10 gia tộc giàu có, danh giá bậc nhất Việt Nam: Khối tài sản hàng tỷ đô, chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội
Những năm qua, đã xuất hiện rất nhiều gia tộc giàu có, danh giá, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
1. Gia tộc Phạm Nhật Vượng
Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến là người sáng lập nên Tập đoàn VinGroup với chuỗi các công ty thành viên phát triển ở nhiều lĩnh vực như: Vincom, Vinpearl, Vinhomes, Vinmec, Vinschool, VinFast.
Theo thống kê của Forbes, vào tháng 4/2021, ông Phạm Nhật Vượng xếp thứ 344 trên thế giới với khối tài sản ước tính 7,4 tỉ USD trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Việt Nam có 6 tỷ phú góp mặt trong danh sách này và đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng.
Ông Phạm Nhật Vượng có vợ là bà Phạm Thu Hương sinh năm 1969 tại Hà Nội. Bà Thu Hương cũng được biết đến là một trong những người sáng lập Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam và hiện tại bà đang giữ vai trò là Phó chủ tịch thường trực thứ hai, bà đang nắm giữ hơn 49 triệu cổ phiếu của tập đoàn VinGroup. Hiện nay, bà Hương đang thuộc diện giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, gia đình ông còn có 2 người em là ông Phạm Nhật Vũ người đứng đầu tập đoàn AVGroup và bà Phạm Thị Lan Anh sinh năm 1970, hiện tại cũng đang là thành viên của tập đoàn VinGroup. Ngoài ra bà cũng đang đứng tên là chủ 3 công ty của riêng mình hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và thông tin dịch vụ.
Ông Phạm Nhật Vượng có 3 người con là: Phạm Nhật Minh Hoàng, Phạm Nhật Quân Anh, Phạm Nhật Minh Anh.
2. Gia tộc Johnathan Hạnh Nguyễn
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific - IPP) và được mệnh danh là "Vua hàng hiệu". Công ty xuất khẩu Liên Thái Bình Dương Imex Pan Pacific có trụ sở tại Việt Nam và các chi nhánh tại các nước châu Âu, Mỹ, Singapore, Philippines.
Gia tộc IPPG kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, là đối tác phân phối độc quyền của hơn 100 thương hiệu thế giới như Burberry, Chanel, Versace, CK; đầu tư quản lý trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ cao cấp. Bên cạnh đó, tập đoàn còn tham gia đầu tư Nhà ga quốc tế Cam Ranh và kinh doanh chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay khắp cả nước. Trung bình hàng năm, đơn vị thực hiện nộp ngân sách nhà nước 1.950 tỷ đồng.
Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn có 8 người con. Trong đó 6 người con với người vợ đầu gồm 3 trai, 3 gái, 2 người con với người vợ thứ 2 là doanh nhân Thủy Tiên gồm 1 trai, 1 gái.
3. Gia tộc Nguyễn Lân
Gia tộc Nguyễn Lân là một trong những gia tộc danh giá nổi tiếng nhất Việt Nam. Không chỉ giàu có, gia tộc còn nổi tiếng bởi các đóng góp về mặt học thuật cho xã hội Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Lân (1906 -2003) là nhà giáo và nhà biên soạn từ điển người Việt Nam. Ông đã cống hiến trọn đời mình cho nền giáo dục Việt Nam và là người có công trong việc xây dựng bộ môn và khoa tâm lí học, giáo dục học của hệ thống các trường sư phạm ở Việt Nam.
Gia tộc Nguyễn Lân có đến khoảng 8 người con "đạt" các chức danh lớn như Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ. Ngoài ra, dù theo đuổi các chuyên ngành khác nhau nhưng các thành viên trong gia tộc nhà giáo Nguyễn Lân đều chọn làm các nghề "cao quý" như thầy giáo và thầy thuốc.
