10 hành động khiến tế bào ung thư sợ hãi
Mọi người đều sợ ung thư, nhưng có một sự thật không phải ai cũng biết là các tế bào ung thư khủng khiếp này cũng có những nỗi sợ. Dưới đây là 10 hành động của bạn khiến chúng sợ hãi.
1. Tập thể thao
Bơi lội, đi bộ, chạy, yoga, đạp xe..v.v..là những hoạt động thể dục khiến tế bào ung thư sợ hãi. Với việc tập thể dục thường xuyên, vóc dáng và khả năng miễn dịch của bạn sẽ trở nên tốt hơn, tế bào ung thư không dễ tìm đến bạn, khả năng tái phát cũng càng nhỏ đi.
Như chúng ta đã biết, vận động hợp lý rất tốt cho sức khỏe. Nên lựa chọn phương pháp tập luyện phù hợp với vóc dáng, tránh tập quá sức và cố gắng kiên trì lâu dài thói quen lành mạnh này.
Đối với bệnh nhân ung thư, tập thể dục có thể cải thiện đáng kể thể lực. Còn đối với bệnh nhân xạ trị, tập thể dục phù hợp có thể giúp họ nhanh chóng phục hồi chức năng tạo máu, nâng cao toàn diện khả năng miễn dịch và khả năng kháng bệnh, đồng thời có thể giảm nguy cơ tái phát và di căn của ung thư phổi một cách hiệu quả.
2. Tắm nắng
Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học McGill, vitamin D có thể làm chậm quá trình tế bào ung thư chuyển từ tổn thương tiền ung thư sang trạng thái ung thư, đồng thời giúp kiểm soát sự gia tăng của các tế bào ung thư mới.
Một trong những cách bổ sung vitamin D đơn giản nhất là tắm nắng. Chỉ cần bạn giữ thói quen phơi nắng khoảng 10 phút mỗi ngày (tránh thời gian ánh nắng gay gắt) thì sẽ thu được hiệu quả rất lớn.
Đối với bệnh nhân ung thư phổi, việc bổ sung vitamin D là một trong những yếu tố cần thiết giúp giảm nguy cơ tử vong cũng như ngăn ngừa các phản ứng có hại trong quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống và sức khỏe có mối quan hệ mật thiết với nhau. Béo phì do chế độ ăn nhiều chất béo sẽ nuôi các tế bào ung thư và “bỏ đói” các tế bào miễn dịch bên trong khối u, từ đó làm suy yếu khả năng chống ung thư của các tế bào miễn dịch và đẩy nhanh sự phát triển của khối u. Ngoài ra, chế độ ăn kiêng thiếu khoa học hoặc mù quáng cũng sẽ tạo cơ hội cho tế bào ung thư phát triển.
Sau khi điều trị xong, một số bệnh nhân ung thư không chịu được sự cám dỗ của nhiều món ngon như thịt nướng, gà rán, hải sản, lẩu và các món ngọt nhiều đường nên cũng làm tăng nguy cơ tái phát và di căn.
Thói quen ăn uống lành mạnh cần tính đến chế độ dinh dưỡng cân bằng, lượng protein vừa phải, bổ sung một số thực phẩm chống ung thư thích hợp và ăn uống theo một chế độ hợp lý.
4. Từ bỏ thói quen thức khuya
Thức khuya là hiện tượng rất phổ biến trong xã hội hiện đại. Đối với bệnh nhân ung thư cũng vậy, nhiều người không thể ngủ ngon vì “rối loạn giấc ngủ” do đau vết mổ sau phẫu thuật hoặc nhiều cảm xúc tiêu cực khác.
Một nghiên cứu của Đức cho thấy giấc ngủ giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Khi có được một giấc ngủ trọn vẹn thì tế bào T trong cơ thể sẽ kích hoạt mạnh mẽ và làm cho hiệu suất của giấc ngủ tốt hơn. Khi sự kích hoạt của các tế bào này càng mạnh thì thân thể con người càng có khả năng miễn dịch cao hơn.
Dù đó là người khỏe mạnh hay bệnh nhân ung thư, dù đó là trước hay sau phẫu thuật, muốn thoát khỏi sự đe dọa của tế bào ung thư, chúng ta cần cải thiện chất lượng giấc ngủ của mình. Ví dụ, đọc sách trước khi đi ngủ, ngồi thiền, tắm nước nóng, không ăn khuya…, cũng là giải pháp tốt để có một giấc ngủ ngon.
5. Bỏ thuốc lá và rượu
Tế bào ung thư sợ người bệnh cai thuốc và rượu bia. Một số lượng lớn các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc là một yếu tố nguy cơ gây ung thư. Thuốc lá có tác động lớn đến hệ hô hấp của con người, chất hắc ín (tar) và nicotin có trong nó có thể kích hoạt các tế bào ung thư.
Còn đối với rượu bia, những chất này không chỉ kích thích mạnh mẽ niêm mạc đường tiêu hóa, mà còn làm trầm trọng hơn sự trao đổi chất đối với người có bệnh gan, bởi vì các chất cồn khi uống vào sẽ được chuyển hóa qua gan.
