10 năm không giãn được hộ dân nào ở làng cổ Đường Lâm

Chia sẻ Facebook
07/07/2022 00:13:05

Bí thư Thị ủy Sơn Tây (Hà Nội) Trần Anh Tuấn đã đề xuất HĐND TP Hà Nội có nghị quyết chuyên đề để bảo vệ di tích làng cổ Đường Lâm - ngôi làng cổ 'độc nhất vô nhị ở miền Bắc' được công nhận di sản.

Bí thư Thị ủy Sơn Tây (Hà Nội) Trần Anh Tuấn - Ảnh: L.H.

Ngày 6-7, HĐND thành phố Hà Nội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình triển khai và tiến độ công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.


Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Mê Linh) cho hay việc xây dựng thủ đô kế hoạch 2030, tầm nhìn 2050 có rất nhiều mục tiêu lớn và đây là một trong những định hướng quan trọng của thành phố.


"Rất cần các thế hệ lãnh đạo đột phá, dám chịu trách nhiệm để xây dựng Hà Nội thành thành phố đáng sống, bền vững, thông minh. Đó là yêu cầu, mong muốn của người dân và là di sản để lại cho thế hệ sau", ông Đoàn nêu.


Ông Đoàn cũng chỉ rõ, dù đạt nhiều thành tích tích cực nhưng Hà Nội còn nhiều rào cản về vốn và mặt bằng, dẫn đến các dự án chưa phát huy được như kỳ vọng.


Đáng lưu ý, giải ngân đầu tư công rất yếu kém, con số giải ngân đầu tư công đến ngày 16-6 mới đạt gần 18%, thấp hơn mức trung bình cả nước, trong đó nhiều dự án mới giải ngân dưới 5%.


Theo ông Đoàn, đây là điểm nghẽn trong thúc đẩy phát triển kinh tế mà 6 tháng cuối năm 2022 cần phải có giải pháp cụ thể về nội dung này.

Cạnh đó, ông Đoàn đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị khi có 13/25 quận, huyện chưa tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Thu ngân sách từ đấu giá đất trong 6 tháng đầu năm mới đạt khoảng 25% dự toán năm 2022.

Nêu ý kiến sau đó, bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn chỉ rõ khâu xác định nguồn gốc đất rất khó khăn, phức tạp khiến cán bộ cơ sở chưa tự tin. Cạnh đó, việc trao đổi qua lại mất nhiều thời gian gây khó cho đấu giá.


Theo ông Tuấn, hiện còn một số bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Trong đó, việc giãn dân không thực hiện theo chính sách tái định cư mà vẫn phải đấu giá, nên 10 năm qua không giãn được hộ dân nào. "Nếu không sớm có chính sách bảo vệ, trong tương lai sẽ mất làng cổ này", ông Tuấn nói.

Trả lời sau đó về nội dung đấu giá đất, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu trong thời gian tới tiếp tục quản lý chặt việc đấu giá, tăng cường công khai, không hạn chế số lượng hồ sơ tham gia đấu giá và khuyến khích đấu giá trực tuyến.


Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hiện nay, theo ông Đông, huyện Thanh Trì đã triển khai thành công, do đó, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư gửi bộ hồ sơ mẫu để các quận, huyện tham khảo.

Về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải nói tiếp thu, nhất là vai trò người đứng đầu để có cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm tra, đôn đốc và xem xét vấn đề thể chế để tháo gỡ điểm nghẽn.


Chậm đấu giá đất do tâm lý "e ngại" của các quận, huyện


Trước đó, thông tin từ UBND thành phố Hà Nội cho thấy có 507 dự án đăng ký đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022, với tổng diện tích hơn 422ha. Tổng số tiền trúng đấu giá dự kiến khoảng 38.000 tỉ đồng, được tính toán phân bổ trong phương án tài chính ngân sách của thành phố trong năm 2022.


Tuy nhiên, đến nay mới có 33 dự án được đấu giá, thu về hơn 3.100 tỉ đồng. UBND thành phố Hà Nội nêu rõ một trong những nguyên nhân là "tâm lý e ngại của các quận huyện". Các quận, huyện, thị xã tổ chức đấu giá thận trọng, cầu toàn.


Cạnh đó, các công ty tư vấn thẩm định giá hiện đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.

Bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội - đề nghị HĐND TP Hà Nội quan tâm đặc biệt tới ngành y tế, khắc phục ngay tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm khi mua trang thiết bị, vật tư y tế.

Chia sẻ Facebook