4. Gia tộc Lý Quí
Gia tộc Lý Quí một tập đoàn ẩm thực gia đình hàng đầu ở Việt Nam và có trụ sở chính ở TP.HCM. Gia tộc sở hữu khối tài sản khổng lồ với những chuỗi nhà hàng, quán café nổi tiếng ở đất Sài Thành như Ciao, Terrace, Maxim’s Nam An, An Viên và nhiều cái tên nổi tiếng khác. Tất cả những tài sản này đều trị giá lên đến hàng tỷ USD.
Ngoài ra, trung tâm nội thất Nhà Xinh cũng khởi sinh từ gia tộc Lý Quí. Hiện, thương hiệu này có hơn 20 showroom trưng bày và bán lẻ trên khắp cả nước.
Trong đó, nhà thiết kế Lý Quí Khánh chính là "con cưng" của gia tộc giàu có và có mối liên hệ rộng rãi với giới showbiz Việt.
5. Gia tộc họ Trương
Gia tộc họ Trương được xem là một trong những "đế chế" kinh doanh nổi tiếng của Việt Nam, và hầu hết dòng tiền đến từ sự phát triển của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vạn Thịnh Phát là một công ty tư nhân quyền lực và cũng khá "kín tiếng" với số vốn điều lệ lên đến 12.800 tỷ đồng. Số vốn điều lệ này cao hơn cả Vingroup của tỷ phú đôla Phạm Nhật Vượng và Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức với mức lần lượt là gần 9.300 tỷ đồng và 7.200 tỷ đồng.
Gia tộc họ Trương sở hữu nhiều nhà hàng, khách sạn, cao ốc văn phòng, căn hộ như khách sạn thương mại An Đông, cao ốc căn hộ cao cấp Sherwood Residence, và đặc biệt là tòa nhà 40 tầng Times Square - dự án từng được ví như “viên ngọc” của TP.HCM khi tọa lạc ngay góc đường đắt đỏ nhất của Sài Thành.
Ngoài ra, Trương Huệ Vân vừa là doanh nhân tiêu biểu thế hệ thứ tư của Trương gia, vừa là vợ của nhạc sĩ Thanh Bùi. Những thành viên của gia tộc họ Trương đều nằm trong top những người giàu nhất Việt Nam.
6. Gia tộc doanh nhân Đặng Văn Thành và tập đoàn Thành Thành Công
Tập đoàn Thành Thành Công hiện nắm cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp mía đường lớn bậc nhất cả nước là CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT), CTCP Đường Biên Hòa (BHS), CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTC).
Gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành - Huỳnh Bích Ngọc cùng 4 người con gồm: Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Huỳnh Anh Tuấn và Đặng Huỳnh Thái Sơn.
Trong đó, bà Huỳnh Bích Ngọc là Chủ tịch HĐQT tại SBT, Phó Chủ tịch HĐQT tại TTC. "Công chúa mía đường" Đặng Huỳnh Ức My hiện là Chủ tịch HĐQT tại TTC và Phó Chủ tịch HĐQT tại SBT.
Ông Đặng Văn Thành hiện không trực tiếp điều hành các doanh nghiệp kể trên, nhưng cá nhân ông đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu SBT và GEG của CTCP Điện Gia Lai. Các thành viên trong gia đình ông Thành cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại những doanh nghiệp này và Sacomreal, Tổng Công ty Tín Nghĩa với tổng giá trị tài sản khoảng 7.000 tỷ đồng.
7. Gia tộc "Vua giày dép" Vưu Khải Thành
Thương hiệu Biti’s được gia đình doanh nhân Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80. Tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, TP.HCM với 20 công nhân chuyên sản xuất các loại dép cao su đơn giản. Đầu thập niên 1990, Biti's chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và gây được thiện cảm của người dùng Việt nhờ câu "Nâng niu bàn chân Việt".
