10 mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất 10 tháng đầu năm 2022
Theo báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022 của Tổng cục Thống kê (TCTK), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD và 10 tháng đầu năm ước đạt 312,82 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,55 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 22,72 tỷ USD, giảm 0,7%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 4,5%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 4,9%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,1%.
Tính chung 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 80,36 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 232,46 tỷ USD, tăng 16,8%, chiếm 74,3%.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 06 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,1%).
Trong các mặt hàng xuất khẩu, mặt hàng có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2022 là thủy sản với tốc độ tăng đạt 49% so với cùng kỳ năm trước. Xếp sau thủy sản là mặt hàng rau quả với tốc độ tăng giá trị xuất khẩu đạt 40,89% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đó, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm của sắn, clanhke và xi măng, dầu thô có tốc độ tăng giá trị xuất khẩu lớn trong 10 tháng đầu năm.
Cụ thể, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu của hạt điều đạt 40,77%; cà phê đạt 39,38%; chè đạt 35,8%; hạt tiêu đạt 34,88%; gạo đạt 33,35%; sắn và sản phẩm của sắn đạt 32,71%; clanhke và xi măng đạt 31,16%; dầu thô đạt 28,11% so với cùng kỳ năm 2021.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng năm 2022, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89,1%, giảm 0,1 điểm phần trăm; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,6 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,4 điểm phần trăm.