công nhân, công đoàn: 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người lao động phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% người lao động phải chuyển từ việc mua sắm hàng ngày sang sử dụng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% người lao động lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa.

Trong một tương quan khác, 60% người lao động phải tiết kiệm triệt để các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân: 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.

"Lương tối thiểu hiện quá thấp và còn nợ mức sống tối thiểu 11% nên dù có tăng qua các năm cũng không đủ để chạy theo chi phí đời sống" - ông Mai Đức Chính, nguyên Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nhận xét.

Vấn đề khác, như ông Lê Đình Quảng đề cập, ông Chính chỉ rõ, lương tối thiểu hiện mất đi ý nghĩa để đảm bảo mức sống của người lao động vì thực tế, hàng tháng người lao động hầu hết đã nhận một khoản thu nhập cao hơn nhiều so với lương tối thiểu. "Neo" giữ mức lương này, theo đó, chỉ có ý nghĩa giúp doanh nghiệp kìm chi phí đóng bảo hiểm cho người lao động.

Mổ xẻ vấn đề đặt ra, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội cho rằng, tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương, đặc biệt đối với một số ngành, nghề lao động giản đơn.

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc công bố mức lương tối thiểu chỉ ảnh hưởng khoảng từ 10% đến 20% người lao động thuộc nhóm có mức lương thấp nhất, làm việc trong những ngành, nghề yếu thế.

Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng.

Trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, với tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng, nhưng trong tương lai, khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên nên hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành, nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế tối đa việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý.

"Với nguyên tắc tiền lương là giá cả của sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường với sự thỏa thuận của các bên. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào mức tiền lương của người lao động, chỉ quy định mức tiền lương thấp nhất mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động" - TS Bùi Sỹ Lợi nhắc lại, Nhà nước xác định lương tối thiểu chính là mức sàn thấp nhất để các bên thương lượng về tiền lương.

(Theo Dân trí)

Chia sẻ Facebook