Một lời khuyên dành cho mọi người rằng hãy cai thuốc lá và rượu nếu bạn không muốn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển và sinh sản của tế bào ung thư.
6. Có một tâm trạng tốt
Tâm trạng và sức khỏe có mối liên hệ khăng khít với nhau, các tác động mà bệnh nhân ung thư phải trải qua như xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, sẽ khiến họ hồi hộp, sợ hãi, trầm cảm, lo lắng… Hàng loạt vấn đề tâm lý cũng như các cảm xúc tiêu cực này sẽ càng khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí là di căn.
Đã có nhiều trường hợp lâm sàng cho thấy sau cùng một đợt điều trị toàn thân, những bệnh nhân lạc quan có tỷ lệ tái phát thấp và thời gian sống lâu hơn, trong khi những bệnh nhân bi quan, chán nản thì có tỷ lệ tái phát cao và thời gian sống sót tương đối ngắn hơn. Điều này càng làm tăng nhanh sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư.
Chúng ta biết rằng những cảm xúc chán nản này là rất có hại đối với việc phục hồi thể chất. Vì vậy muốn đánh bại tế bào ung thư thì trước hết chúng ta cần phải giữ cho tâm trạng luôn thoải mái, suy nghĩ tích cực, có thể tìm người thân, bạn bè để tâm sự và đồng hành cùng. Và hãy thực hiện một số hoạt động có sự tập trung cao như đi bộ, vẽ tranh, xem phim… để thư giãn.
7. Duy trì vóc dáng phù hợp
Béo phì là kẻ thù của sức khỏe, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng béo phì ảnh hưởng đến sự tái phát ung thư và sự sống còn của bệnh nhân. Một nghiên cứu khác cho thấy phụ nữ béo phì có nguy cơ tử vong do ung thư cao hơn 88% so với những người có cân nặng bình thường.
Tế bào ung thư sợ người biết giữ gìn vóc dáng của mình. Nếu bạn thường xuyên ăn quá nhiều hoặc không tập thể dục, đến khi cân nặng của bạn tăng lên thì các tế bào ung thư có thể sẽ âm thầm sinh ra, sau đó là nhân cơ hội xâm nhập, tái phát hoặc di căn.
8. Tránh xa bức xạ
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới quy định: Lượng bức xạ hàng năm mà cơ thể người tiếp nhận không vượt quá 5 mSv thì được cho là an toàn.
Tuy nhiên, nhiều người vì lo lắng không biết mình có bị ung thư hay không, nên đến bệnh viện yêu cầu chụp CT để phát hiện và điều trị sớm. Mặc dù xét từ góc độ tầm soát khối u, việc làm kiểm tra CT là có lợi cho sức khỏe, nhưng cần lưu ý rằng nếu làm kiểm tra CT quá nhiều trong thời gian ngắn sẽ rất có hại cho cơ thể.
9. Khám sức khỏe định kỳ
Quá trình phát triển của tế bào ung thư là một quá trình dài, nhưng bởi vì ảnh hưởng của một số yếu tố như chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt sẽ khiến tốc độ phát triển của chúng trở nên nhanh hơn.
Thông thường, trong vòng 2 năm sau khi kết thúc điều trị khối u của bệnh nhân ung thư, bác sĩ sẽ đề nghị tái khám định kỳ từ 3 đến 6 tháng, và sau năm thứ 5 thì sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ hàng năm. Điều này là bởi vì trải qua phẫu thuật cục bộ, hóa trị hay xạ trị, thì các tế bào ung thư ở một số bộ phận vẫn không thể bị loại bỏ hoàn toàn, chúng có thể ẩn náu trong cơ thể và âm thầm phát triển.
Tế bào ung thư sợ nhất là bạn đi khám sức khỏe định kỳ. Chúng luôn tìm cơ hội hoạt động trở lại. Ví dụ, khi sức đề kháng của người bệnh giảm sút, sẽ tái phát tại chỗ và di căn xa. Mấu chốt của việc phòng ngừa và điều trị nằm ở chỗ “phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị sớm”.
10. Mở máy hút khói khi nấu nướng
Nhiều người không có thói quen bật máy hút khói khi nấu nướng trong bếp, điều này rất dễ phát sinh ung thư. Mặc dù các hydrocacbon trong khói này không độc như khói thuốc lá trực tiếp, nhưng chúng cũng sẽ xâm nhập vào hệ hô hấp và gây ung thư.
Khuyến cáo bạn không nên để nhiệt độ dầu quá cao và đợi đến khi dầu bắt đầu bốc khói mới nấu. Điều quan trọng là phải giữ cho nhà bếp luôn thông thoáng, không nên vì tiết kiệm chi phí vệ sinh và bảo dưỡng mà bỏ qua việc lắp đặt hoặc bật máy hút khói trong nhà bếp.
Nghi Hiên/ Vision Times
Tin vui: Ung thư là loại bệnh mãn tính có thể kiểm soát được
Trên thực tế, một trong những yếu tố làm cho tình trạng của bệnh nhân ung thư trở nên xấu đi chính là do thái độ của họ đối với bệnh.