Biti’s còn là thương hiệu được Forbes Việt Nam định giá hơn 17 triệu USD. Tuy nhiên, người góp phần nâng tầm thương hiệu này không phải doanh nhân Vưu Khải Thành mà là con gái của ông, Vưu Lệ Quyên. Hiện tại, bà Vưu Lệ Quyên đang nắm giữ chức vụ CEO của Biti’s, trong khi ông Vưu Khải Thành là Chủ tịch HĐQT công ty.
8. Gia tộc "Vua gốm sứ" Lý Ngọc Minh
Ông Lý Ngọc Minh là người thành lập ra công ty gốm sứ Minh Long vào những năm 1970. Trải qua hơn 50 năm phát triển, Minh Long được mệnh danh là công ty gốm sứ số 1 Việt Nam, không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn gây tiếng vang trên thế giới, có mặt tại nhiều quốc gia.
Năm 1990, Minh Long là một trong những doanh nghiệp dân doanh nhận được giấy phép xuất khẩu đầu tiên và liên tiếp 5 năm sau tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm tới 98% sản lượng.
Ông Lý Ngọc Minh không phải là người duy nhất trong gia đình theo đuổi nghiệp gốm sứ. Những người em của ông cùng con cái cũng theo đuổi nghiệp kinh doanh. Ông Ngọc Minh có 4 người con là Lý Huy Sáng, Lý Huy Đạt, Lý Kha Trân, Lý Huy Bửu đều tham gia vào các hoạt động điều hành của Minh Long.
9. Gia tộc Đỗ Phú
Gia tộc Đỗ Phú là một trong những gia tộc giàu có nhất Việt Nam, có truyền thống ba đời kinh doanh với thế hệ đầu tiên là cụ Đỗ Thế Sử. 11 người con cụ Sử đều trở thành doanh nhân lẫy lừng, có người là giáo sư tiến sĩ hàng đầu của nền y khoa, giáo dục.
Trong đó, ông Đỗ Minh Phú (người con trai thứ ba) giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI và Chủ tịch HĐQT TPBank. Ông Đỗ Anh Tú là Phó chủ tịch HĐQT TPBank và Tổng Giám đốc Công ty CP Diana. Ông Đỗ Quốc Bình, con trai thứ tư là Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội; ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty FTD...
Những người con gái đều làm giám đốc thành đạt như bà Đỗ Xuân Mai, điều hành Công ty Green Global; bà Đỗ Kim Dung, Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các công ty sữa... Gia tộc họ Đỗ đã góp một phần phát triển kinh tế xã hội qua suốt một thế kỷ, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động.
10. Gia tộc Sơn Kim Group
Sơn Kim Group có tiền thân từ một công ty may mặc vào những năm 1950 và chính thức được thành lập từ năm 1975 với tên gọi Hợp tác xã Đại Thành. Người đặt nền móng cho tập đoàn đa lĩnh vực này chính là vợ chồng bà Nguyễn Thị Sơn - TGĐ Legamex, một trong những doanh nghiệp may mặc xuất khẩu lớn nhất Việt Nam thời ấy, với nhân công lên tới 10.000 người cùng lúc.
Sau 28 năm phát triển, Sơn Kim Group hiện có khoảng 11 công ty con, công ty liên kết và công ty cháu với 4 mảng chính: SonKim Land (bất động sản), SonKim Mode (thời trang), VGS Shop (bán lẻ trên truyền hình) và Vision 21 (Khai thác phim trường). Các dự án nổi tiếng của Sơn Kim Group có thể kể đến: Loạt chung cư cao cấp Gateway, Nassim, Serenity Sky Villas, Metropolitan, các thương hiệu thời trang VERA, JOCKEY, WOW, chuỗi cửa hàng bán lẻ GS25, GSSHOP, Jardin Des Sens, Mama Sens, KYO WATAMI…
Tính đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của Sơn Kim Group vào khoảng 7.600 tỷ đồng và doanh thu hằng năm khoảng 800 tỷ đồng (số liệu 2017).
Ảnh: Internet