10 lời khuyên về Quan hệ Nhà đầu tư (IR) trong khủng hoảng
Khi còn làm Trưởng bộ phận Quan hệ Nhà đầu tư (IR) tại Barclays thời khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, ông Mark Merson – đối tác sáng lập của công ty tư vấn ngân hàng Veritum Partners – đã phải trải qua khoảng thời gian khắc nghiệt khi tâm lý nhà đầu tư nhuốm màu bi quan và hoạt động kinh doanh trở xấu.
10 lời khuyên về Quan hệ Nhà đầu tư (IR) trong khủng hoảng
Sau đây là 10 lời khuyên của ông về Quan hệ Nhà đầu tư trong bối cảnh khủng hoảng.
1. Công ty đang trong một cuộc khủng hoảng nên hãy áp dụng các nguyên tắc quản lý khủng hoảng thông thường. Cuộc khủng hoảng lần này dĩ nhiên sẽ khác lần trước và đòi hỏi những phản ứng quyết đoán từ chính Công ty.
2. Các lãnh đạo phải luôn hiện diện để phản hồi trong một cuộc khủng hoảng, cho dù họ có thích điều đó hay không. Nếu lãnh đạo công ty không có mặt để phản hồi trong lúc đó, nhà đầu tư nhiều khả năng sẽ chú ý tới các lãnh đạo của công ty khác. Ban quản lý công ty phải làm việc cật lực để làm chủ câu chuyện của Công ty vì mọi thứ có thể nhanh chóng vượt khỏi sự kiểm soát của họ.
3. Đừng hủy các cuộc họp mặt với nhà đầu tư. Bằng mọi cách, hãy thực hiện các cuộc gọi hay cuộc họp qua video để hồi đáp nhu cầu của nhà đầu tư, hãy cố gắng giữ cam kết đã đưa ra. Đối với người ngoài, việc hủy cuộc họp có thể bị suy diễn thành một câu chuyện tiêu cực.
4. Truyền thông thường xuyên và rõ ràng, đừng chỉ truyền thông mỗi khi xuất hiện thông tin mới. Cung cấp những thông tin bình thường sẽ không đủ. Luôn có mặt để nhận cuộc gọi cũng sẽ không đủ. Những người quản lý cấp cao của Công ty và đội ngũ IR cần tìm cách để truyền tải tình hình với cộng đồng đầu tư, nhất là khi các cuộc họp nhà đầu tư chưa thể tổ chức được.
5. Hãy truyền đạt thông tin liên quan tới thời khắc đó. Với một nhà đầu tư đang bị sắc đỏ đeo bám, việc biết rằng chiến lược kinh doanh vẫn giữ nguyên cũng chẳng thể xoa dịu sự lo ngại của họ. Hãy chuẩn bị để bàn luận về các vấn đề liên quan tới vận hành hơn là tình hình tài chính. Hãy ưu tiên đưa thông tin về các vấn đề vận hành trước tiên, thay vì chỉ trả lời câu hỏi từ nhà đầu tư.
6. Lên kế hoạch trước về bản báo cáo hàng quý. Cân nhắc điều chỉnh lại để tập trung vào các đặc tính phòng thủ, như quản lý rủi ro, thanh khoản và các điểm tốt trong bảng cân đối kế toán.
7. Hãy tránh dự đoán về tương lai. Giữa lúc tình hình thay đổi nhanh chóng, các dự báo có thể nhanh chóng bị lỗi thời.
8. Hãy đảm bảo bạn nắm thông tin rất sát sao. luôn dõi mắt theo dòng chảy thông tin về các đối thủ trên thị trường và các báo cáo tài chính của công ty trong ngành.
9. Hãy thiết lập nhịp độ ở nơi làm việc vì có thể công ty sẽ ở trong khủng hoảng một khoảng thời gian dài.
10. Hãy chuẩn bị khi tâm lý nhà đầu tư đổi thay. Tại một thời điểm nào đó, thị trường sẽ lại sẵn sàng lắng nghe kế hoạch của ban quản lý về tương lai tươi sáng hơn và bạn phải biết bạn sẽ nói gì tại thời điểm đó.
Vũ Hạo (Theo IR Magazine)